Như tin đã đưa, Tập đoàn Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng sân bay Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong 3-5 năm.
Tuy nhiên, việc hợp tác với các đối tác Trung Quốc đang gặp sự phản ứng trái chiều từ dư luận trong nước. Nhiều ý kiến cho biết, hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc không khác gì đánh một canh bạc và dường như bị ám ảnh với cái mác "hàng Tàu".
Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp Trung Quốc đang thắng thầu xây dựng cũng như cung cấp thiết bị tại các thị trường khó tính nhất về công nghệ, rất minh bạch trong đấu thầu như Mỹ, Úc, Canada, Saudi Arabia ...
Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông) – một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu giao thông của nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng, làm ăn với Trung Quốc như con dao hai lưỡi, nếu không cẩn thận sẽ bị đứt tay.
Cần tỉnh táo, thận trọng
- Thưa TS, dư luận trong nước đang có nhiều ý kiến phản đối việc Tập đoàn Geleximco hợp tác với các đối tác Trung Quốc để xây dựng sân bay Long Thành. Lý do được nhiều ý kiến đồng thuận là các dự án do Trung Quốc tham gia gần đây đa phần đều để lại ấn tượng không tốt. Vậy, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào, liệu có nên hợp tác với các đối tác Trung Quốc hay không?
Theo tôi, việc các doanh nghiệp trong nước hợp tác với nước ngoài là chuyện bình thường, không có chuyện gì phải bàn cả. Thế nhưng, việc hợp tác với Trung Quốc thì cần xem xét thật kỹ.
Dư luận xã hội không đồng tình là việc hiển nhiên, không có ai mong muốn hợp tác với Trung Quốc vì họ đã mất uy tín ở một số công trình nhất định, đặc biệt là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. Cho nên, đó là chuyện nhắc nhở các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng khi hợp tác với nhà thầu Trung Quốc.
- Nếu hợp tác với các Trung Quốc, phía Việt Nam bao gồm Nhà nước và Tập đoàn Geleximco sẽ có lợi thế gì?
Việc một doanh nhân dám bỏ tiền ra hàng mấy chục tỷ USD để làm một cái sân bay và phối hợp với Trung Quốc thì tất nhiên doanh nhân đó phải báo cáo với Nhà nước cùng cơ quan chủ quản là Bộ GTVT và phải thuyết trình được nhà thầu Trung Quốc đó có năng lực, có kỹ năng, có tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật lao động như thế nào; không giống như nhà thầu đường sắt làm với mình ở tuyến đường sắt trên cao.
Thế thì ở đây, chúng ta là ngoài cuộc, chúng ta không thể khẳng định ngay được nhà thầu Trung Quốc này là nhà thầu không tốt.
Về mặt thuận lợi, thứ nhất, nếu một công trình lớn như vậy mà chúng ta không phải đấu thầu, không phải chỉ định thầu, nhà nước không phải bỏ nhiều vốn ra để làm mà có một doanh nhân làm; tôi cho đó là một điều tốt, vì hiện nay chúng ta đang nợ công lớn, những khó khăn trong tài chính cũng rất là lớn.
Thuận lợi thứ hai, một doanh nghiệp tư nhân làm thì theo tôi nó còn tốt hơn là công ty nhà nước làm. Vì nó có ý thức trách nhiệm và có động lực, dám chịu trách nhiệm và tiết kiệm hơn; đỡ các vấn đề tiêu cực, đỡ các vấn đề tham nhũng ở trong khâu xây dựng cũng như những khâu đầu tư.
Kể cả vấn đề công nghệ thì chúng ta nên xem về phía Trung Quốc, rồi vấn đề chất lượng công việc khi mà tư nhân nó làm rồi thì kinh nghiệm ở trên thế giới người ta thấy rằng, cái gì mà tư nhân làm rồi nói chung đều đảm bảo chất lượng, đều đảm bảo tuổi thọ và đảm bảo các yếu tố về kinh tế kỹ thuật tương đối tốt.
Yếu tố thứ ba, các công trình lớn như thế phải được chính phủ cả 2 nước đảm bảo, chứ không chỉ mình tư nhân với nhau, đây chính là lợi thế. Nếu phối hợp với một nhà thầu Trung Quốc mà có chất lượng, được giám sát kỹ, được kiểm tra kỹ và được chính phủ đảm bảo sẽ đem lại hiệu quả cao.
Yếu tố thứ tư, theo tôi, nếu hợp tác với các đối tác Trung Quốc sẽ có giá rẻ hơn. Tất nhiên, chúng ta sẽ phải chấp nhận những "yêu sách" từ họ như nhân công hay trang thiết bị...
- Vậy, chúng ta sẽ phải đối mặt với những bất lợi gì nếu hợp tác với các đối tác Trung Quốc?
Tuy nhiên, bên cạnh đó, khi hợp tác với các đối tác Trung Quốc, chúng ta sẽ phải đối mặt với một số hạn chế.
Đơn cử, nếu một đơn vị tư nhân đứng ra xây dựng sân bay Long Thành sẽ đặt lợi nhuận lên trên hết, không có một doanh nghiệp nào muốn đầu tư một dự án mà để thua lỗ, phá sản cả.
