• Zalo

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Khẳng định không đội vốn

Thời sựThứ Tư, 10/09/2014 07:40:00 +07:00Google News

(VTC News) - Ban quản lý dự án đường sắt khẳng định sẽ không tăng vốn dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho đến khi hoàn thành.

(VTC News) - Ban quản lý dự án đường sắt khẳng định sẽ không tăng vốn dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho đến khi hoàn thành.

Vướng mặt bằng, tiến độ ì ạch

Ngày 9/9, ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt – Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015, song hiện nay tuyến Đường sắt này vẫn còn không ít điểm chưa hoàn tất việc giải phóng mặt bằng. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, dự án hiện đang vướng mặt bằng ở một số vị trí thuộc địa bàn các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa chưa giải tỏa xong. 

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang trong quá trình thi công (Ảnh: Minh Chiến)

Ông Hùng nêu rõ, dự án còn 13 ngôi mộ chưa cải táng thuộc khu vực Trung tâm điều hành Đường sắt chưa được di dời, dự kiến việc di dời sẽ được tiến hành trong tháng 9/2014. 

Khu vực ga Cát Linh thuộc địa bàn phường Cát Linh và phường Ô Chợ Dừa có 17/54 hộ dân Cát Linh đã nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chưa chuyển đi; 37/54 hộ dân phường Cát Linh và 18/18 hộ dân phường Ô Chợ Dừa chưa nhận tiền giải phóng mặt bằng. 

Ngoài ra, khu vực ga La Thành thuộc địa bàn phường Ô Chợ Dừa gồm 3 hộ dân và 5 tổ chức đã nhận tiền đền bù và cam kết sẽ bàn giao mặt bằng, hiện Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa đang tiến hành tháo dỡ, dự kiến ngày 10/9/2014 sẽ bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án. 

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đoạn qua khu dân cư phường Thịnh Quang hiện còn 5/60 hộ vẫn chưa nhận tiền do không đồng thuận với phương án đền bù, 9/60 hộ đã nhận tiền chưa di dời. 

"Hiện nay, việc di dời hạ tầng kỹ thuật và chặt hạ cây xanh cũng đang tồn tại đường dây điện 110 KV đoạn La Thành - trạm biến áp Thành Công chưa được hạ ngầm, đoạn hạ ngầm kỹ thuật khu vực chân cầu thang các nhà ga và đoạn đường tránh Quốc lộ 6 cũng chưa hoàn thành" Ông Hùng cho biết.

Khẳng định không đội vốn

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư từ nguồn vốn vay của Chính Phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nguồn vốn đối ứng của Chính Phủ Việt Nam. Dự án này đã đội vốn lên mức 891,92 triệu USD, tăng thêm 339,06 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Lý giải về nguyên nhân của đội vốn lớn như vậy, Lãnh đạo Ban quản lý dự án Đường sắt cho hay, đây là dự án phải điều chỉnh vốn đầu tư rất lớn do phát sinh thêm các hạng mục như mở rộng đường tránh, thay đổi vỏ tàu từ vỏ sắt sang vỏ inox; xử lý nền đất yếu trong khu vực nhà ga... Ngoài ra, trượt giá đồng đô la và nhân dân tệ cũng là một trong những nguyên nhân.

 Ban quản lý đường sắt (Bộ GTVT) khẳng định dự án sẽ không đội vốn (Ảnh: Minh Chiến)

Ông Hùng cũng khẳng định, tổng mức đầu tư của dự án sẽ không có thay đổi nữa. Vốn để giải phóng mặt bằng cũng đã được Chính phủ cấp cho Hà Nội đầy đủ là 432 tỷ đồng. 

"Nếu Hà Nội bàn giao mặt bằng sớm cho chúng tôi, chúng tôi có thể hoàn thành dự án trong tiến độ đã dự tính. Hy vọng vào cuối năm sau, chúng ta sẽ được sử dụng hệ thống đường sắt trên cao mới của thủ đô",  ông Hùng thông tin.

Theo Ban quản lý dự án, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,05 km đường sắt trên cao với 12 nhà ga từ Cát Linh đến bến xe Yên nghĩa (Hà Đông); đường sắt đôi, khổ 1435mm; tốc độ chạy tàu tối đa 80km/h; thời gian chạy 1 chuyến khoảng 23,6 phút; lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/h tương đương hơn 1 triệu người/ngày. 

Thời gian thực hiện dự án ban đầu là 5 năm (từ tháng 11/2008 – tháng 11/2013), tuy nhiên tới nay, sau khi chậm tiến độ gần 2 năm, BQL Dự án cho hay phải tới quý III năm 2015 mới có thể hoàn thành toàn bộ dự án.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn