LTS: Tôi đã từng nghe người ta kể nhiều về phép thuật nèm, chài (bùa mê, ngải lú) thần bí của những ông thầy mo Mán, Mường trên rừng xanh núi đỏ. Rằng chỉ với một dúm muối, một đôi đũa, một nhành cây..., họ có thể “bó” cho đôi vợ chồng nọ đang đứng trước nguy cơ tan vỡ trở nên quấn quyện, khăng khít như thuở ban đầu. Có thể chia rẽ cặp tình nhân đang say nhau như điếu đổ kia bỗng chốc trở nên hờ hững, lạnh lùng để rồi... chia ly đôi ngả. Thậm chí, chỉ với một chiếc kim, một mảnh sắt quấn sợi chỉ ngũ sắc, họ có thể giết chết kẻ thù địch bằng những lời chú bí hiểm... Để “bảo lãnh” cho tính xác thực của những câu chuyện rùng rợn ấy, có người còn lôi ra những lời thề rất độc địa khiến kẻ tò mò, đa nghi Tào Tháo là tôi cứ nhấp nhổm không yên. Và rồi, tôi quyết định thâm nhập vào thế giới bùa ngải âm âm, u u quyết vén bức màn tâm linh kỳ bí này.
Gặp vị thầy bùa thượng thừa từng là cán bộ
Buổi trưa hôm ấy, tôi và nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, người đẫm mình mấy mươi năm trong nền văn hoá xứ Mường Phú Thọ, dùng cơm trưa ở nhà khách UBND huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Anh Tạ Văn Ngọ, trưởng phòng văn hoá huyện tay rót rượu mời khách, miệng xởi lởi: “Chuyện bùa mê ngải lú tôi cũng nghe nhiều rồi, thực hư thế nào, tôi chưa dám kết luận. Riêng chuyện nèm chữa bệnh cho người và gia súc, nhất là nèm chữa bệnh trâu bò bị dòi bọ, nèm chữa hóc, nèm trừ sâu hại hoa màu... thì tôi tin”.
Rồi anh kể: Cách đây vài năm, một gia đình cùng xóm với anh có con trâu bị bệnh dòi, chữa bao nhiêu thuốc cũng không khỏi. Chị vợ bèn đến nhà ông thầy mo trong làng nhờ chữa bằng bùa chú. Ông thầy mo ngồi xếp bằng, thủng thẳng hỏi: “Trâu bị bệnh lâu chưa? loét chỗ nào?”, rồi bảo khổ chủ: “Về đi, về mà nhặt dòi bọ”.
Chị nọ bán tin bán nghi, chân thấp chân cao chạy. Về đến nhà thì eo ôi, dòi từ vết loét ở cổ trâu nhung nhúc chui ra hàng vốc. Vài ngày sau, vết thương lành tịt. Hai vợ chồng sướng rơn, vội vàng sắm sanh chút lễ mọn đến tạ ơn thầy. Chuyện nữa: anh Hoàng Bá Tân, con của “nhà bùa chú” nổi tiếng Hoàng Bá Huân ở xã Tân Phú có những bài nèm chữa một số bệnh hiểm nghèo.
Đứt tay chảy máu, nhọt sưng mưng mủ, anh chỉ cầm con dao cùn hà hơi niệm chú rồi chí chí vào đó, vài ngày nhọt to như cái chén xẹp ngay. Mới đây, anh niệm thần chú chữa khỏi bệnh viêm gan nặng cho một người ở làng Hoàng Xá. Nhờ đó, anh được mời đi báo cáo điển hình về cách chữa bệnh bằng phương pháp dân gian ở Hội nghị y học dân tộc tỉnh Phú Thọ.
Nhà văn gầy gò Nguyễn Hữu Nhàn thì nhỏ nhẻ góp một chuyện khá rùng rợn. Chuyện rằng: ông có một người bạn đồng hương quê Tứ Xã (Lâm Thao) dạy học nhiều năm ở xã Lai Đồng (cách Tân Phú 30 km). Một lần chứng kiến một anh người Mường có vợ lâm bệnh trọng chết. Thay vì lo ma chay, anh này cứ dí mũi xuống xác vợ... hít lấy hít để.
