• Zalo

Dùng than tổ ong, đốt rơm rạ gây hại môi trường thế nào?

Sức khỏeThứ Tư, 02/10/2019 22:15:00 +07:00Google News

Dùng than tổ ong, đốt rơm rạ sau khi thu hoạch là thói quen của nhiều người Hà Nội trong thời gian qua khiến không khí ở thủ đô càng thêm ngột ngạt.

Liên quan tới tình hình ô nhiễm không khí gần đây tại Hà Nội, ông Vũ Đăng Định, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND TP. Hà Nội, cho hay đun bếp than tổ ong được xác định là một trong 12 nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.

"Theo số liệu điều tra của chúng tôi, mỗi ngày người dân thành phố sử dụng 528 tấn than, tương đương với 1.872 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường. Ngoài ra, đốt rơm rạ cũng thải ra lượng lớn khí CO2, gây cản trở tầm nhìn, ảnh hưởng đến chất lượng không khí", ông Thái phát biểu.

Bên cạnh đó, Chi cục Bảo vệ Môi trường thành phố cũng cho biết nhiều huyện ngoại thành đang vào vụ gặt và tình trạng đốt rơm rạ trên nhiều cánh đồng vẫn tái diễn.

Những hành động này của người dân được các chuyên gia nhận định là một trong các tác nhân khiến chỉ số AQI của Hà Nội liên tục ở mức gây nguy hiểm đến sức khỏe.

khongkhi

Hà Nội mù mịt trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí cao kỷ lục. 

PGS Trần Hồng Côn - Giảng viên khoa Hóa học Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - phân tích hành động đốt than tổ ong không chỉ xả CO2 mà còn có rất nhiều khí thải khác vào môi trường.

Theo chuyên gia này, quá trình đốt than tổ ong được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là mồi lửa, sinh ra rất nhiều chất hữu cơ chưa cháy hết, tỏa ra ngoài theo dạng khói đen, thậm chí, có các chất hữu cơ mạch vòng, chất này có khả năng gây bệnh ung thư.

Ở giai đoạn này, nếu đốt than tổ ong trong không gian kín, chật hẹp, thiếu oxy, các chất hữu cơ chưa cháy hết sẽ tạo thành CO. Đây là loại khí độc, được xếp đầu bảng, không màu, không mùi, không tan trong nước. Loại khí thải này có khả năng đem đến cái chết từ từ, không nhận biết.

Ở giai đoạn bắt lửa, không còn khói, khí thải khi đốt than tổ ong chủ yếu là CO2, hơi nước và nhiều nhất là SO2. 

“CO2 ở nồng độ cao sẽ gây bệnh hô hấp, đặc biệt, nồng độ rất cao sẽ gây ho, viêm phổi, tràn dịch màng phổi. Còn ở nồng độ thấp, tác động chưa nhìn thấy ngay, chúng theo cơ chế cộng dồn, gây bênh mạn tính”, PGS Côn cho hay.

Chuyên gia này nhận định than tổ ong người dân đang sử dụng chủ yếu là loại trộn với bùn và có hàm lượng huỳnh giúp bắt cháy nhanh hơn. Do đó, khi đốt, chúng sẽ phát sinh lượng khí SO2 lớn. Loại khí này độc hơn CO2, gây khó thở, nóng rát trong mũi và cổ họng… Đây là nguyên nhân của bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp, viêm mắt, viêm họng, viêm phế quản và đặc biệt là ung thư phổi.

Về thói quen đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch, chuyên gia nhận định đây cũng là cách gây ô nhiễm môi trường. “Đốt rơm rạ chủ yếu sinh khói bụi là các chất hữu cơ chưa cháy hết. Chúng tạo ra các hạt bụi mịn, ngăn cản tầm nhìn, ảnh hưởng sinh hoạt bình thường của người dân”, chuyên gia cho biết.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, quá trình đốt rơm rạ làm phát sinh khí thải CO2, CO, NO2 vào môi trường. Không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ, mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí cho những vùng xung quanh.

PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp - Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai - cũng cảnh báo khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Với đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch, con số này chiếm khoảng 25%. Với bệnh lý hô hấp, những đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Trong đó, những người dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng này là người già, phụ nữ có thai, trẻ em và người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn