Hà Nội 22/1/2012, tức Hăm Chín, tháng Chạp, Tết Nhâm Thìn
Em yêu!
Hôm nay ở Việt Nam là ngày Hăm Chín tháng Chạp nhưng do tháng tính theo lịch âm bị thiếu một ngày, họ gọi luôn ngày Hăm Chín là Ba Mươi Tết. Hay không em?
Tết là gì? Em cứ hiểu đơn giản nó là những ngày đầu của một năm mới. Người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung, coi trọng năm mới theo lịch âm hơn năm mới theo lịch dương, bởi thế họ.có một ngày Tết Ta to hơn cả Tết Tây – tức Tết bên mình.
Tháng Chạp thiếu một ngày, thành ra cái gì cũng bị đẩy lên gấp gáp hơn. “Năm hết Tết đến” – Người Việt nói như vậy em ạ!
Chiều nay, anh theo một người bạn ra phố, phố đông nghịt người đi mua sắm. Bạn anh bảo, đi chuẩn bị Tết phải ra đường mới thấy không khí. Vào siêu thị mất hương vị Tết. Hay không em?
Anh đã đúng khi quyết định ở lại Việt Nam thêm nửa tháng để lần đầu tiên trong đời được biết đến một cái tên là Tết và giờ thì anh đang ngồi cành cạch trên bàn phím viết ra những lời này gửi về em. Chỉ còn ít phút nữa thôi, năm mới theo lịch âm sẽ sang. Thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới ở đây được gọi là Giao thừa. Trong giờ phút Giao thừa, ngoài việc chúc tụng nhau như kiểu ở Tết Tây thì họ còn đi hái lộc, đi xông nhà, mừng tuổi… Tóm lại là nhiều cái hay lắm, em không biết đâu!
Và một điều khác nữa, em cũng không biết. Người Việt dùng một khái niêm có tên là “DÔNG CẢ NĂM” để ám chỉ những việc không may mắn không nên làm ngày đầu năm mới, dễ dẫn đến sự lặp đi lặp lại trong cả một năm. Anh cũng sợ mình bị “Dông cả năm” nên bây giờ anh sẽ thú nhận với em một sự thật!
Anh xin lỗi, bởi hôm nay anh mới đủ can đảm thông báo với em rằng, anh đang thất nghiệp ở Việt Nam. Anh trở lại Việt Nam không phải để tiếp tục công việc như anh đã nói. Sự thực, anh tới đây để nhận quyết định sa thải của VFF. Anh rất tiếc, nhưng vì sợ em, nên anh không còn cách nào khác.
Anh rất tiếc, sang Việt Nam anh còn chưa kịp cỡi trâu! (Ảnh minh họa: Người Việt cổ) |
Người ta đền bù anh một khoản tiền cũng kha khá, nhưng với anh nó không có nhiều giá trị và với em lại càng không. Hôm nói lời tạm biệt VFF, anh đã “chim cú” tới mức nói trước báo giới Việt Nam là: “Tôi sẽ trở lại!”. Quả thực, khi nói lên lời ấy, anh đã không mảy may nghĩ tới em. Mãi ngày hôm sau, anh mới nhận ra, nếu trở về Đức, em sẽ không cho anh tới Việt Nam một lần nữa.
Em vẫn nói với anh trong bữa ăn, khi đi dạo, đi mua sắm, bên lò bánh nhà bố anh, trên khán đài sân vận động và chỉ còn thiếu nước nói ở dưới cabin huấn luyện của anh, rằng: “Anh có là ông giời, thì cũng phải biết… sợ em!”. Thế nên, hôm đầu tiên sang Việt Nam, anh cũng mang em ra dọa người ta, anh còn bảo, anh không sợ điều gì cả, ngoại trừ em.
Không biết có phải vì nói thế mà người ta đã tìm cách thử anh, xem có thật anh chỉ sợ mỗi em không!
Họ giao cho anh nhiệm vụ phải giúp ĐT U23 nước họ giành HCV tại một kỳ Đại hội thể thao khu vực. Ở đây kỳ lạ lắm, ĐT U23 có một vị trí quan trọng gần như ngang hàng với ĐTQG và nhiều khi mục tiêu cả một năm của một nền bóng đá chỉ nằm ở cái đội U23. Điều này khác hoàn toàn với ở bên ta, thành ra anh bị ngợp và không hề nghĩ sự thất bại của ĐT U23 nước họ có thể khiến dư luận phẫn nộ.
Anh biết trách nhiệm của mình trong thất bại này. Và anh cũng sẵng sàng ra đi ngay sau cuộc chơi. Thế nhưng, những người ở trên cao hơn lại bảo, sẽ cho anh thêm cơ hội vì trước đó anh có quá ít thời gian để tìm hiểu bóng đá nước họ cũng như cả khu vực. Hơn nữa, Đội U23 mà anh dẫn dắt dự Đại hội lần này có chất lượng không cao. Anh tin và anh đã ở lại.
Chỉ vì anh quá tin lời người ta nói! (Ảnh minh họa: Người Việt cổ) |
Thế rồi đùng một cái, anh nhận được thông tin từ báo giới nước họ cho hay lúc anh đang nghỉ ở nhà với em, anh đã bị biểu quyết sa thải. Thông tin này làm anh bất ngờ đến không thể nói với em. Anh lặng lẽ trở lại Việt Nam còn em thì đinh linh anh tiếp tục lên đường đi làm việc.
Đến đây thì chắc em đã hiểu, tại sao anh chưa dám mò về bên em!
Thế đấy em ạ! Rút cục anh không là “ông giời” anh vẫn phải sợ em và giờ có thêm nhiều điều ở bóng đá Việt Nam anh phải sợ ngang với sợ em!
Thời khắc Giao thừa đang tới gần! Anh sẽ ấn nút gửi thư này về em đúng thời khắc ấy. Anh hy vọng em không trách anh, giống như người Việt Nam trong ngày đầu tiên của một năm, không to tiếng trách móc ai điều gì vì họ sợ “DÔNG CẢ NĂM”!
Mục Đồng
Bình luận