Hỏi dân làng mới biết, anh này vì xấu xí, lại nghèo nên phải nhờ người nèm mới lấy được vợ. Do bỏ bùa mê thuốc lú để lấy cưỡng bức nên khi một người chết thì người kia sẽ phải chết theo do chưa biết hoặc chưa kịp đón thầy đến “ké nèm” (giải bùa chú).
Sau này, ông được cụ Hoàng Đức Sin, 80 tuổi, người Mường xã Tân Minh giảng giải thêm rằng: Nếu nèm để lấy vợ mà sống yêu thương nhau thì không sao. Còn nếu nèm để cưỡng bức nhau sẽ bị quả báo tức thì. Vì vậy, khi một người đột tử thì người kia phải hít hơi tử thi cho đến khi thầy đến cởi cho mới thoát.
Cuộc đời cụ Sin là cả một pho huyền sử về phép thuật nèm chài. Cụ vốn là thầy cúng nổi tiếng cả vùng, đã từng
được cấp sắc chánh thượng thừa, cấp bậc cao nhất trong nghề thầy cúng. Muốn lên được cấp bậc này phải qua các sắc tiểu thừa, trung thừa, đại thượng thừa và trung thượng thừa.
Là người ăn to nói lớn, cụ cứ choang choang kể: “Ngày xưa, bác là cán bộ xã, làm chủ nhiệm HTX nhiều năm đấy. Vì làm cán bộ, không được đi cúng, không được nói đến chài, nèm nên có lão giở trò ma nèm vợ bác, khiến bà ấy bỏ chồng, bỏ con đi theo hắn.
Giận quá, bác gọi hắn đến nhà vãi (bố mẹ vợ) vỗ ngực, chỉ mặt hắn: “14 tuổi tao đã là thầy cúng. Mọi pháp thuật người Mường tao không lạ. Nếu ngươi không đón người ké nèm để tao phải ra tay thì chớ có trách”. Kẻ cướp vợ mặt xanh đít nhái quỳ sụp xuống, lạy cụ như tế sao.
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn hỏi: “Thế cụ có giận cụ bà không?” Cụ Sin xua tay cười hớ hớ: “Ô không! Đấy là nó nèm cho mê mẩn mà theo nó thôi. Khi bà ấy về, khóc lóc xin tha thứ, bác không mắng nửa lời, vẫn sống tốt với nhau đến tận bây giờ đấy”.
Nhà văn lại hỏi: “Người Mường xưa có thể nèm cho trai gái yêu nhau. Vậy có thể nèm cho nhân tình nhân ngãi, bồ bịch bất chính chán nhau không hả cụ?”. “Được chứ!” Cụ Sin nói rồi vỗ vỗ vào vai nhà văn: “Hôm nào đến đây bác dạy cho bài ké nèm mà về xuôi cứu nhân độ thế cho vợ chồng không bỏ nhau”.
Những câu chuyện lạ lùng
Tôi ngồi nghe chuyện mà người cứ mê đi. Càng nghe ruột càng nóng như lửa đốt, những muốn có phép thần để bay ngay lên xứ Mường. Bữa rượu vừa tan, tôi vội vã lên xe phóng thẳng. Chặng đường từ thị trấn Thanh Sơn (Phố Vàng) lên Thu Cúc dài chừng 30 km bóng nhoáng, phẳng lỳ.
