Từ năm 2017 đến 2021, với sự hợp tác chặt chẽ từ các đối tác quốc tế, trung ương và địa phương và các ban, ngành liên quan, Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật Vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (gọi tắt là VVOB) đã triển khai thành công dự án “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống” (BAMI).
Dự án được thực hiện tại địa bàn 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. Dự án tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý cấp Sở, Phòng GD&ĐT, hỗ trợ phát triển chuyên môn cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường tại các cơ sở giáo dục mầm non nhằm giải quyết các rào cản về giới, ngôn ngữ và môi trường.
VVOB triển khai dự án với nhiều hoạt động đa dạng, như tổ chức tập huấn cùng chuyên gia, trao đổi kinh nghiệm giữa các trường, hỗ trợ phát triển chuyên môn, khai vấn, thu hoạch các câu chuyện thay đổi có ý nghĩa, triển khai nhân rộng các phương pháp tiếp cận mang tính đổi mới, sáng tạo tới địa phương.
Sau 5 năm thực hiện, dự án BAMI đã đạt được nhiều kết quả tích cực, mang lại nhiều thay đổi có ý nghĩa cho cán bộ quản lý cấp sở phòng, cán bộ quản lý và giáo viên các trường mầm non, đặc biệt là những thay đổi tích cực ở trẻ mầm non tại những địa phương tham gia.
Bà Karolina Rutkowska, Giám đốc Chương trình Quốc gia VVOB Việt Nam phát biểu: “Đặt mục tiêu nâng cao chất lượng học tập cho tất cả trẻ em 3-5 tuổi trong các cơ sở giáo dục mầm non bằng cách tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên, dự án BAMI được triển khai với hai trọng tâm chính.
Thứ nhất, nâng cao năng lực quan sát trẻ theo quá trình cho giáo viên, từ đó thấu hiểu về mức độ thoải mái và tham gia của trẻ trong lớp học. Nhận thức được sự khác nhau trong hành vi và sự tham gia của mỗi đứa trẻ sẽ giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp tiếp cận phù hợp cho từng cá nhân trong lớp.
Thứ hai, từ việc quan sát trẻ, giáo viên cũng đồng thời được nâng cao khả năng phát hiện những rào cản trong giáo dục tại địa phương, có thể là rào cản về giới, ngôn ngữ hay sự đa dạng về mặt văn hoá. Từ đó giáo viên chủ động trong việc tháo gỡ rào cản, đảm bảo tất cả trẻ đều được tiếp cận và tham gia sâu trong việc học tập.”
Trong phiên tham luận, PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao nỗ lực của VVOB và những kết quả khả quan dự án mang lại: "Từ sau năm 2020, chương trình giáo dục mầm non mới của Việt Nam sẽ có rất nhiều điểm thay đổi và đổi mới, trong đó hướng đến ba mục tiêu quan trọng gồm chương trình giáo dục mầm non đề cao tính tự chủ của nhà trường, cán bộ quản lý và giáo viên trong quá trình giảng dạy; nhà trường được phép phát triển chương trình học sao cho phù hợp với trẻ và với đặc thù địa phương.
Đồng thời đảm bảo phù hợp với khả năng học tập của trẻ chương trình giáo dục mầm non theo hướng tích hợp, toàn diện và lấy trẻ làm trung tâm, quan tâm tới trẻ em có nhu cầu đặc biệt, để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Quan sát trẻ theo quá trình là một phương pháp tuyệt vời mà VVOB đã cống hiến cho ngành giáo dục Việt Nam. Mô hình và phương pháp này sẽ còn được nhân rộng tại tất cả các trường mầm non trên toàn quốc".
Cũng tại phiên tham luận, các chuyên gia giáo dục đến từ các tổ chức quốc tế nhấn mạnh thêm về việc áp dụng các phương pháp tiếp cận giáo dục đã được chứng minh là thành công ở môi trường quốc tế tại Việt Nam thông qua dự án BAMI.
Kết quả thực hiện sau 5 năm:
Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn cho gần 3.000 giáo viên mầm mon và 500 cán bộ quản lý thuộc 18 huyện của 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia từ VVOB.
• 196 trường mầm non với gần 43.000 trẻ mầm non (trong đó 64% là trẻ dân tộc thiểu số) được tiếp cận với phương pháp giáo dục tiên tiến, góp phần đẩy mạnh việc “lấy trẻ làm trung tâm” và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non của tỉnh.
• Bộ tài liệu Quan sát trẻ theo quá trình và Học thông qua chơi có đáp ứng giới do VVOB biên soạn được Bộ Giáo dục thẩm định để được phép sử dụng trên phạm vi cả nước. Với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục Mầm non, phương pháp tiếp cận Quan sát trẻ theo quá trình (POM) cũng đã được mở rộng đến sáu tỉnh khác ngoài dự án BAMI, được các trường đại học giáo dục và cao đẳng đào tạo có uy tín lựa chọn để đưa vào chương trình đào tạo mầm non.
Bình luận