Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) được thông qua có lẽ là tin vui nhất đối với những ngành hàng là thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày và công nghiệp chế biến - chế tạo (bao gồm sản xuất xe máy điện, ô tô điện, vi tính, điện thoại di động, máy ảnh). Mặc dù đã xuất khẩu nhiều qua EU nhưng những mặt hàng này chưa được hưởng thuế thấp. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế thấp sẽ khiến sức cạnh tranh gia tăng và cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu sẽ nhiều thêm.
Đặc biệt khi việc tiếp cận thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, EVFTA được Quốc hội thông qua sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với trên 500 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, giảm thiểu phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Đón nhận cơ hội "vàng" này, nhiều doanh nghiệp tỏ ra rất lạc quan. “Hiệp định EVFTA được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực là đòn bẩy kích thích cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và Vina T&T nói riêng vào EU. Đặc biệt, sau khi dịch bệnh ổn định sản lượng hàng nông sản xuất sang EU tăng lên, nhiều doanh nghiệp sẽ hào hứng đầu tư. Thêm nữa, châu Âu không giống như các thị trường khác, không hạn chế bất cứ mặt hàng nông sản nào nên đây là điều kiện rất tốt để doanh nghiệp đa dạng mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group nói.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, EVFTA sẽ mở ra hạn ngạch xuất khẩu gạo hơn 80.000 tấn trong năm 2020 với thuế suất giảm từ 5%-35% về mức 0%, tức là khả năng cạnh tranh sẽ rất lớn về giá thành.
Với ngành dệt may, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới, trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2,7%. Vì thế, dư địa để ngành dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực rất triển vọng.
Trả lời VTC News, ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cho biết: “VớiEVFTA, các sản phẩm của May 10 vào châu Âu sẽ được giảm thuế theo lộ trình 4,6 và 8 năm, làm tăng sức cạnh tranh về giá, thúc đẩy tỷ trọng xuất khẩu. Nhiều năm qua, May 10 có kinh nghiệm làm việc với các khách hàng châu Âu, tỷ trọng tăng trưởng hàng năm khoảng 7-10% nhưng đó là câu chuyện chưa giảm thuế. Nếu giờ giảm thuế về 0% hay giảm theo lộ trình thì đây là cơ sở để May 10 nâng mức tăng trưởng đối với thị trường này”, ông Việt hào hứng nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đồ gỗ cũng chia sẻ, mặc dù thị trường chính của doanh nghiệp là Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia nhưng với việc EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp này sẽ cân nhắc việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU.
“Doanh nghiệp đang cân nhắc việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU để phát huy những lợi thế cạnh tranh của EVFTA mang lại, trước mắt sau khi dịch được kiểm soát tốt chúng tôi sẽ tìm các đối tác ở châu Âu”, ông Đỗ Văn Hợi, Giám đốc một công ty xuất khẩu đồ gỗ ở Tuyên Quang nói.
Tuy háo hức với những cơ hội "vàng" nhưng hầu hết doanh nghiệp đều xác định được những khó khăn, thách thức mà EVFTA mang tới.
Có thể kể ra như quy tắc về nguồn gốc xuất xứ. Các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam). Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước trong ASEAN.
Các yêu cầu bắt buộc về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường...của EU cũng rất khắt khe và không dễ để đáp ứng.
“EU có nhiều tiêu chuẩn, giấy tờ mà hiếm doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng ví dụ như GlobalGAP, chứng chỉ xã hội, chứng chỉ môi trường...Châu Âu họ lấy rất nhiều mặt hàng, không giới hạn như các nước khác nhưng chỉ cần một mặt hàng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn họ sẽ đình lại tất cả. Trước đây Thái Lan cũng đã từng mất mấy năm bị thị trường châu Âu cấm xuất khẩu hàng nông sản", ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group cảnh báo.
Theo ông Tùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người nông dân nắm rõ các quy tắc, rào cản kỹ thuật của EU, EU cấm chất gì, sử dụng chất gì...và thường xuyên cập nhật cho doanh nghiệp các thủ tục hợp tác với EU. Có như vậy doanh nghiệp mới có thể khai thác hết các lợi ích của hiệp định.
Liên minh Châu Âu (EU) với 28 quốc gia thành viên, có quy mô dân số hơn 500 triệu người, GDP đạt 18.292 tỷ USD năm 2019, chiếm 22% GDP toàn cầu là một thị trường rộng lớn và có sức hấp dẫn với các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU đạt 41,7 tỷ USD, ngang bằng với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó, tập trung chủ yếu vào điện thoại và linh kiện, nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, nhóm nông lâm thủy sản, dệt may, giày dép...
Ở chiều ngược lại, hàng hóa của Việt Nam nhập từ các thành viên EU cũng rất đa dạng.
Riêng trong năm 2019, Việt Nam nhập khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Iceland với trị giá đến gần 2,3 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dược phẩm; hàng tiêu dùng; ô tô nguyên chiếc; mặt hàng thực phẩm: Trứng, sữa, mật ong, thịt gà, thịt bò, rau củ xứ lạnh… từ các thành viên EU.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định.
Bình luận