Xe uốn lượn theo những đường cong mềm mại, tôi cứ mắt tròn mắt dẹt. Sao đường miền núi lại “ngon” thế? Sao tiếng là vùng sâu vùng xa nhất của huyện Thanh Sơn tưởng là xác xơ, tiêu điều mà lắm nhà lô cốt bê tông thế, trên nóc lại còn chềnh ễnh con ăng-ten chảo pa-ra-bôn giá đến vài triệu đồng. C
ác quán cà phê giải khát mọc san sát. Thi thoảng lại bắt gặp biển hiệu “karaoke” to đoành. Thế mới oách! Thì ra cái “anh” văn minh đã tràn cả lên rừng xanh núi đỏ rồi.
Đến địa phận xã Tân Phú, tôi tạt vào một quán bia hơi bên đường. Cô chủ quán ngực thây lẩy, mông ưỡn ẹo đon đả chạy ra. Trong quán, một tốp thanh niên Mường chừng chục cô cậu đang tíu tít cụng ly, đùa cười rôm rả. Chỉ mất vài câu đưa đẩy, tôi đã trở thành khách quý của họ.
Biết tôi có ý định tìm hiểu phép thuật nèm chài, Thủy, cô gái Mường có nước da đen giòn với nụ cười hoa tươi tắn lúng liếng bảo: “Anh đến đúng ổ bùa ngải của người Mường chúng em rồi đấy. Đẹp giai thế này, không sợ bọn em bỏ bùa mê cho mất đường về quê mẹ sao anh?”. Tiếng cười ré lên. Cậu thanh niên Mường tên Khỏe, xã Mỹ Thuận, phô hàm răng bàn cuốc gắt gỏng: “Chúng mày có im đi không! Cứ đùa để anh ấy sợ”.
Quay lại phía tôi, Khoẻ trùng giọng: “Nèm chài của người Mường chúng em là có thật, lưu truyền từ đời xửa đời xưa. Mẹ em cũng biết nèm đấy, nhưng cụ chẳng làm bao giờ cả. Cụ bảo, làm cái đó thất đức lắm. Bữa trước, có mấy anh nhà báo dưới Hà Nội lên đây tìm hiểu viết bài.
Hỏi han linh tinh vài câu rồi về phịa cả một trang báo dài. Toàn bịa đặt, xuyên tạc cả. Lại còn riết róng tố cáo người Mường chúng em lòe bịp, chặt chém khách moi tiền, rồi thì mê tín dị đoan khiến dân tình bất bình lắm. Nếu anh thực sự muốn tìm hiểu phép thuật thần bí này, em sẽ đưa anh đi”.
Thấy tôi còn bán tin bán nghi, Khỏe căn vặn: “Anh chưa tin phải không? Thế em hỏi anh nhớ, đôi vợ chồng nọ vừa chiều qua đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Vợ tru tréo chửi chồng, chồng vác dao rượt đuổi vợ, tưởng chém giết nhau đến nơi. Đùng một cái, sáng hôm sau, lại thấy cô vợ hớn hở quay về, ríu rít anh anh, em em như chưa từng có chuyện đánh đấm.
Thế không nèm thì là gì? Hay như cô S. Thị Nở ở cầu Mịn kia kìa. Xấu người, lại xấu cả nết. Lấy chồng, đẻ được 2 đứa con gái, chồng chán, nó bỏ. Thế mà anh Tuấn, chủ thầu xây dựng dưới Hà Nội, đẹp trai, lắm tiền, vợ đẹp như tiên, lại chết mê chết mệt S.
Hai đứa ăn ở với nhau như vợ chồng. Năm ngoái, lại còn bỏ tiền xây dựng cho S. một ngôi nhà 2 tầng thênh thếnh ở mặt đường. Chuyện này, cả huyện Thanh Sơn biết. Em hỏi anh, thế không phải nèm thì là gì?”.
Tôi gật gù lia lịa. Khỏe hứng chí bảo: “Kể tên những người biết nèm ở đây thì đầy dẫy. Này nhé: Bà Nhàn ở xóm Bưng (xã Minh Đài), thầy mo Thục, thầy Cửu, thầy Thắng, bà Phúc, bà Chối, bà Miến ở Mỹ Thuận, thầy Hà Văn Bày ở thôn Mai Thịnh (xã Địch Quả), ông Hà Văn Bằng, ông Hoàng Bá Huân ở Tân Phú...
Ôi dào! Nhiều lắm! Nhưng theo em, nổi tiếng nhất vẫn là thầy mo Thục. Thầy cao tay lắm. Ngày nào cũng có người đón thầy đi cúng giải hạn, cúng đàn chay phá ngục cho những nhà chết trùng tang, làm bùa ghét, bùa yêu... Đùi gà gia chủ lễ tạ, cả nhà thầy ăn chẳng hết. Hôm nọ, vợ chồng anh Tân ở Mỹ Thuận có đôi lợn nái xổ chuồng, táo tác đi tìm cả ngày chẳng thấy.
Bí quá mới đến nhờ thầy Thục. Ông Thục nhận lời, thắp hương, khấn vái rồi đi bộ lên trên dãy núi Cụt trước mặt anh kia kìa. Ông ấy lầm rầm đọc thần chú rồi hú lên mấy tiếng. Ngay chiều hôm ấy, đôi lợn ở đâu ủn ỉn mò về. Chuyện này, cả làng đồn rầm rĩ, em không nói sai”. Tôi sốt sắng hỏi đường đến nhà ông Thục để xin lá bùa yêu. Khỏe bảo: “Anh là người lạ, đến nhà, thầy không làm đâu. Để em dẫn đường cho”. Tôi sướng rơn.
Gói bùa yêu
Nhà thầy mo Thục nằm chon von trên lưng chừng đồi. Trời mưa, đường trơn nhầy nhụa, xe ô tô cài số 1, ì ạch mãi
mới lên đến nơi. Căn nhà gỗ, lợp mái gianh, rộng thênh thếnh như cái đình, ồn ào tiếng nói cười. Ngày mai, cậu con út của thầy vào Nam lập nghiệp, gia đình làm bữa liên hoan.
Thầy không có nhà. Vợ thầy bảo: Thầy ra chợ thị trấn mua canh (thức ăn). Tôi ngồi chờ. Anh con trai cả tủm tỉm: “Chú đến đây là đúng địa chỉ rồi. Yên tâm đi. Bất cứ chuyện gì cần, thầy cũng có thể giúp chú được”.
Rồi anh kể, có một cậu thanh niên ở tận Sơn Tây, vợ bỏ đi theo giai, lên khóc lóc van vỉ nhờ thầy cứu giúp. Thầy nhận lời, làm cho một lá bùa. Ba ngày sau, cô vợ trở về. Anh chàng mừng rơn. Cảm tạ tấm lòng của thầy, anh đã biếu thầy 3 triệu. Tháng nào anh ta cũng lên đây một lần để thầy yểm bùa cho tình cảm vợ chồng thêm bền chặt.
Mới đây, có một bà tận Gia Lai – KonTum lặn lội ra đây. Chồng làm giám đốc, bồ bịch lăng nhăng. Bà vợ đánh ghen, chửi bới, rồi khóc lóc, nỉ non... đủ hình đủ kiểu mà anh chồng vẫn chứng nào tật ấy. Nhờ bùa của thầy tôi, cô ấy đã giành lại được chồng. Hôm kia, cô ấy gửi biếu thầy tôi 5 triệu nhưng thầy chỉ nhận 3 triệu thôi. Cụ cao tay lắm”.
Khoảng 5 giờ chiều, thầy Thục mới về. Áo trắng, quần âu, trông thầy phong độ lắm so với cái tuổi bát thập. Bắn một điếu thuốc lào, lim dim nhả khói, thầy hất hàm: “Anh từ đâu tới? Có việc gì?”. Tôi liền giả bộ rầu rĩ: “Con là thầy giáo dạy văn dưới Hà Nội. Vợ con đang lăng nhăng với người khác. Con muốn xin thầy một lá bùa để kéo vợ con về”.
