TP.HCM vừa cho phép các địa phương cách ly tại nhà F0 mới phát hiện, không có triệu chứng lâm sàng. Sự thay đổi này đã được nhiều chuyên gia y tế ủng hộ.
F0 cần bình tĩnh, không hoảng loạn
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) nhận định, tình hình dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam sẽ còn tiếp tục gia tăng và có thể phải siết chặt hơn giãn cách xã hội.
Theo BS Khanh, hiện có 60 - 80% những người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng, 5% người mắc bệnh cần thở oxy hoặc điều trị cao hơn. Chủ yếu 5% đó gồm những người trẻ tuổi mà dư cân, béo phì và người có bệnh nền chưa chữa trị ổn định, ví dụ như tiểu đường, suy thận, ung thư, sơ gan, tim mạch... Nhóm nữa nguy cơ cao là người trên 65 tuổi.
BS Khanh phân tích, vì có 60 - 80% người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng nên khi nhiễm, trong khoảng thời gian 10 ngày người không có yếu tố nguy cơ sẽ khỏe mạnh bình thường.
"Vì khi virus vào cơ thể qua qua đường hô hấp, trong quá trình đó cơ thể sẽ tạo ra kháng thể. Khi cơ thể tạo ra kháng thể đủ thì virus không phát triển được nữa. Cho nên điều trị trong khoảng 10 ngày đa số bệnh nhân sẽ được về", BS Khanh nói.
BS Khanh cho biết, nếu đã là F0 thì điều quan trọng nhất là phải thật bình tĩnh, không hoảng loạn, bởi vì những người nhiễm bệnh thường hay tưởng tượng rằng virus đang xâm lấn cơ thể mình, từ đó làm cho người bệnh càng mệt thêm.
"Cho nên nếu các bạn là F0 thì hết sức bình tĩnh, không có việc gì phải lo lắng, đặc biệt nếu mình là người không có yếu tố nguy cơ thì không có gì phải hoảng loạn, tuy nhiên cũng không lơ là. Do đó quan trọng nhất của người F0 tự chăm sóc tại nhà là phải bình tĩnh và nên nhớ rằng 80% là không có triệu chứng, 95% không cần làm gì hết, có thể có nóng, sốt, ho, sổ mũi và sẽ tự hết trong vòng 8 ngày đầu, gần như mọi chuyện đều ổn thỏa", BS Khanh nói.
Ông cũng cho rằng, tâm trạng của mỗi người khác nhau, sức chịu đựng và tưởng tượng của mỗi người cũng khác nhau, thành ra nếu là một trong những người trong gia đình thì phải bình tĩnh, phải thể hiện mình là trụ cột, lúc đó rất quan trọng.
"Nếu tất cả người trong gia đình đều là F0 thì cùng nhau sinh hoạt, làm việc bình thường, chỉ cần mang khẩu trang, giữ khoảng cách, đặc biệt lúc đó bảo ban nhau, theo dõi sức khỏe của mình chứ đừng có rối lên", BS Khanh khuyên.
F0 cần làm gì ở nhà?
Về phương án chăm sóc F0 tại nhà, BS Khanh nêu ra 2 tình huống. Tình huống thứ nhất, đối với trường hợp là F0 nhưng chưa được chuyển đến khu cách ly, bệnh viện. Hãy bình tĩnh chờ và thực hiện giống như trong khu cách ly. Đó là giữ khoảng cách trên 2m, luôn mang khẩu trang đúng cách, dùng tấm che giọt bắn vì có thể sẽ lây thêm thành viên khác trong gia đình.
"Người trong gia đình tiếp tế cho người F0 bằng cách để trên một cái bàn và đi ra chỗ khác. Lấy đồ giặt giũ thì có thể mang găng tay, Nếu mình cẩn thận hơn nữa thì dùng chén đũa sử dụng 1 lần", BS Khanh cho biết.
Tình huống thứ hai đó là đối với F0 khỏe mạnh đang trong quá trình theo dõi, cách ly tại nhà. Nếu F0 ở trong phòng một mình thì không cần mang khẩu trang, chỉ cần dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, ngoài ra cần theo dõi nhiệt độ cơ thể mình, uống nhiều nước, vận động, ngủ đủ giấc, điều độ trong sinh hoạt.
"Cái quan trọng nhất là phải đảm bảo toilet thật sạch, ngoài ra phải ăn sạch, uống sạch tại vì mình không đảm bảo dinh dưỡng tốt sẽ không có sức khỏe để kháng lại bệnh", BS Khanh nhấn mạnh.
Theo bác sĩ, việc thở làm sao cho đúng cách cũng rất quan trọng. "Vì bình thường mình thở không phải tất cả các tế bào phế nang đều hoạt động, không nở lên hết. Bây giờ trong đầu mình đang suy nghĩ nhiều quá, hoặc là đang khó thở thật thì phải huy động tất cả các bộ phận phế nang trong người mình để trao đổi khí thì lúc đó oxy mới đủ cung cấp nuôi cơ thể mình và mình sẽ không bị mệt", BS Khanh nói.
Để thở cho đúng cách, BS khuyên người bệnh cần huy động cơ hoành chứ không riêng mỗi cơ ngực. Đầu tiên phải hít vào thật chậm đến khi nào bụng phình lên rồi mình thở ra cho tới khi bụng xẹp xuống.
Một ngày có thể làm một đợt từ 15 - 20 nhịp, làm thành 2 - 3 đợt và chú ý vào nhịp thở của mình không làm việc gì khác.
"Lúc đó tất cả các phế nang trong cơ thể sẽ được huy động để có oxy nhiều nhất. Cho nên dù không khó thở cũng bắt đầu tập thở như vậy sẽ rất tốt cho cơ thể mình. Nếu làm các phương pháp trên mà vẫn khó thở thì nằm sấp lại, lúc đó cơ thể sẽ huy động hết phần tế bào phế nang sau lưng thì việc thở sẽ nhẹ bớt ", BS Khanh nói.
Ngoài ra, việc ăn uống cũng rất quan trọng, người F0 phải cố gắng ăn thật nhiều, ăn thức ăn lỏng, dễ ăn và uống nước thật nhiều, nếu trời lạnh cần giữ ấm.
Đối với vấn đề uống thuốc, BS Khanh cho rằng, bệnh này cũng rất giống với bệnh cảm cúm cho nên cảm cúm uống thuốc gì thì bây giờ sẽ uống thuốc đó. Nếu có triệu chứng gì thì uống thuốc theo triệu chứng đó, không cần một loại thuốc nào đặc biệt.
Ví dụ, sốt thì uống thuốc hạ sốt, ho uống thuốc ho, tiêu chảy uống thuốc tiêu chảy... "Nhưng chủ yếu vẫn là ăn uống, nghỉ ngơi, tập thể dục, tinh thần thoải mái. Mình không phải là yếu tố nguy cơ, mình còn trẻ, mình không có bệnh nền, mình dưới 65 tuổi, hoặc là 65 tuổi nhưng mà các bệnh nền mình đã chữa ổn định, thì tất cả những cài đó mình suy nghĩ như vậy thì tinh thần sẽ ổn định và sớm vượt qua, và rõ ràng là cho đến hiện nay Việt Nam mình có rất nhiều người đã khỏi bệnh", BS Khanh cho biết.
Bình luận