Giải pháp tình thế?
Trong dự thảo mới nhất về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất cách tính một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân, tương đương 2.704-2.890 đồng mỗi kWh, chưa gồm 10% thuế VAT. Bộ Công Thương hy vọng phương án tính giá điện mới sẽ tăng thêm lựa chọn cho khách hàng, giúp hài hòa lợi ích giữa người dân và ngành điện. Tuy nhiên, giới chuyên gia bày tỏ nhiều băn khoăn về cách tính mới và mức giá dự kiến áp dụng.
Theo đó, trả lời VTC News, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng phương án điện một giá trên chỉ là giải pháp mang tính tình thế, tồn tại nhiều bất cập, không thể áp dụng lâu dài. Nguyên nhân do mức giá bán như trên cao hơn mức bình quân, nên người có thu nhập cao, dùng nhiều điện sẽ chọn phương án điện một giá. Ngược lại người có thu nhập thấp, sử dụng ít chịu thiệt thòi.
“Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt phải đảm bảo nhiều mục tiêu như hài hòa lợi ích các bên, đảm bảo an sinh xã hội, lại khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm… nên nếu áp dụng điện một giá như đề xuất thì sẽ không có lợi cho người có thu nhập thấp, trong khi đây là nhóm đối tượng cần hỗ trợ”, ông Long nói.
Ông Long cũng cho rằng dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện lần này chưa khắc phục được thực trạng giá điện sinh hoạt cao hơn sản xuất, bù chéo cho các ngành khác, trong khi điện sinh hoạt chỉ chiếm 30% tổng sản lượng điện.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi (Đại học Bách Khoa Hà Nội), cho biết, khi xây dựng biểu giá điện, ngành điện hướng đến có tối thiểu ba mục tiêu phản ánh chi phí, sử dụng hiệu quả tiết kiệm điện năng, và tính đến các yếu tố an sinh xã hội.
“Nguyên lý tính giá chia bậc thang rõ ràng người sử dụng ít đang có lợi rất nhiều. Tức là càng dùng nhiều sẽ càng chịu giá cao. Nếu lấy giá bình quân, đương nhiên người nghèo sẽ trả giá cao hơn, liệu chính sách an sinh xã hội còn đảm bảo nữa hay không?”, ông Hồi đặt câu hỏi.
Trong khi đó, về mức giá dự kiến từ 2.703-2.890 đồng một kWh, ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, cho rằng cao so giá bình quân. “Một giá thì phải cao hơn giá bình quân. Tuy nhiên, để đưa ra những con số cụ thể, cơ quan soạn thảo gần làm rõ với dư luận cơ sở về những con số này”, ông Long nói.
Loay hoay đến bao giờ?
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc dư luận phản ứng những ngày qua trước dự thảo quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho thấy Bộ Công Thương vẫn loay hoay với bài toàn cách tính giá điện.
Theo chuyên gia, muốn xây dựng lại biểu giá bán lẻ điện cho hợp lý, đạt được mục tiêu của Chính phủ, cần phải có sự nghiên cứu phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cũng như những chuyên gia am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ để xây dựng một biểu giá điện làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích giữa EVN và người tiêu dùng.
“Tôi đồng tình với cách xây dựng biểu giá điện bậc thang, lũy tiến. Nhưng số bậc và quan trọng hơn là mức giá của từng bậc phải làm sao cho hợp lý”, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá nhấn mạnh nguyên tắc lập biểu giá lũy tiến là để đảm bảo người có thu nhập thấp sẽ được hưởng mức giá thấp nhất, ít chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá điện. Do đó cách tính như hiện nay, chỉ là “bình mới, rượu cũ” không phải giải pháp căn cơ.
Tương tự, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), cho rằng vẫn nên duy trì biểu giá luỹ tiến bậc thang, nhưng phải cân nhắc các bước giãn cách giữa các bậc hợp lý hơn nữa để người dùng nhiều điện phải trả tiền nhiều hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nêu quan điểm biểu giá điện bậc thang sẽ khuyến khích người dân tiết kiệm điện, đồng thời đảm bảo lợi ích người sử dụng điện ít. "Tôi cho rằng 5 bậc là hợp lý, bởi đời sống của người dân đã khá hơn, mức sử dụng điện bình quân của mỗi hộ gia đình cũng tăng lên, nên phương án 5 bậc có mức tăng giá điện giữa các bậc ở mức hợp lý, phù hợp với thực tế", ông Hùng nói.
Vẫn hỗ trợ hộ nghèo và diện chính sách
Bộ Công Thương đề xuất mức hỗ trợ tiền điện hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng quy định (không thuộc diện hộ nghèo) có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn tài chính hợp pháp khác.
Đối với nhóm “khách hàng ngoài sinh hoạt”, dự thảo của Bộ Công Thương đưa ra hai phương án lựa chọn. Cụ thể, phương án 1 bao gồm nhóm khách hàng sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh. Trong đó nhóm khách hàng lưu trú du lịch, doanh nghiệp dịch vụ logistics sẽ được gộp vào nhóm sản xuất với mức cao nhất là 246% giá bình quân bán lẻ điện.
Phương án 2 là gộp các nhóm sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 1 nhóm là khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt với mức tính giá cao nhất là 169% giá bình quân bán lẻ điện vào giờ cao điểm.
Bình luận