(VTC News) - Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có tổng số 12 ga trong đó có 4 ga ngầm được thiết kế hiện đại, có thang máy, thang cuốn, thông gió, thóat nước...
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được khởi công từ năm 2010, sử dụng vốn vay ODA của Pháp với tổng mức đầu tư khoảng 36.000 tỷ đồng. Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư.
Tuyến có lộ trình từ Nhổn - Cầu Diễn - Mai Dịch - Cầu Giấy - Kim Mã - Núi Trúc - Giảng Võ - Cát Linh - Quốc Tử Giám và kết thúc tại Ga Hà Nội.
Video: Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội
Tổng chiều dài toàn tuyến là 12,5 km, trong đó 8,5 km đi trên cao (đoạn từ Nhổn đến Thủ Lệ) và 4 km ngầm (từ Thủ Lệ đến Ga Hà Nội). Trên tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có tất cả 12 ga (tám ga trên cao và bốn ga ngầm).
Cụ thể, Phần đường sắt trên cao dài 8,5 km đi qua ga Nhổn - Minh Khai - Phú Diễn - Cầu Diễn - Lê Đức Thọ - ĐH Quốc gia - Chùa Hà - Cầu Giấy và phần đi ngầm dài 4 km qua ga Kim Mã - Cát Linh - Văn Miếu - Ga Hà Nội.
Các ga ngầm được thiết kế hiện đại, có thang máy và thang cuốn, thông gió, thoát nước, báo cháy tự động.
Đoàn tàu có 4 toa và cabin hai chiều với vận tốc tối đa đạt 80 km/h, thời gian đi từ đầu đến cuối tuyến hết khoảng 20 phút, mỗi chuyến tàu sẽ vận chuyển được hơn 900 hành khách.
Thời điểm hiện tại, dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đang thi công các trụ bê tông trên dọc các tuyến đường từ khu Depot, Nhổn, Cầu Diễn, Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy và Xuân Thủy và thi công các nhà ga. Các ga ngầm từ Kim Mã tới ga Hà Nội chưa triển khai.
Sơ đồ lộ trình tuyến đường sắt đô thị số 3 |
Ngày 5/10, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp với các nhà tài trợ về các dự án đường sắt đô thị, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án này.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các dự án đường sắt đô thị cần tuân thủ nguyên tắc người quyết định đầu tư và chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm cao nhất.
Các Bộ, ngành cần nghiên cứu để áp dụng cơ chế ủy quyền ra quyết định trong những trường hợp cần thiết, tránh tình trạng đẩy việc quyết định lên cấp cao hơn. Các Bộ, ngành và địa phương cần nỗ lực, kịp thời xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về vốn đối ứng.
UBND thành phố Hà Nội cần tích cực và quyết liệt đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị.
Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội tập trung nâng cao năng lực chủ đầu tư, ban quản lý dự án đường sắt đô thị.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm quản lý, vận hành, sửa chữa đối với đường sắt đô thị (bao gồm cả việc đồng bộ về vé tàu) để áp dụng đồng bộ đối với tất cả các dự án đường sắt đô thị nhằm đảm bảo tiện lợi nhất cho hành khách.
Hà Minh
Bình luận