• Zalo

Gặp “bác sĩ ảo” điều trị ung thư ở bệnh viện tỉnh lẻ

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 10/05/2018 06:30:00 +07:00Google News

Tôi hình dung, đó là một căn phòng hiện đại như thể trong phim viễn tưởng của Mỹ, với người máy, rô bốt vươn cánh tay dài đi lại, các bác sĩ vuốt màn hình trong không khí...

Kỳ 2 (kỳ cuối): Gặp “bác sĩ ảo”

Tôi rảo bước theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Ngọc (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) để tận mắt nơi làm việc của “bác sĩ ảo”. Tôi hình dung, đó là một căn phòng hiện đại như thể trong phim viễn tưởng của Mỹ, với người máy, rô bốt vươn cánh tay dài đi lại, các bác sĩ vuốt màn hình trong không khí, hoặc ít ra cũng là một hệ thống máy chủ với ngàn vạn dây nhợ loằng ngoằng.

Thế nhưng, thật khác với hình dung, đó là một căn phòng vừa phải, chỉ với hai hàng ghế, hai chiếc bàn dài. Công nghệ hiện đại trong phòng chỉ gồm chiếc máy tính và 3 màn hình LCD treo tường. Chỉ có thể nhận biết căn phòng “bác sĩ ảo” làm việc thông qua dòng chữ: Phòng tư vấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ điều trị ung thư.

Trong căn phòng ấy, bác sĩ Trần Xuân Vĩnh, đang ngồi trước máy tính, nhập liệu. Mấy bác sĩ của trung tâm ngồi một hàng ghế, bệnh nhân và vài người thân ngồi một hàng ghế theo dõi kết quả.

Căn phòng lặng như tờ, chỉ có tiếng gõ bàn phím nhập liệu kêu lách tách. Bệnh án đang được bác sĩ Vĩnh nhập vào Hệ thống là của một cụ ông đã 81 tuổi. Điều thú vị, ông là người Hà Nội, nhưng lại lên Phú Thọ điều trị căn bệnh quái ác này.

photo-4-1524815410657355304871

 Bác sĩ Trần Xuân Vĩnh đọc các phác đồ điều trị do "bác sĩ ảo" đưa ra, để các bác sĩ bàn bạc với gia đình lựa chọn điều trị.

Theo bệnh án, ông bị ung thư dạ dày đã di căn. Tôi nhớ, GS.TS Phạm Thụy Liên từng nói rằng, ung thư dạ dày là “sát thủ” số một, với tỷ lệ chết gần như 100% nếu phát hiện muộn, còn sống đến 90% nếu phát hiện sớm.

Đầu năm, cụ ông được một bệnh viện lớn ở Hà Nội chẩn đoán ung thư dạ dày đã di căn đến hạch rốn gan. Tất cả các xét nghiệm hiện đại nhất đã được áp dụng cùng hội đồng bác sĩ chuyên khoa hàng đầu chẩn đoán, theo đó, ông phải mổ gấp, nhưng tỷ lệ sống sót là… rất thấp, bởi tuổi ông đã quá cao, bệnh lại quá nặng.

Giữa lúc tâm trạng rối bời, vì không mổ cũng chết, mà mổ cũng chết, thì một bác sĩ trong ngành kể về “bác sĩ nhân tạo” vừa xuất hiện ở Bệnh viện đa khoa Phú Thọ. Dù thông tin còn mơ hồ, nhưng các con của cụ lập tức đưa bố lên. Họ bỏ lại hết kết quả xét nghiệm, làm lại từ đầu để… thử năng lực của bác sĩ tỉnh lẻ. Khi thấy mọi kết luận và chẩn đoán giống hệt các bác sĩ đầu ngành ở Hà Nội, thì các con của cụ mới an tâm để bố điều trị ở Phú Thọ.

Bác sĩ Vĩnh nhập xong tất cả các dữ liệu vào “Hệ thống”, thì trong nháy mắt, “bác sĩ nhân tạo” đưa ra phương án tối ưu nhất: Hóa trị, xạ trị, rồi mới được phẫu thuật! Có nghĩa là “bác sĩ ảo” kia đã đưa ra quy trình điều trị ngược với các chuyên gia đầu ngành về ung thư của Việt Nam cho cụ ông. Tất nhiên, “bác sĩ ảo” kia cũng đưa ra nhiều phương án điều trị nữa, để bác sĩ cùng người nhà bệnh nhân lựa chọn. Nhưng trong trường hợp này, khi phân tích các phác đồ khác xong xuôi, “bác sĩ ảo” vẫn vẫn cứ khuyến cáo dùng phác đồ 1.

IMG_0697

Bác sĩ Trần Xuân Vĩnh nhập liệu bệnh án vào Hệ thống trí tuệ nhân tạo. 

Theo như chỉ dẫn của “bác sĩ ảo”, cụ ông sẽ được hóa – xạ để khối u ngừng di căn, teo đi. Nếu sức khỏe cụ vẫn đảm bảo, thì các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật loại bỏ toàn bộ dạ dày. Dù đưa ra phác đồ điều trị như vậy, song “bác sĩ ảo” cũng đưa luôn ra dự đoán thời gian sống sót còn lại của cụ, để người thân chuẩn bị tinh thần. Tình trạng bệnh của cụ là vô cùng khó, song Hệ thống đã đưa ra phương án tối ưu nhất, nên tất nhiên gia đình sẽ lựa chọn phác đồ theo “bác sĩ ảo”.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Ngọc bảo: “Trong phòng chỉ đơn giản có chiếc máy tính và mấy màn hình, nhưng nó lại kết nối trực tuyến với “bộ óc khổng lồ” của tập đoàn IBM ở bên Mỹ, nên có ngồi ở Mỹ hay ở căn phòng này cũng như nhau mà thôi, vì thông tin kết nối trực tuyến”.

Cũng theo Tiến sĩ Ngọc, ngay khi biết tin tập đoàn công nghệ IBM kết hợp với Trung tâm ung bướu hàng đầu của Mỹ tạo nên Hệ thống trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã triển khai ngay lập tức vì nó quá ưu việt và đi trước thời đại. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ hiện là bệnh viện thứ 81 trên toàn thế giới, là nơi đầu tiên ở Việt Nam đưa hệ thống này vào hỗ trợ bác sĩ trong điều trị ung thư. Thế giới hiện có 13 nước áp dụng hệ thống này và Việt Nam là nước thứ 11 áp dụng. Trung Quốc là nước “nhanh chân” và không tiếc tiền của đầu tư công nghệ hiện đại, nên có nhiều bệnh viện áp dụng hệ thống này nhất.

IMG_0669 5

Bệnh nhân ung thư tìm về Bệnh viện đa khoa Phú Thọ ngày càng đông khi biết tin có Hệ thống trí tuệ nhân tạo phục vụ bệnh nhân. 

Phân tích thế này để bạn đọc dễ hình dung: Khi bác sĩ Trần Xuân Vĩnh, hay một nhân viên bình thường, nhập tất cả các thông tin về bệnh nhân, kết quả xét nghiệm, chiếu chụp, tình trạng bệnh tật… thì thông tin đó được “bộ não nhân tạo” xử lý tận bên Mỹ, và chỉ 1 phút sau, cả chục phương án điều trị tối ưu nhất được đưa ra, để các bác sĩ cùng người bệnh lựa chọn, cho phù hợp với điều kiện kinh tế và tình trạng của người bệnh.

Mỗi phương án điều trị, “bác sĩ ảo” đều khuyến cáo những điểm tích cực và hạn chế, kèm theo đó là những giải thích chuyên sâu. Hệ thống này hiện cập nhật dữ liệu của khoảng 15 triệu bệnh án ung thư và hàng trăm công trình nghiên cứu chuyên sâu được cập nhật liên tục. “Bác sĩ ảo” còn có thể dự đoán được cả phần trăm hiệu quả, thời gian sống còn trung bình của người bệnh khi điều trị theo phương án đó.  

“Xem phương án điều trị do Hệ thống trí tuệ nhân tạo đưa ra, chúng tôi hoàn toàn yên tâm, bởi đang được các chuyên gia giỏi nhất của Mỹ cũng như toàn thế giới điều trị bệnh với giá rẻ. Chúng tôi được điều trị theo phương án nào, dùng thuốc gì, giá cả ra sao cũng minh bạch hết, khỏi cần lo lắng bác sĩ kê đơn thuốc theo kiểu ăn phần trăm, hay lo lót bác sĩ để được chăm sóc tốt hơn này nọ” – người nhà bệnh nhân ngồi trong căn phòng bày tỏ niềm xúc động đến khó tin.

IMG_0717 3

Dù Hệ thống trí tuệ nhân tạo cực kỳ thông minh, song quyết định cuối cùng vẫn là ở các bác sĩ. 

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm ung bướu, sau khi phân tích toàn bộ dữ liệu hiện trên màn hình, anh quay sang nói với tôi: “Đến trong mơ chúng tôi cũng không tin nổi có một ngày bác sĩ thật lại học hỏi được nhiều từ “bác sĩ ảo” như vậy. Hệ thống này không phải phần mềm, mà nó là trí tuệ nhân tạo, là kho kiến thức khổng lồ, cập nhật kiến thức liên tục, được nuôi dưỡng và có nhận thức. Nó có dữ liệu thực tế của 15 triệu bệnh án ung thư trên toàn thế giới, với hàng trăm công trình khoa học chuyên sâu và xử lý thông tin siêu tốc nhưng chính xác tuyệt đối.

Một bác sĩ giỏi tiếng Anh, mất cả đời để cập nhật được một phần nhỏ kiến thức mới về điều trị ung thư của thế giới. Thế nhưng, chỉ cần vài phút với sự hỗ trợ của Hệ thống, chúng tôi đã nắm được toàn bộ. Nhờ Hệ thống trí tuệ nhân tạo, mà chúng tôi cũng cập nhật được những kiến thức điều trị mới nhất, hiện đại nhất, biết được loại thuốc mới nhất điều trị ung thư của thế giới”.

IMG_0712 4

 Chỉ cần nhập bệnh án chi tiết của bệnh nhân, một phút sau "bác sĩ ảo" sẽ cho ra các phương án điều trị thông qua hệ thống màn hình.

Tất nhiên, hệ thống này chỉ hỗ trợ bác sĩ trong điều trị ung thư, chứ không thể thay thế vai trò của bác sĩ. Bởi, từ lúc chẩn đoán cho đến quá trình điều trị, bác sĩ vẫn đóng vai trò chủ đạo, quyết định. Hệ thống chỉ hỗ trợ đưa ra các phác đồ điều trị dựa trên thông số từ 15 triệu bệnh án ung thư và hàng trăm công trình nghiên cứu y khoa hàng đầu thế giới.

“Hệ thống này không phải là phần mềm mà là trí tuệ thông minh nhân tạo hàng đầu thế giới. Nó giúp đưa ra phác đồ điều trị tối ưu cho người bệnh, với nhiều lựa chọn theo thứ tự ưu tiên và có bằng chứng ở mỗi phác đồ về khả năng thành công, về các loại thuốc áp dụng, về ảnh hưởng độc dược…”, Tiến sỹ Nguyễn Huy Ngọc phân tích thêm.

Trong những bộ phim viễn tưởng về trí tuệ nhân tạo, bao giờ cũng có cảnh, trí tuệ nhân tạo sẽ chiếm lĩnh, điều khiển con người, thế nhưng, trí tuệ nhân tạo do con người làm ra, nên cuối cùng, nó cũng không bao giờ thay thế hoàn toàn được con người.

Nhưng chắc chắn rằng, Hệ thống trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ sẽ thắp lên hy vọng mới cho những con người đau khổ vì vướng phải căn bệnh quái ác này.

Phạm Dương Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn