Hai ngày nay, chung cư CT5 nơi gia đình chị Nguyễn Hiếu sinh sống gần như bị cô lập trong biển nước. Ngập lụt khiến việc đi lại của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Hôm qua 10/9, nước cao quá đầu gối khiến nhiều xe chết máy, chị Hiếu không thể đưa con tới trường Tiểu học Kim Giang cách đó chỉ vài cây số nên xin phép giáo viên cho con nghỉ học.
Sáng nay 11/9 mực nước giảm, chị cho con đi học. Đoạn nào ngập nước khó chị đành xuống dắt bộ, cố gắng đến trường. Tuy nhiên đến chiều mưa lớn đổ xuống, chỉ trong vài giờ khu vực Yên Xá, Phùng Hưng, Xa La lại ngập trong biển nước, thậm chí mực nước cao hơn hôm qua, có nơi nước cao quá nửa mét.
Phụ huynh thuê xe kéo đón con qua vùng nước ngập
Lo lắng nước dâng cao không biết bao giờ mới về đến nhà, chị Hiếu nhắn chồng tới trường xin phép cho con về sớm. "Đến đoạn Bệnh viện K Tân Triều, xe không thể đi tiếp vì ngập quá sâu, tôi phải thuê xe kéo đưa con về trước tránh mưa gió", chị Hiếu nói và cho rằng đó là cách nhanh chóng và hợp lý nhất lúc này vì "con mới học lớp 2, nước ngang bụng nên không thể để con lội nước sâu về".
Chị Hiếu sẵn sàng thuê xe kéo với mức giá 100.000 đồng cho quãng đường 300m, một người kéo phía trước, một người đẩy phía sau.
"Nếu tình hình nước tiếp tục dâng cao, có lẽ mai phải cho con nghỉ học tiếp", chị nói.
Chị Ngọc Anh cùng toà nhà với chị Hiếu cũng bồn chồn lo lắng khi không biết đón con bằng cách nào trong điều kiện ngập lụt. Con chị học trường Tiểu học Yên Xá, thấy một số trường cho học sinh nghỉ sớm, chị cũng liên lạc xin cô giáo nhưng chưa nhận được phản hồi.
Nước ngày càng dâng cao khiến chị càng sốt ruột. Chỉ một trận mưa lớn nữa nước sẽ ngập vào sảnh, không đón con sớm có thể rất khó để vào nhà. Đang nghĩ đến đó thì chị bỗng thấy một phụ huynh khác cho xe công nông chuẩn bị đi đón con. Như "bắt được vàng", chị nhanh chóng nhờ người này đón con giúp.
Ảnh hưởng của bão Yagi, Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát, kiểm tra các công trình có nguy cơ mất an toàn để có phương án sửa chữa, khắc phục; cương quyết không đưa vào sử dụng các công trình không đảm bảo chất lượng, nguy cơ đổ sập.
Các đơn vị cần lên kế hoạch và triển khai ngay việc sửa chữa cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt ưu tiên các hạng mục nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của giáo viên và học sinh.
"Đặc biệt kiểm tra các điểm trường, các cơ sở giáo dục gần sông suối, gần khu vực nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để cảnh báo hoặc ngừng cho học sinh đến trường nếu mất an toàn", công điện của Bộ GD&ĐT nêu.
Bình luận