Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhiều người cho rằng ăn gan là nạp độc tố vào cơ thể bởi nghĩ gan chứa nhiều chất độc hại, nếu không phân hủy hết sẽ còn tích tụ lại và ăn vào sẽ gây độc.
Nếu sử dụng đúng cách, hợp lý gan động vật sẽ rất tốt cho cơ thể, vì gan là thực phẩm giàu dinh dưỡng. Gan chứa nhiều sắt nên bổ sung gan đúng cách, ăn điều độ và hợp lý sẽ tốt cho người bị thiếu máu.
Gan động vật nói chung chứa nhiều sắt và vitamin A, đây là nhóm các chất hòa tan trong chất béo quan trọng cho cơ thể, tốt cho thị lực, tăng sức đề kháng, tăng cường hệ thống miễn dịch và quá trình phân chia tế bào nhất là ở trẻ em. Vitamin A còn giúp chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào, chống lại các gốc tự do góp phần gây nên bệnh tim mạch, ung thư và một số bệnh khác.
Nhược điểm của gan là chứa nhiều chất béo, hàm lượng cholesterol cao. Do vậy, những người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, người cao tuổi, tăng huyết áp, mắc bệnh gout, bệnh thận không nên ăn gan động vật.
Theo PGS Lâm cho rằng, trong các loại gan động vật, không phải gan to là nhiều dinh dưỡng hơn. Gan bò, lợn tuy lớn nhưng các chỉ số về hàm lượng dinh dưỡng không bằng gà.
Trong 100 g gan gà chứa 18,2 g đạm; 3,4 g chất béo; 440mg cholesterol; 6960 mcg vitamin A; 8,2 g sắt.
Trong 100 g bò chứa 17,4 g đạm; 3,1 g chất béo; 5000 mcg vitamin A; 9,0 g sắt.
Trong 100 g gan lợn chứa 18,8 g chất đạm; 3,6 g chất béo; 300 mg cholesterol; 6000 mcg vitamin A; 12,0 g sắt.
Như vậy, hàm lượng vitamin A trong gan gà là cao nhất, hàm lượng đạm và sắt cũng không thua kém gan bò và lợn.
Để đảm bảo nguồn gan an toàn khi sử dụng, các bà nội trợ nên lựa chọn các loại gan biết rõ nguồn gốc, chọn thực phẩm từ vật nuôi theo phương pháp hữu cơ, không nuôi tăng trọng và con vật còn khỏe mạnh.
Bạn nên chọn gan tươi, bề mặt có độ đàn hồi, màu hồng đều. Không mua gan có màu tím sẫm, mùi lạ. Khi mua về nên cắt lát mỏng, rửa sạch bằng nước lạnh rồi lấy khăn giấy thấm khô hết máu ứ trong gan để loại bỏ độc tố.
Bình luận