• Zalo

Đường sắt 100.000 tỷ đồng: 'Dù là chiến lược nhưng kém hiệu quả vẫn phải điều chỉnh'

Kinh tếThứ Ba, 26/11/2019 19:11:00 +07:00Google News

Chuyên gia cho rằng chiến lược phát triển giao thông không có nghĩa phải thực hiện bằng mọi giá, vì thế cần xem lại việc xây dựng đường sắt 100.000 tỷ đồng.

Trước nhiều ý kiến phản đối của dư luận về việc xây dựng tuyến đường sắt xuyên 8 tỉnh từ cửa khẩu Lào Cai về cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) có vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải mới đây lên tiếng khẳng định, dự án này được đưa vào danh mục nghiên cứu trong chiến lược chung và quy hoạch phát triển được duyệt từ năm 2002.

Tuy nhiên, hiệu quả và tính khả thi của tuyến đường sắt này như thế nào, nguồn vốn lấy từ đâu ra vẫn là dấu hỏi lớn, nhất là trong bối cảnh nhiều tuyến đường sắt được đầu tư lớn song hoạt động không hiệu quả và nhiều dự án  trọng điểm khác lại đang "đói" vốn. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm: không phải cứ nằm trong chiến lược là phải triển khai bằng mọi giá.

Trả lời VTC News chiều 26/11, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng vấn đề mấu chốt đặt ra trước quy hoạch tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng là tính hiệu quả tuyến đường này.

Dự án phải chứng minh được tính hiệu quả, đầu tư xây dựng 100.000 tỷ đồng để chở hàng gì, hành khách nào, bao nhiêu hành khách và hiệu quả của nó sẽ như thế nào? Không thể nào xây dựng một đường sắt với số tiền lớn như thể để rồi không biết khi hoàn thành nó sẽ hoạt động đến đâu”, ông Doanh nói.

duong sat viet nam

 Chuyên gia kinh tế đăt câu hỏi iệu đã cần thiết làm thêm tuyến đường sắt hơn 100.000 tỷ đồng trong bối cảnh hiện nay? Ảnh minh họa.

Ông Doanh nhấn mạnh, khi không chứng minh được hiệu quả thì phải hết sức thận trọng. Bởi, thực tế có nhiều tuyến đường sắt khác được đầu tư lớn nhưng không đem lại hiệu quả, gây lãng phí rất lớn.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, tại Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng phát triển tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có chiều dài dự kiến khoảng 380 km, đường đôi khổ 1.435 mm điện khí hoá. Căn cứ chiến lược chung và quy hoạch phát triển được duyệt từ năm 2002, tuyến đường sắt này được đưa vào danh mục nghiên cứu làm cơ sở dành quỹ đất, huy động nguồn vốn đầu tư để có thể triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, bình luận về chi tiết này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, dù trong chiến lược quốc gia về phát triển giao thông, nhưng cũng nên đến khi nào kinh tế phát triển thì lúc ấy mới xây dựng.

"Chiến lược không có nghĩa phải thực hiện bằng bất cứ giá nào. Không thể vin vào việc dự án này, dự án kia đã nằm trong chiến lược để rồi chi khoản tiền lớn mà không xác định được hiệu quả. Không thể lấy chiến lược biện minh cho những việc làm thiếu hiệu quả”, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho hay.

Tiến sĩ kinh tế Vũ Đình Ánh cũng đồng tình với ý kiến trên. Ông Ánh cho rằng, chiến lược phát triển giao thông là vậy nhưng khi thực hiện cần căn cứ vào thực tế. Trong bối cảnh hiện tại, quy hoạch tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng chưa thật sự cần thiết, do hiệu quả chưa thật sự thuyết phục.

Thứ nữa là cần cân nhắc vấn đề tài chính, trong khi Việt Nam còn rất nhiều những dự án quan trọng cấp thiết hơn cần được đầu tư mà không có tiền, lại dành 100.000 tỷ cho dự án giao thông không quá cấp thiết chắc chắn tạo ra chi phí cơ hội rất lớn. Chiến lược là một chuyện còn thực hiện dựa trên thực tế là chuyện khác. Ngay cả khi chiến lược đó thành quy hoạch phát triển giao thông vận tải thì vẫn có thể điều chỉnh quy hoạch được”, ông Ánh nói.

Nhấn mạnh sự cần thiết của hệ thống đường sắt trong giải quyết việc vận chuyển hàng hóa, hạn chế các tai nạn giao thông, tuy nhiên Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, ngành giao thông Việt Nam cần xem lại quy hoạch các dự án đường bộ và đường sắt.

“Ngành giao thông Việt Nam cần xem xét, tổ chức lại việc quy hoạch các dự án, mạng lưới đường bộ, đường sắt”, ông Ngân nói.

Theo đại biểu đoàn ĐBQH TP.HCM, trong điều kiện hiện nay, ngành giao thông nên ưu tiên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam trong đó có các tuyến đường bộ cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân do nhiều dự án cao tốc đường bộ đang bị chậm quá so với kế hoạch đề ra ban đầu. Một trong những dự án đó là cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Dự án nhiều lần được dự báo sẽ xong trong năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay ở đó vẫn chưa có vốn. Điều này rất đang lo ngại”, ông Ngân bày tỏ và kiến nghị Chính phủ cần tập trung hoàn thành và giữ lời hứa với 20 triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng quan điểm, theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc nâng cao hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có và chú ý cho đầu tư hạ tầng giao thông cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là cấp thiết vì nơi này cung cấp phần lớn nông sản, hải sản cho xuất khẩu.

Hoàng Hưng - Bích Đào
Bình luận
vtcnews.vn