• Zalo

FPT Software: Từ quyết định 'khùng' đến hình ảnh tiếng tăm trên đất Mỹ

Kinh tếThứ Năm, 24/10/2013 12:15:00 +07:00Google News

(VTC News) - Sau 5 năm có mặt trên đất Mỹ, FPT Software kỳ vọng sẽ xây dựng FPT USA thành một công ty Việt Nam thành công, có tiếng tăm tại Mỹ.

(VTC News) - Sau 5 năm có mặt trên đất Mỹ, FPT Software đã rất thành công trong phát triển thị trường phần mềm và kỳ vọng sẽ xây dựng FPT USA thành một công ty Việt Nam thành công, có tiếng tăm tại Mỹ. 

Ông Bùi Hoàng Tùng, Giám đốc FPT Software tại Mỹ (FPT USA) trực thuộc FPT Software đã có cuộc trao đổi với PV VTC News về những thành công của "gã khùng" trên đất Mỹ.

- Ông có thể chia sẻ những kỉ niệm thú vị nhất từng gặp khi làm việc, đàm phán với "những người phương Tây khổng lồ"?

Khi bắt đầu bước chân vào thị trường Mỹ năm 2008, FPT USA may mắn được tham quan một công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới cho ngành công nghiệp ô tô. Sau chuyến tham quan, FPT USA đã tìm mọi cách để tiếp cận CEO của công ty qua kênh thư ký.

Khi đã thuyết phục được vị CEO này sang Việt Nam, chúng tôi đã nỗ lực  gây ấn tượng, từ việc bố trí các cuộc gặp gỡ với các quan chức chính phủ Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam; các buổi nói chuyện với sinh viên đại học FPT cho tới tham quan các điểm du lịch, giới thiệu các nét văn hóa độc đáo của Việt Nam.

Sau đó, vị CEO này đã quyết định lựa chọn Việt Nam như địa điểm để công ty cân nhắc phát triển phần mềm. Và sau hai tháng, FPT USA đã có được những công việc đầu tiên từ công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới.

Thành công này giúp chúng tôi tự tin hơn rất nhiều trong việc thuyết phục các công ty Mỹ khác tin tưởng năng lực làm phần mềm của Việt Nam nói chung và của FPT Software nói riêng.

- Mỹ được xem là thị trường đi đầu trong các xu hướng công nghệ mới, và là nơi quy tụ của các ông lớn trong lĩnh vực hàng không, ngân hàng, dầu khí... nhưng cũng là thị trường cạnh tranh khốc liệt. Vậy theo ông, đâu là thế mạnh và điểm yếu của các DN phần mềm Việt  Nam khi thâm nhập thị trường này? Bí quyết gây dựng thành công của FPT Software ở Mỹ?

Thương hiệu xuất khẩu phần mềm của Việt Nam thực sự còn rất nhỏ tại Mỹ. Quy mô cũng như năng lực cạnh tranh của các DN phần mềm Việt Nam chưa cao so với các đối thủ tại thị trường này.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang có lợi thế nhất định là đứng trên cùng vạch xuất phát với thế giới trong việc cung cấp các giải pháp dịch vụ dựa trên nền công nghệ mới là Mobility, Cloud, Big Data.

Mặc dù vậy, để thâm nhập và chinh phục được các “đại gia” của thị trường này, cần phải có quyết tâm rất lớn; phải thực sự am hiểu thị trường, nghĩa là có cách nghĩ như của một công ty Mỹ thực sự.

Bên cạnh đó, cần phải đạt được những tiêu chuẩn  cao nhất của thế giới về chất lượng và quy trình nghiệp vụ (sản xuất phần mềm và công nghệ), như chứng chỉ quy trình sản xuất CMMi, chứng chỉ về bảo mật thông tin BS7799.

FPT Software là công ty đầu tiên của Việt Nam đạt được tiêu chuẩn CMMi 5 level 1.2

- Ở Mỹ, những "công dân FPT Software" làm việc thế nào? Ông đánh giá thế nào về những người trẻ Việt làm phần mềm?

FPT USA đang có 50 thành viên, gồm người Việt Nam, Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc làm việc tại 8 bang khác nhau trên nước Mỹ.

Bên cạnh đó là đội ngũ hơn 1.000 lập trình viên của FPT Software tại Việt Nam đang thực hiện các dự án liên quan đến khách hàng của thị trường Mỹ.

Những nỗ lực kiên trì, không ngừng nghỉ của các nhân viên FPT USA và đội ngũ lập trình viên tại Việt Nam đã giúp FPT USA đưa thị trường Mỹ từ chỗ chỉ chiếm dưới 10% doanh số của FPT Software lên 27% vào năm 2012 và trở thành thị trường lớn thứ 2 của FPT Software .

Chúng tôi rất tự hào khi những kỹ sư phần mềm trẻ của Việt Nam đã và đang làm được những dự án có dấu ấn, như viết ra những sản phẩm liên quan đến công nghệ điều khiển bằng giọng nói cho một hãng truyền hình vệ tinh lớn của Mỹ, làm thay đổi cách xem TV của 27 triệu người dùng Mỹ và khoảng 15 triệu người ở châu Mỹ La tinh.

Hay như phát triển sản phẩm cho hãng bảo hiểm bất động sản nhằm phục vụ hàng chục triệu người trong thị trường bất động sản Mỹ.

-  Là DN phần mềm Việt Nam đầu tiên tham dự sự kiện Gartner Summit Outsourcing 2013 vừa diễn ra tại Mỹ, ông có đánh giá như thế nào về cơ hội cho các DN xuất khẩu phần mềm VN tại thị trường này?


Thị trường gia công phần mềm (outsourcing) của Mỹ có quy mô rất lớn nhưng tính cạnh tranh rất cao và khốc liệt.

Phần lớn, những công ty phần mềm lớn nhất thế giới đều tập trung ở đây, bên cạnh đó, còn có sự tham gia của hàng trăm nghìn công ty phần mềm có quy mô vừa và nhỏ.

Vì thế, DN phần mềm Việt Nam không thể ngồi chờ các công ty Mỹ tiếp cận chỉ vì yếu tố là giá rẻ. Sự kiện FPT tham gia Gartner vừa rồi rất thành công ở yếu tố tạo dựng hình ảnh của Việt Nam, hình ảnh của FPT với tư cách là công ty phần mềm có quy mô lớn nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước Đông Nam Á.

Chúng tôi đã thiết lập được khá nhiều quan hệ mới, nhận được sự quan tâm của nhiều công ty Mỹ. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ thành công hơn, tiếng tăm của Việt Nam sẽ nổi tiếng hơn nếu có nhiều công ty Việt Nam khác tham gia.

Trong các sự kiện của Gartner những năm gần đây, các nước như Trung Quốc, Brazil, Mexico … đều có những khu trưng bày quốc gia, cũng như khá nhiều công ty tham gia. Điều này giúp họ tạo được hình ảnh tốt về quy mô đối với các công ty Mỹ.

- FPT Software là DN Việt Nam đầu tiên trong lĩnh vực phần mềm mở công ty 100% vốn tại thị trường Mỹ, sau 5 năm hoạt động, theo ông liệu đây có phải là một quyết định đúng của công ty trong chiến lược toàn cầu hóa?

Năm 2008, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, FPT USA đã gặp không ít khó khăn khi mở công ty tại Mỹ, thậm chí nhiều người còn coi đây là một quyết định điên khùng. Tuy nhiên, chỉ sau 4 năm, Mỹ đã trở thành thị trường lớn thứ hai của FPT Software.

Trong giai đoạn 2010-2012, tốc độ tăng trưởng doanh thu của FPT USA đạt 65%/năm. Dự kiến năm 2013, con số này là 70%. FPT USA hiện có 4 văn phòng đại diện tại 4 trung tâm lớn của Mỹ gồm California, New York, Texas và Washington.

Tháng 3/2013, FPT mở trung tâm R&D tại Mỹ để tiếp cận tốt hơn với khách hàng, đặc biệt là trong các xu hướng công nghệ mới như Mobility, Cloud, Big Data. Đây chính là những minh chứng cho biết quyết định của công ty vào thời điểm 5 năm trước có đúng hay không.

- FPT Software đặt mục tiêu như thế nào cho thị trường này trong giai đoạn phát triển tiếp theo?

Mục tiêu của FPT USA trong các năm tiếp theo là sẽ tập trung khai thác vào các công ty Fortune American 1000, ở các mảng công nghệ mobility, cloud, phần mềm nhúng...

Chúng tôi mong muốn xây dựng FPT USA thành một công ty Việt Nam thành công, có tiếng tăm tại Mỹ.

FPT USA được kỳ vọng sẽ giữ tốc độ tăng trưởng thị trường cao nhất của FPT Software và đạt  quy mô thị trường tương đương với Nhật Bản trong vòng 3-5 năm tới.
- FPT USA thành lập năm 2008, sau 4 năm, Mỹ đã trở thành thị trường lớn thứ hai của FPT Software.

- Trong giai đoạn 2010-2012, tốc độ tăng trưởng doanh thu của FPT USA đạt 65%/năm. Dự kiến năm 2013, con số này là 70%.

- FPT USA hiện có 4 văn phòng đại diện tại 4 trung tâm lớn của Mỹ gồm California, New York, Texas và Washington.

- Tháng 3/2013, FPT mở trung tâm R&D tại Mỹ để tiếp cận tốt hơn với khách hàng, đặc biệt là trong các xu hướng công nghệ mới như Mobility, Cloud, Big Data.

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn