Trên thế giới, có không ít trường hợp bệnh nhân tử vong trong quá trình chạy thận nhân tạo do lỗi của nhân viên y tế hoặc máy móc của bệnh viện không đảm bảo an toàn. Những tai nạn xảy ra khi nạn nhân đang chạy thận đều là những sự việc rất đáng tiếc và khiến rất nhiều người sợ hãi, hoang mang.
Năm 1994, một bệnh nhân tên là Sue Ellen Coffin đã đến Trung tâm Thận Albuquerque ở New Mexico (Mỹ) để chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, sau khi mới lọc được 2 giờ, người phụ nữ đó bắt đầu có những biểu hiện lạ như la hét, giật tóc, nôn mửa. Cùng lúc đó, 5 bệnh nhân khác cũng đang trong quá trình lọc thận có những biểu hiện tương tự.
Các bác sĩ đã cố gắng hết sức để cứu chữa tuy nhiên chỉ cứu được 5 người, bà Sue Ellen Coffin sau đó đã qua đời. Qua kiểm tra phát hiện, nguyên nhân là do một bác sĩ đã bấm nhầm nút khiến máy lọc bơm chất tẩy rửa hoạt động mà không hề biết rằng, chiếc máy đó đang cắm vào bệnh nhân.
Vụ việc này đã làm "rúng động" nước Mỹ bấy giờ và được xem là một trong những tai nạn y khoa nghiêm trọng nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ.
Năm 2005, một bệnh nhân tên là Barbara Scott, 73 tuổi, ở New York đã suýt chết khi ống dẫn máu vào cơ thể của bà đột ngột bị đứt ra trong khi đang lọc máu.
Nguyên nhân là do sơ suất của nhân viên y tế đã không đặt ống đúng vị trí và cơ sở khám bệnh này cũng đã không tuân theo các quy tắc an toàn khi tiến hành chạy thận cho bệnh nhân. Mặc dù thoát chết nhưng sau đó, sức khỏe của bà đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Năm 2012, nữ y tá Kimberly Clark Saenz (38 tuổi) của bang Texas đã bị tòa án buộc tội giết người hàng loạt vì khiến 5 bệnh nhân chạy thận tử vong và 5 người khác nguy kịch. Nữ y tá này đã tiêm thuốc tẩy vào ống chạy thận của các bệnh nhân.
Hai bệnh nhân tại phòng khám khi làm chứng trước tòa nói rằng, họ đã nhìn thấy cô Saenz sử dụng ống tiêm để bơm thuốc tẩy từ một cái xô sạch và sau đó tiêm loại chất này vào bệnh nhân.
Video: Toàn bộ diễn biến sự cố khiến 7 người chết khi chạy thận ở Hòa Bình
Năm 2015, một bệnh nhân ở Canada đã qua đời trong bệnh viện khi máy lọc dùng trong quá trình chạy thận của ông bị nhiễm hóa chất độc hại. Bốn bệnh nhân khác cũng rơi vào trường hợp tương tự và phải nhập viện theo dõi suốt một thời gian dài.
Năm 2016, hai phụ nữ đã tử vong khi chạy thận tại trung tâm lọc máu ở TP Chicago (Mỹ) do các trung tâm này đã không gọi xe cấp cứu kịp thời khi bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch.
Có thể thấy, rất nhiều các trường hợp tử vong do chạy thận là sơ suất của đội ngũ y tế. Tuy nhiên, đối với nguyên nhân gây ra sự việc 7 người chết do sốc phản vệ ở BVĐK Hòa Bình thì vẫn cần phải điều tra thêm để có được thông tin chính xác.
Bình luận