Dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến đang gây nhiều dư luận trái chiều. Trong đó, có ý kiến lo ngại việc Bộ Công Thương đưa ra mức giá quá cao so với giá bán lẻ điện bình quân tại một số khung giờ sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp vốn đang kiệt quệ vì COVID-19.
Trả lời VTC News ngày 13/8 về đề xuất này, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, trong quá trình thực hiện giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện phát sinh một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện áp giá sản xuất và kinh doanh, nhiều trường hợp ranh giới giữa các nhóm không rõ ràng.
Nhiều khách hàng sử dụng điện và tổ chức quốc tế cũng có ý kiến nên xem xét lại về sự chênh lệch giá kinh doanh với các nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt khác và đề nghị xem xét đơn giản hoá biểu giá bán lẻ điện.
Do đó, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án giá bán lẻ điện cho khách hàng ngoài sinh hoạt để lấy ý kiến.
Trong đó, phương án 1, khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt bao gồm 3 nhóm riêng là sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh như biểu giá điện hiện hành. Riêng đối với các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ logistic sẽ áp dụng giá điện sản xuất.
Đối với phương án 2, Bộ Công Thương gộp các nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 1 nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nhóm khách hàng kinh doanh hiện đang phải trả tiền điện với mức giá cao, tuy nhiên chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ khoảng 6,6% trong tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc, trong khi nhóm khách hàng sản xuất chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện lớn hơn nhiều (trên 59%). Khi gộp nhóm khách hàng kinh doanh với sản xuất sẽ làm tăng giá bán điện của nhóm khách hàng sản xuất.
“Ước tính khi áp dụng phương án 2 nêu trên, chi phí mua điện của nhóm khách hàng kinh doanh giảm 35%, trong khi chi phí mua điện của nhóm khách hàng sản xuất tăng khoảng xấp xỉ 5% so với giá hiện hành”, ông Tuấn nói.
Cũng theo lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực, ưu điểm của phương án này là đơn giản hoá biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt tương tự như nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Không còn chênh lệch giữa giá điện sản xuất, giá điện cho kinh doanh và hành chính sự nghiệp.
“Phương án đưa ra cũng sẽ tạo áp lực để các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất để tiết kiệm điện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh dịch vụ giảm giá thành. Nhược điểm là trong ngắn hạn có thể làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành sản xuất”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Trả lời câu hỏi vì sao gộp các khách hàng sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp thành khách hàng ngoài mục đích sinh hoạt để áp cùng một biểu giá, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, do phương án này giúp giảm bớt chênh lệch giá bán lẻ điện giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt.
Đồng thời giúp đơn giản trong thực hiện do cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích ngoài sinh hoạt chỉ có 1 biểu giá; giảm thiểu các sai sót trong việc áp giá điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện khác nhau.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thống nhất của các ngành sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp sẽ tạo cho các khách hàng sử dụng điện trong việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện.
Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm. Cụ thể, phương án này khiến chi phí mua điện của nhóm khách hàng sản xuất tăng so với việc áp dụng giá hiện hành.
Thứ nữa, khi áp dụng biểu giá cho khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt, các đơn vị bán lẻ điện phải trang bị công tơ đo đếm theo giờ cao thấp điểm (công tơ 3 giá).
Bình luận