Thầy cười khùng khục: “Anh nói thế nào ấy chứ. Trông anh đẹp giai lồng lộng, lại hào hoa thế kia, vợ bỏ theo giai sao được”. Tôi rơm rớm nước mắt, van vỉ: “Bẩm thầy! Con đâu dám nói dối. Xin thầy mau ra tay giúp con, thầy cứu con không thì con chết mất”.
Miệng nói, tay rút tờ năm trăm ngàn, tôi dúi vào túi thầy. Bộ mặt tôi lúc đó trông chắc thảm thương lắm nên thầy hạ giọng: “Thôi được rồi, thầy sẽ giúp. Bây giờ, anh ghi tên tuổi của anh và vợ anh vào tờ giấy này. Nhớ phải ghi thật chính xác, nếu không bùa sẽ mất linh”.
Ngừng lời, chiêu một ngụm nước, thầy chép miệng: “Gớm! Các cô cậu dưới ấy bây giờ no lưng ấm cật nên giậm giựt chân tay. Ngoại tình, bồ bịch khiếp quá. Chẳng riêng gì anh đâu. Ối người làm giám đốc, vụ trưởng mà vẫn cứ bị vợ cắm sừng cho như chơi ấy chứ.
Đấy, vừa chiều qua, một cô sồn sồn tô son trát phấn, người núc nỉu những nhẫn, dây chuyền đến cầu xin tôi làm
nèm cho... 4 ông bồ không ông nào được rời ra. Dâm đãng đến thế là cùng”. Đang cặm cụi viết, tôi cũng phải bật cười cùng tiếng ồ lên của mấy chục con mắt đang tò mò nhìn tôi từ nãy đến giờ.
Đón nhận tờ giấy trên tay tôi, thầy Thục khẽ khàng đặt lên ban thờ. Rót đầy ba chén nước, thắp ba nén nhang, thầy phủ phục xuống phản lầm rầm khấn. Gieo quẻ xong, thầy sai bà Thục ra vườn hái mấy cái lá và xúc bát muối lên cho thầy.
Quay mặt về phía ban thờ, thầy bắt đầu niệm chú. Cả nhà im phăng phắc. Tôi cố tập trung cũng không nghe được gì, chỉ thấy môi thầy mấp máy như máy khâu. Khuôn mặt thầy đỏ bừng như lên đồng. Niệm xong, thầy đưa nhúm lá và bát muối lên sát miệng, hà hơi 3 lần vào đó.
Đưa tôi “bùa yêu” đã được gói ghém cẩn thận, thầy dặn: “Nhúm lá này anh về chia làm đôi. Một để trong gối anh, một để gối vợ. Còn gói muối, hàng ngày nấu canh, anh cứ cho vào, cả nhà cùng ăn. Đảm bảo chỉ một tuần sau, vợ anh sẽ hết tơ tưởng lăng nhăng đến người khác”. Tôi cúi đầu cảm tạ và cáo từ ra về.
Trời nhập nhoạng tối. Biết tôi lên xóm Dùng, xã Thạch Kiệt, cách Mỹ Thuận chừng 7km, anh con cả thầy Thục gàn: “Chú đừng đi đến đấy. Đường xá xa xôi, cách trở. Chú cứ nghỉ lại đây với anh, sáng mai đi cũng chưa muộn”.
Cả nhà thầy Thục xúm lại mời nhưng tôi vẫn kiên quyết đi. Bởi ở Thạch Kiệt, có một người mà như nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã căn dặn tôi hồi trưa: “Muốn biết tường tận về nèm chài, anh phải gặp cho được ông Hoàng Văn Nhẽo, xóm Dùng, xã Thạch Kiệt. Chỉ có ông ấy mới có thể giúp anh vén bức màn tâm linh kỳ bí này”.
Còn nữa...
Kỳ 2: Diện kiến "nhà bùa chú" có ...10 vợ và những khám phá thú vị về thuật nèm chài
Video: Đàm Vĩnh Hưng kể chuyện bùa ngải
Bình luận