• Zalo

EVFTA được thông qua: 'Không thể làm cái chúng ta thích, phải làm cái khách hàng muốn'

Đầu TưThứ Năm, 13/02/2020 14:56:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - cho rằng, Hiệp định EVFTA được thông qua mở ra cơ hội nhưng cũng là bài toán khó về tái cơ cấu đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Với kết quả 401 phiếu ủng hộ (63,3%), Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vào khoảng 16h ngày 12/2 (giờ Việt Nam).

Đây được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, khi EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước thâm nhập thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD.

EVFTA được thông qua: 'Không thể làm cái chúng ta thích, phải làm cái khách hàng muốn' - 1

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng. 

Đánh giá về sự kiện này, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - cho rằng, đây là kết quả của 9 năm trời, đến giờ mới đi đến hồi kết. Việt Nam đã vượt qua những chặng đường khó khăn nhất để đưa EVFTA đi vào thực thi và mức mở cửa thị trường trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay.

Tính đến thời điểm hiện nay, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất với hàng hóa Việt Nam mà chúng ta có hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, thị phần hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam so với tổng nhập khẩu của khu vực này còn khiêm tốn so với tiềm năng, một phần do vẫn còn rào cản đối với hàng hóa Việt Nam, phần khác do năng lực cạnh tranh của chúng ta còn hạn chế.

Theo ông Kiên, EVFTA và EVIPA mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Với việc tham gia EVFTA, chuỗi giá trị mới của Việt Nam với một đối tác quan trọng trên thế giới sẽ được hình thành. "Môi trường đầu tư sẽ mở hơn và thuận lợi hơn, khi triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến", Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định.

Nhưng điều này cũng đặt ra những thách thức lớn. Trong đó, ông Kiên nhấn mạnh việc tái cơ cấu doanh nghiệp. 

"Doanh nghiệp Việt Nam cần sản xuất ra các mặt hàng phù hợp với tiêu chuẩn cao về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, phải đảm bảo điều kiện lao động như không phân biệt đối xử với lao động nữ, không sử dụng lao động trẻ em, tạo điều kiện để người lao động có thể bảo vệ quyền lợi của mình...tất cả những điều kiện đó đều có trong các hiệp định thương mại mới", tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên nói.

Cũng theo ông Kiên, Chính phủ đã trình Quốc hội trong tháng 5 sẽ thông qua thủ tục pháp lý để phê chuẩn các kịch bản, kế hoạch chương trình hành động nhằm đạt hiệu quả nhất cao nhất trong việc thực hiện các hiệp định mới. "Chúng ta vẫn đang làm và hy vọng khi phổ biến đến các doanh nghiệp, họ sẽ hiểu đó là cơ hội của chính họ. Doanh nghiệp sẽ phải vừa tự điều chỉnh mình, vừa tự tái cơ cấu để phù hợp với điều kiện, cơ hội, thách thức ở các "sân chơi" mới", chuyên gia kinh tế phân tích.

Đánh giá sự kiện EVFTA và EVIPA được Nghị viện châu Âu thông qua được tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên ví von giống như việc Việt Nam đã bước lên con thuyền phát triển chung của thế giới. "Một thế giới phẳng, không thể làm cái chúng ta thích, mà phải làm cái khách hàng muốn để thu hút, khai thác thị trường". 

"Sản phẩm của chúng ta sẽ phải phù hợp hơn, sẽ phải mang tính hội nhập hơn", ông Kiên nhấn mạnh và cho rằng đây là những thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện và đáp ứng tại tiêu chuẩn của thị trường châu Âu. Vì thế, đổi mới doanh nghiệp phải là yếu tố tất yếu trong bối cảnh nhiệm vụ của Nhà nước đang tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp để hội nhập kinh tế quốc tế. Còn các doanh nghiệp, trên cơ sở sân chơi này, phải tự thay đổi, làm mới, cạnh tranh để mang lại cơ hội kinh doanh cho chính mình", tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên khuyến cáo.

Chuyên gia kinh tế cũng đồng thời nhấn mạnh mức mở cửa thị trường trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này rất có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn