Sáng 3/8, trả lời VTC News, nhiều chủ trang trại gà tại Bình Dương, Đồng Nai cho biết, họ đang rơi vào tình cảnh khốn đốn vì giá gà "rớt đáy", điều chưa từng có tiền lệ.
Mất 10 năm để bù lỗ 2 tháng
Nguyên nhân chung do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên việc vận chuyển, tiêu thụ gà trở nên khó khăn.
Anh P., chủ trang trại gà tại Bình Dương cho biết, khoảng gần 2 tháng trước, thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát dữ dội, giá gà công nghiệp (gà cả lông) ở mức 29.000 đồng/kg. Thế nhưng đến hiện tại, giá gà rớt thảm, xuống thấp nhất còn 5.000 đồng/kg.
"5.000 đồng/kg gà, chắc không ai tin, đến tôi cũng không tin. Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi gà, mỗi ngày cung ứng cho cả nước hàng chục nghìn con, thì đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến giá gà rớt thảm như bây giờ.
Trước dịch thì gà vẫn ở mức 29.000 đồng/kg, nhưng giờ chỉ còn 7.000 đồng/kg đối với gà đạt chuẩn trọng lượng. Còn gà quá trọng lượng, nghĩa là những con to quá thì chỉ còn 5.000 đồng/kg.
Nói cho dễ hiểu, giá thành đang 29.000 đồng/kg nhưng giờ chỉ bán được 5.000 đồng/kg, đồng nghĩa với bán 1kg gà sẽ lỗ 24.000 đồng. Đơn giản hơn, một con gà 4kg bây giờ bán ra sẽ lỗ 100.000 đồng", anh P. nói.
Theo anh P., trên mạng nhiều người "hiến kế" tiếp tục nuôi, đợi thị trường ổn hẵng bán. Tuy nhiên, nuôi gà là ngành đặc thù, để quá lứa, gà càng nặng thì giá càng rớt thảm. Chưa kể đến, trong quá trình nuôi, con càng lớn thì càng tiêu tốn nhiều thức ăn, gà già lại dễ chết.
"Ở phía Nam, một trang trại gà thường sẽ nuôi khoảng 15.000 con. Với giá như hiện nay, thì mỗi nhà sẽ lỗ 1 tỷ đồng/ngày khi bán ra hết. Còn các công ty lớn, bán vài trăm nghìn con thì cứ thế cấp số nhân lên. Ví dụ 100 nghìn con thì lỗ 6 tỷ/ngày bán hết.
Khoản lỗ trong 2 tháng này thì phải 10 năm nữa mới lấy lại được. Cái đó là với điều kiện đất nước trở lại bình thường, giá ổn định lại và người nào "còn sống". Chứ phá sản, thì chết luôn chứ không cứu vãn được", anh P. cho hay.
Tương tự, chị L., chủ trang trại gà tại Đồng Nai cũng cho biết gia đình đang thua lỗ nặng nề sau gần 2 tháng bị COVID-19 "điểm huyệt".
"Giá như vậy là do đợt này các lò giết mổ có nhiều công nhân dương tính COVID-19. Họ buộc đóng cửa nên không có cơ sở nào giết mổ cho, dẫn đến ùn ứ. Tui nói thật, giá hiện tại chỉ bằng vốn con gà con một ngày tuổi. Tính mỗi tiền cám, tiền điện thì lỗ kiệt quệ luôn chứ không nói đến tiền công", chị L. thông tin.
Nghỉ nuôi để tự mình cứu mình
Trước tình hình hiện tại, anh P. cho biết, phương án duy nhất để giảm thua lỗ là... nghỉ nuôi.
"Tự mình cứu mình thôi, chứ không biết cầu cứu ai. Theo tôi, hiện nay cá nhân những chủ trại, các công ty phải tự điều chỉnh, tự cứu mình bằng cách nghỉ nuôi. Chỉ có nghỉ nuôi mới giảm thời gian lỗ.
Bắt buộc phải giảm phương án nuôi thả lại, vì phương án cấp đông không khả thi. Nhà máy giết mổ không đủ công suất, nhiều nhà máy đóng cửa do dịch hết rồi. Con nào đã về trong chuồng thì chịu nuôi rồi lỗ chết thôi. Con nào đang ấp trứng thì buộc phải tiêu huỷ", anh P. nói.
Trả lời VTC News, đại diện Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam xác nhận tình trạng ứ đọng gà đang diễn ra. Gà công nghiệp đang rớt giá thảm, thấp nhất là 5.000 đồng/kg. Đây là mức giá giảm thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, các loại gà giống cũng không thể tiêu thụ. Với tình hình này, khả năng Việt Nam thiếu nguồn cung thịt, trứng gà khi hết dịch rất hớn. Vì vậy, bằng mọi cách các bộ, ngành phải tháo gỡ điểm nghẽn trong khâu lưu thông và giết mổ.
"Những cơ sở giết mổ còn hoạt động được bằng mọi giá tạo điều kiện để tăng năng suất giết mổ. Nên xem xét cho phép cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đảm bảo vệ sinh, có kiểm soát của lực lượng thú y được hoạt động để đáp ứng nhu cầu về thịt gà trong thời gian nhiều tỉnh đang giãn cách xã hội. Đồng thời phải khơi thông khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa", đại diện Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam ý kiến.
Trước tình tình này, Bộ NN&PTNT đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam (Tổ công tác 970) để ứng phó với dịch COVID-19.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970, do dịch bệnh diễn biến căng thẳng, nên các địa phương đã có chỉ đạo phải thắt chặt việc hạn chế đi lại, do đó sẽ ảnh hưởng vận chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều sở NN&PTNT đã thành lập đường dây nóng phối hợp với các sở giao thông vận tải, sở y tế để tháo gỡ khó khăn khi có yêu cầu của doanh nghiệp, theo tinh thần vướng chỗ nào, gỡ chỗ đó, kể cả 12h đêm.
"Tổ công tác 970 đề nghị các doanh nghiệp chia sẻ, khắc phục khó khăn ngắn hạn để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 trong thời hạn quy định nhằm nhanh chóng khống chế dịch bệnh, hướng tới mục tiêu ổn định dài hạn", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Bình luận