Thứ hai, chú ý vấn đề vật tư xây dựng. Nếu vật tư xây dựng chỉ cần thay loại khác, thay đổi lượng thép, thay đổi một số kết cấu nào đó thì nó sẽ giảm đi hàng chục tỷ nhưng bù lại tuổi thọ sẽ rất kém. Nếu không giám sát kỹ, tư nhân có thể cắt xén vật liệu. Vì vậy, một sân bay người ta phải xây dựng có thể sử dụng an toàn trong dăm bảy chục năm nhưng nếu mà hai, ba mươi năm nó đã hỏng rồi thì không biết sẽ quy trách nhiệm cho ai.
Thứ ba, chúng ta đang có bài học với công trình đường sắt trên cao đó, ngoài ra còn rất nhiều dự án khác có dấu ấn của Trung Quốc tại Việt Nam với nhiều bất cập. Tuy nhiên, như tôi đã nói, việc hợp tác với Trung Quốc không hẳn là không tốt. Vì vậy, khi hợp tác với Trung Quốc, chúng ta cần tỉnh táo và hết sức thận trọng, lưu ý.
- Theo ông, có nên xây dựng xây bay Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP) hay không? Nếu không thì nên chọn hình thức nào?
Theo tôi, hình thức PPP là một hình thức có thể thực hiện được, áp dụng được. Vì dù sao nó cũng thuộc giữa công và tư. Về tư thì họ làm những cái gì, công làm những cái gì thì hai bên đã có rồi, đã có những ràng buộc với nhau về trách nhiệm rồi.
Thế thì đầu tư bao nhiêu, phần nào, nhà nước góp vốn bao nhiêu thì theo tôi, cái đó đã hiệp định và cái hợp đồng chi tiết đảm bảo rồi. Hình thức này nó cũng đang phát triển nhiều nên áp dụng là tốt.
Video: Bộ GTVT nói gì khi Tập đoàn Geleximco muốn hợp tác với Trung Quốc để xây dựng sân bay Long Thành?
- Với nhiều năm gắn bó với ngành GTVT, ông có biết một số dự án nào có dấu ấn của Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam đem lại hiểu quả cao hay không?
Tôi thấy là nếu là nhìn về bề nổi thì một số công trình làm với mình không được tốt, nhất là các nhà máy như: nhà máy điện Cẩm Phả, nhà máy gang thép Thái Nguyên, đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông,…
Tuy nhiên, một số dự án như Formosa tuy họ có gây ra chuyện này, chuyện nọ nhưng những cái công trình họ làm có chất lượng, và có khả năng tạo ra bước nhảy mạnh, bước đột phá mạnh cho nên kinh tế của mình.
Việt Nam không ngờ nghệch đâu
- Rất nhiều dự án giao thông do Trung Quốc xây dựng tại Mỹ, Úc, thậm chí ngay tại Trung Quốc đang đem lại hiệu quả rất cao, nhưng tại sao, các công trình tại Việt Nam lại xảy ra nhiều bất cập như vậy. Trách nhiệm có hoàn toàn thuộc về các doanh nghiệp Trung Quốc?
Chúng ta có thể khẳng định rằng, các dự án do Trung Quốc xây dựng có nhiều bất cập như hiện nay có một phấn yếu kém của Việt Nam và lỗi của ta là phần nhiều. Rõ ràng, chúng ta nhận thiết kế của họ, nhận công nghệ của họ, chưa nắm chắc đã nhận cái công nghệ lạc hậu, ký hợp đồng rồi vẫn đầu tư vào thì rõ ràng người ta đưa công nghệ lạc hậu vào hàng chục năm thì chúng ta phải chịu.
Chỉ sợ phía Việt Nam có người muốn có kẽ hở để làm giàu cho “lợi ích nhóm”. Cái đó mới là cái quan trọng, chứ Việt Nam có ngờ nghệch đâu.
TS. Nguyễn Xuân Thủy
Chỉ sợ phía Việt Nam có người muốn có kẽ hở để làm giàu cho một số cá nhân “lợi ích nhóm”. Chính cái đó là cái quan trọng, chứ Việt Nam không có ngờ nghệch đâu. Nhưng mà rõ ràng, đưa cái công nghệ gì lạc hậu vào, giảm giá xuống thì có tiền thừa ra để chia nhau. Cái này người dân, mọi người đều biết.
Tôi cũng khẳng định, Việt Nam phải đủ hội đồng khoa học có trình độ khoa học kỹ thuật tốt, nhất là phải có trách nhiệm, có đạo đức và chuyên tâm trách nhiệm với đất nước thì mới có thể làm được việc phối hợp với không chỉ Trung Quốc mà các nước khác nữa.
- Hai nhà máy đạm Hà Bắc và đạm Ninh Bình, khi thua lỗ thì đổ tại thiết bị Trung Quốc. Trong khi đạm Cà Mau cũng do Trung Quốc đấu thầu nhưng lại đem lại lợi nhuận rất cao. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Nhìn qua đất nước Trung Quốc, chúng ta thấy GDP của họ bao nhiêu năm đều tăng 6, 7%; những công trình giao thông của họ cũng tương đối an toàn, nhưng cái tàu cao tốc, những công trình về hạ tầng của họ cũng rất tốt. Tức là cái công nghệ của họ đang đi trước mình mấy chục năm.
Tuy nhiên, như tôi nói các cá nhân mang tính "lợi ích nhóm" không bao giờ nhận trách nhiệm về mình khi xảy ra những sự cố giống như hai nhà máy kể trên. Vì vậy cái mác "hàng Tầu" không phải do họ kém mà do ta tạo điều kiện để họ làm như vậy. Nếu kiểm soát chặt chẽ như các công trình của Nhật Bản thì không bao giờ để trình trạng đó xảy ra.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận