• Zalo

Giá đất ở Sóc Trăng đang bị 'thổi' tăng nhiều lần

Bất động sảnThứ Bảy, 03/04/2021 21:46:00 +07:00Google News

Không có nhu cầu về nhà ở nhưng nhiều người vẫn mua đi bán lại bất động sản ở TP Sóc Trăng rồi đẩy giá tăng cao gấp nhiều lần.

Khoảng một năm nay, người dân Sóc Trăng thường bị làm phiền, nhất là khi đang nghỉ trưa vì nhận những cuộc điện thoại mời mua nhà, đất.

Ông Trần Ngọc Anh ở phường 4, TP Sóc Trăng cho biết vài tháng gần đây mỗi ngày ông nhận 4-5 cuộc gọi của các “cò” đất. “Đang ăn cơm cũng vài em gái gọi điện giới thiệu là doanh nghiệp nhà đất này, nhà đất kia. Bây giờ thấy số điện thoại lạ là vợ chồng tôi không nghe máy”, anh Ngọc Anh nói.

Mệt mỏi vì "cò"

Không riêng gì người dân mà nhiều cán bộ địa phương phản ánh rằng họ cũng bị “cò” đất làm phiền.

“Có lúc vừa tắt số máy này thì số khác gọi lại với nội dung mời xem nhà mẫu, tham quan dự án”, ông N.A.T. (51 tuổi, ở phường 1, TP Sóc Trăng) khẳng định.

Giá đất ở Sóc Trăng đang bị 'thổi' tăng nhiều lần - 1

10 năm trước, dãy nhà trệt cuối đường số 8 của khu đô thị 5A, TP Sóc Trăng chỉ có giá 290 triệu đồng, nay đã tăng lên 1,2 tỷ đồng/căn. (Ảnh: Việt Tường)

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cho biết thị trường bất động sản sôi động kéo theo “cò” hoạt động nhộn nhịp. Nhiều quán giải khát thường xuyên có các nhóm môi giới bất động sản săn tìm số điện thoại để mời gọi mua nhà, đất.

“Người người muốn làm ‘cò’ đất để hưởng tiền hoa hồng. Nhà nhà cũng muốn đầu tư khu dân cư, muốn phân lô để bán nền để mong có nhiều tiền. Những thửa đất 40-50 m2 được chính quyền cho lên thổ cư. Lợi dùng việc này, nhiều người gom nhiều nền nhà nhỏ để đầu cơ rồi đẩy giá lên cao”, chủ doanh nghiệp bất động sản nói.

Theo tìm hiểu của Zing, gần cuối đường số 8 của khu đô thị 5A, phường 4, TP Sóc Trăng có vài căn hộ thường xuyên treo bảng “bán nhà”. Những căn này thay đổi chủ liên tục bởi họ mua không với mục đích để ở mà nhắm vào mục tiêu đầu cơ sinh lợi.

Giá nhà, đất tăng vọt

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thìn, cho biết 4 năm trước khu dân cư thương mại Lê Thìn bán đất ở đô thị với giá khoảng 1,7 triệu đồng/m2 nhưng rất ít người mua vì khách hàng cho rằng khu vực này cư dân thưa thớt. Lúc này, ông Tuấn xây nhà dành cho người thu nhập thấp, bán giá 250 triệu đồng/căn (4x20 m2) nhưng mỗi tháng bán được 3-4 căn.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2000 đến nay, thị trường nhà đất ở Sóc Trăng trở nên sôi động vì nhiều dự án lớn mọc lên tại đô thị này. Đây là nguyên nhân người dân nông thôn khá giả mang tiền ra TP Sóc Trăng mua nhà tại các khu dân cư để con, cháu có điều kiện học hành tốt hơn.

“Giá đất khu Lê Thìn tăng lên 4-4,5 triệu đồng/m2. Nhà trệt từ 250 triệu đã tăng lên 700 triệu; một trệt một lầu tăng từ 499 triệu lên 1,6 tỷ đồng mỗi căn. Giá nhà, đất tăng vọt nhưng khu dân cư của tôi khách hàng mua nhà gần hết. Bà con mua nhà vì có nhu cầu ở tại nơi có đầy đủ cơ sở hạ tầng chứ không phải mua để đầu cơ”, ông Tuấn nói.

Đi dọc theo các tuyến đường lớn trong nội đô TP Sóc Trăng, người dân dễ dàng nhìn thấy rất nhiều áp phích, tờ giấy quảng cáo bán nhà, đất treo trên trụ điện, cây xanh. Trong đó, đất dự án khu dân cư Minh Châu ở phường 7, TP Sóc Trăng được rao bán với giá từ 560-599 triệu đồng/nền. Giá này được người dân đánh giá là cao vì tăng 2-3 lần so với 5 năm trước.

Tại khu đô thị 5A, 10 năm trước nhà trệt liên kế trên tuyến đường chính (số 8) được chủ đầu tư bán 290 triệu đồng/căn. Hiện nay, giá giao dịch thông qua người môi giới lên đến 1,2 tỷ đồng/căn.

Dọc theo đường số 6 khu đô thị 5A, đơn vị môi giới và nhà đầu tư treo nhiều áp phích có nội dung ưu đãi và bốc thăm trúng thưởng khi mua bất động sản. Nhà một trệt, 2 lầu chưa hoàn chỉnh bên trong được bán giá trên 3,6 tỷ mỗi căn. Nhà đầu tư cam kết chỉ nhận thanh toán trước 30% và hỗ trợ lãi suất 0% đến khi nhận nhà.

Giá đất ở Sóc Trăng đang bị 'thổi' tăng nhiều lần - 2

Giá đất trong khu dân cư Minh Châu dao động khoảng 560-600 triệu đồng/nền, tăng gấp 3 lần so với trước đây. (Ảnh: Việt Tường)

“Có một căn trong dãy liên kế 37 giá ban đầu chỉ 290 triệu đồng. Người chủ đầu tiên bán lại cho giới đầu cơ giá 540 triệu đồng vào đầu năm 2020. Vài ngày sau đó chủ mới bán căn nhà với giá 800 triệu đồng. Giao dịch gần nhất vào cuối tháng 3 là 1,2 tỷ đồng. Mua xong chủ mới không ở mà đóng cửa để đó chờ ‘cò’ thổi giá tiếp”, một cư dân khu đô thị 5A chia sẻ.

Tại khu dân cư Minh Châu, một “cò” đất nói rằng chị ta được ký gửi vài căn một trệt, 2 lầu được người đầu tư trước mua với giá 2,2 tỷ đồng/căn. Giá chuyển nhượng lại hiện nay là 2,4 tỷ đồng/căn.

“Sau khi hoàn tất hợp đồng mua bán, anh sẽ được nhận sổ hồng trong vòng 6 tháng”, người này cam kết.

Ngăn chặn đầu cơ đất

Trước thực trạng bất động sản trên địa bàn đang "nóng", Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu tỏ ra băn khoăn khi thấy giá đất ngoài thị trường ngày một tăng cao khiến hộ nghèo, cận nghèo khó tiếp cận đất có đầy đủ thổ cư để xây nhà. Vì vậy, ông Lâu đề nghị cấp ủy và chính quyền địa phương nghiên cứu tìm giải pháp kềm chế việc sốt đất.

“Giá đất như hiện nay thì có người cả đời chưa mua mua nhà. Như vậy thì họ phải ở nhà xã hội, tạo thêm gánh nặng cho địa phương”, ông Lâu phân tích.

Ông cũng cho rằng giá đất tăng liên quan đến đầu cơ đất tại một số nơi có dự án triển khai. Nhiều người nghe thông tin nơi nào sắp có dự án đã đến mua đất đầu cơ, tạo sốt giá. Khi dự án triển khai, khu vực này vướng mặt bằng của chính những người đầu cơ đất.

Ông nhấn mạnh khi có dự án, cơ quan chức năng cần công bố trước cho dân là dự án đi qua là phải mở đường, thu hồi 2 bên bồi thường theo giá Nhà nước. Ai từng mua đất giá thị trường cao hơn cũng phải chấp nhận.

"Không thể vì vài hộ mà làm ảnh hưởng cả dự án, như vậy làm sao phát triển kinh tế được. Phải ngăn chặn đầu cơ đất, tìm cách khônng cho sốt giá đất”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói.

Ông Trần Văn Lâu cũng lưu ý tình trạng cho chuyển đổi đất thổ cư tràn lan để “chạy dự án”. Theo quy định, gia đình ở đô thị chỉ được chuyển mục đích 200 m2 đất thổ cư nhưng có những trường có đến 500-600 m2 đất thổ cư.

“Có gia đình phía trước 200 m2 đất thổ cư, phía sau cũng có vài trăm mét thổ cư. Nhiều người thấy dự án làm gần tới thì chuyển thổ cư, chuyển nhiều lên để dự án tới được đền bù nhiều tiền. Có khi cán bộ mình tiếp sức làm, không loại trừ”, ông Lâu đánh giá.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn