• Zalo

Đường 'Nhuệ' đối diện hình phạt nào khi trốn truy nã?

An ninh hình sựChủ Nhật, 12/04/2020 11:19:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo luật sư, với việc cản trở hoạt động điều tra do trốn truy nã, Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ") có thể nhận hình phạt nghiêm khắc hơn.

Sau khi truy nã và bắt Nguyễn Xuân Đường (còn gọi Đường "Nhuệ", người nổi tiếng là đại gia bất động sản ở TP Thái Bình), Công an tỉnh Thái Bình vừa tống đạt quyết định khởi tố, tạm giam 3 tháng đối với người này về tội Cố ý gây thương tích.

Trả lời PV VTC News, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho rằng hành vi bỏ trốn sau khi bị khởi tố như Đường "Nhuệ" là hành vi cản trở hoạt động điều tra. Người vi phạm có thể bị áp dụng mức án nghiêm khắc khi lượng hình. 

Trái lại, người có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hay tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì đó được coi là tình tiết giảm nhẹ, giúp giảm một phần trách nhiệm hình sự.

Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử sau này, các cơ quan tố tụng sẽ căn cứ tính chất, mức độ hành vi phạm tội và nhân thân của bị can trước khi quyết định hình phạt.

Đường 'Nhuệ' đối diện hình phạt nào khi trốn truy nã? - 1

Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ").

Luật sư Cường nhận định, việc bị can Nguyễn Xuân Đường bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã không phải tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hành vi này gây khó khăn cho cơ quan điều tra, thể hiện thái độ không thành khẩn.

"Khi quyết định hình phạt, tòa án có thể sẽ tuyên hình phạt nghiêm khắc hơn so với người thành khẩn ngay từ đầu", ông Cường nói.

XEM THÊM:

>>Cần làm rõ thế lực chống đỡ vợ chồng đại gia bất động sản Thái Bình

>>Hé lộ đoạn ghi âm 'võ sư Đường Nhuệ' dọa giết giám đốc doanh nghiệp ở Thái Bình

>>Chồng nữ đại gia Thái Bình gọi điện đe dọa, yêu cầu tài xế đến nhà rồi tra tấn

Cũng theo luật sư, trong vụ án này, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ ai là chủ mưu cầm đầu, chỉ đạo những người còn lại đánh đập, gây thương tích  cho phụ xe khách, gây tổn hại sức khỏe 14%. 

Theo khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự, nhóm bị can bị khởi tố với mức hình phạt 2-6 năm tù. Tùy vai trò, tính chất và mức độ phạm tội, hình phạt dành cho mỗi bị can sẽ khác nhau.

Cũng liên quan đến vụ án này, luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng phải truy cứu trách nhiệm của người thực thi pháp luật trong việc để xỷ ra tình trạng sách nhiễu, hoạt động kiểu xã hội đen mà không bị xử lý.  

Vợ chồng Đường - Dương gây ra nhiều vụ việc khiến người dân bức xúc và làm đơn thư gửi tới cơ quan chức năng nhưng không bị khởi tố, không xử lý triệt để. Một số ý kiến cho rằng có sự bảo kê của người thực thi pháp luật trong vụ việc này. Tuy nhiên, điều đó chỉ mang tính phỏng đoán.

Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can phụ thuộc nhiều yếu tố và tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng như văn bản liên quan, dưới sự giám sát của viện kiểm sát cùng cấp. Khi xem xét hành vi vi phạm, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không, cơ quan điều tra sẽ có quyết định cuối cùng", luật sư chia sẻ.

Theo ông Long, để khẳng định có sự bảo kê của người thực thi pháp luật hay không, cần sự điều tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với hai vợ chồng này cùng đồng phạm. Tôi cho rằng đây là việc làm kịp thời và cần thiết để lấy lại lòng tin của nhân dân, đảm bảo thực thi pháp luật, mang tính răn đe cao với các tổ chức xã hội đen đang hoạt động phi pháp", luật sư Nguyễn Minh Long nêu quan điểm.

Theo ông, một trong những đặc trưng của xã hội đen là tính manh động và liều lĩnh trong hành động. Chúng sử dụng sức mạnh cơ bắp để uy hiếp tinh thần của người khác, từ đó điều khiển hành vi. Người bị hại thường sợ bị trả thù nên không tố cáo, hoặc không cung cấp được bằng chứng xác thực cho cơ quan chức năng.

Công bố ghi âm cuộc điện thoại đại gia Đường 'Nhuệ' dọa giết 'con nợ'

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn