• Zalo

'Đừng lớn nhanh như thổi, doanh nhân vượt qua bão táp sẽ lớn mạnh hơn'

Kinh tếChủ Nhật, 13/10/2019 06:30:00 +07:00Google News

Trước khi là màu hồng, cuộc đời doanh nhân được tô từ 2 màu chính: màu đỏ của khát vọng, lửa nhiệt, đam mê; màu xanh biển của sự cô độc, bản lĩnh, trí tuệ.

Chia sẻ với VTC News nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Nguyễn Huy Du – Giám đốc Công ty quản lý Ducapital Holding – doanh nghiệp sáng lập dự án The Smart Light, đèn học thông minh ứng dụng công nghệ 4.0 (IoT) - nhìn nhận, doanh nghiệp tư nhân trong nước có đủ khả năng để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng để có một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, vươn tầm quốc tế, rất cần sự đồng hành và hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.

“Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp vai trò quan trọng cho nền kinh tế, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù các chính sách hiện nay đã tương đối bình đẳng, nhưng khó nhất đối với doanh nghiệp tư nhân là thiếu cơ sở hạ tầng để mở rộng sản xuất, đặc biệt là các startup, các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Du nói.

Cơ hội mang đến sự đổi thay

- Ông cảm nhận những khó khăn gì mà doanh nhân khởi nghiệp như mình đang đối mặt?

Trong kinh doanh, không có việc gì dễ. Đặc biệt hơn, doanh nhân khởi nghiệp thì phải dùng từ càng khó. 

Thiếu thốn là từ bao quát được những khó khăn của doanh nhân khởi nghiệp. Không mắc thiếu thốn nguồn vốn thì sẽ thiếu sản phẩm dịch vụ tốt, thiếu kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp, thiếu quy trình quản trị chiến lược, thiếu cộng sự, nhân sự giỏi đồng hành... Đặc biệt, thiếu sự am hiểu thị trường thường gây ra "hoạ lớn" cho doanh nghiệp. Những thứ làm được thì không được làm là khách quan, nhưng những thứ thị trường cần, người dùng cần thì doanh nghiệp làm chưa tới, chưa thấu, chưa sâu... đó là những chủ quan từ bộ phận kinh doanh và cả đội ngũ sáng lập.

Với cá nhân tôi, ở độ tuổi gần 40 với 12-15 năm đi làm thuê, làm chung thì tôi thấy khởi nghiệp là suy nghĩ hay nhưng với các bạn trẻ cần cẩn trọng trong quyết định chọn thời điểm "khi nào?". Tự tin thì tốt, nhưng quá tự tin thì hoạt động khởi nghiệp đó sẽ tự tan theo thời gian ở 1-2 năm đầu. Kinh doanh là thương trường khốc liệt, chỉ cần sai một chút thì cái giá phải trả là mất tiền, mất cơ hội, mất uy tín, nặng hơn có thể mất cả tự do.

Huy Du

 Ông Nguyễn Huy Du thử nghiệm đèn thông minh The Smart Light. (Ảnh: Lệ Chi)

- Môi trường kinh doanh gần đây được cải thiện theo hướng tích cực song nhiều doanh nghiệp cho biết kinh doanh ở Việt Nam khó khăn vô cùng vì chi phí không chính thức. Doanh nghiệp của ông đã bao giờ phải “bôi trơn” khi làm thủ tục chưa?

Tôi biết việc đó là có, nhưng cá nhân cách làm của tôi là nếu chạm đến hành vi đó tôi chọn thuê dịch vụ ngoài. Tôi hạn chế tối đa việc này trong startup của tôi, bởi thực tế tôi chiêm nghiệm "dục tốc bất đạt". Bôi trơn giúp nhanh được một chút nhưng nếu trong quá trình thực hiện chỉ cần làm ẩu một chút là lại tự phung phí phần đã chi để "bôi trơn" đó.

Đừng lớn nhanh như thổi

- Bước chân vào con đường doanh nhân, theo ông, người trẻ nên chuẩn bị gì?

 
Doanh nhân chịu được sự cô đơn nhưng đôi khi họ dễ nổi cáu về sự “bất minh”, “bất ngờ” với ma trận các loại thủ tục

CEO Nguyễn Huy Du

Người trẻ cần chuẩn bị kỹ hơn để thành công lớn hơn, bền vững hơn. Bởi, không chuẩn bị chính là chuẩn bị cho thất bại. Làm chuyên môn đã khó, người doanh nhân không chỉ làm việc với người làm chuyên môn mà họ còn phải đi bán những sản phẩm mà người làm chuyên môn tạo nên. Gian nan vô cùng, đừng nhìn cuộc đời của doanh nhân toàn là màu hồng. Trước khi là màu hồng, cuộc đời họ được tô từ 2 màu chính: màu đỏ của khát vọng, lửa nhiệt, đam mê; màu xanh biển của sự cô độc, bản lĩnh, trí tuệ.

Hai yếu tố quan trọng trong một doanh nghiệp là tổ chức nhân sự và tổ chức bán hàng, nếu chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, đừng vội khởi nghiệp.

- Chúng ta đã có những doanh nhân hàng đầu, cạnh tranh với thế giới, nhưng số lượng còn ít. Ông cho rằng chúng ta còn thiếu gì để Việt Nam có đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, ngang tầm thế giới?

Mọi sự so sánh đều dễ dẫn đến nóng vội. Trong kinh doanh, đường dài mới biết ngựa hay. Nếu 35-40 năm lao động của một đời người toàn tâm toàn ý trong vai trò doanh nhân sẽ kiến tạo nên những doanh nhân thực thụ. Luật Công ty năm 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 cùng được Quốc hội Khóa VIII thông qua ngày 21/12/1990, điều đó nói lên những thế hệ kinh doanh đầu tiên đang trong khoảng thời gian kỷ niệm 30 năm tuổi nghề.

Trong khi, doanh nhân và doanh nghiệp lớn mạnh cần di truyền bộ gen của mình tối thiểu trong vài ba thế hệ. Đừng “lớn nhanh như thổi”, hãy cứ để các doanh nhân, doanh nghiệp vượt qua những cơn bão táp, họ sẽ trưởng thành và lớn mạnh hơn.

- Doanh nghiệp tư nhân ngày càng đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và xã hội nhưng ông có thấy dường như vẫn còn những quan điểm chưa cởi mở với người giàu, đặc biệt càng giàu nhanh càng dễ bị nghi ngờ?

Tôi có đọc một tổng hợp mới về “10 định kiến sai lầm về người giàu”: Con nhà giàu thì sẽ giàu; Người giàu là nhờ thừa kế; Đã giàu thì không phải làm nhiều; Người giàu không bao giờ phá sản; Người giàu ích kỷ hơn người nghèo; Người giàu nhờ đóng thuế ít; Người giàu nhờ tốt nghiệp trường danh giá; Người giàu ít làm từ thiện; Tiền không mua được hạnh phúc; Người giàu luôn chi tiêu xa hoa. Tôi xin liệt kê lại để chúng ta cùng suy ngẫm, bởi không một ai làm giàu mãi bằng công thức “gian dối”, bởi đối tác, khách hàng, cơ quan quản lý nhà nước thời nay đã khác xưa rất nhiều.

- Tầm nhìn và khả năng lãnh đạo có là điểm yếu của doanh nhân Việt?

Thương trường thời 4.0 cần nhiều yếu tố được hội tụ: kết nối, chia sẻ, đổi mới, sáng tạo, thích ứng và kiên định. Người lãnh đạo có đủ tầm nhìn sẽ chủ động kiếm tìm và tổ chức hành động để hội tụ đủ những điều cần thiết cho doanh nghiệp mình.

- Chốt lại, doanh nhân Việt Nam đang thừa gì và thiếu gì?

Cơ hội. Đó là thứ doanh nhân Việt Nam vừa thừa, vừa thiếu. Cơ hội “được làm” và “làm được” để giúp doanh nghiệp mạnh hơn, bền vững hơn, vươn xa hơn.

Nhà nước cũng cần tư duy doanh nhân

- Một số ý kiến gần đây cho rằng một số chính sách làm khó doanh nghiệp, đẩy chi phí lên quá cao, doanh nghiệp càng lớn càng rủi ro nên không muốn "lớn". Ông thấy sao?

Làm doanh nhân ít người không muốn trở thành doanh nhân lớn, cây cổ thụ tỏa bóng sẽ rộng hơn, mát hơn nhưng cũng cần thời gian và các nguồn lực nhiều hơn. Cá nhân tôi nhìn nhận, giấc mơ lớn của những doanh nhân sáng lập thế nào thì doanh nghiệp sẽ lớn dần theo thế đó. Kiên định và thích nghi sẽ là cặp chìa khóa mở ra mọi thành công. Các chính sách trong nước và quốc tế mới tạo ra 1/2 môi trường kinh doanh, hành động của doanh nghiệp tạo ra phần còn lại.

- Cũng có ý kiến cho rằng để doanh nghiệp lớn mạnh, ngoài quyết tâm người lãnh đạo, cần sự chia sẻ của Nhà nước, sao cho mỗi chính sách đưa ra cần cân nhắc sẽ đem lại gì cho doanh nghiệp, giúp người kinh doanh thuận lợi như thế nào thay vì tốn thời gian và chi phí của họ?

 
Đừng “lớn nhanh như thổi”, hãy cứ để các doanh nhân, doanh nghiệp vượt qua bão táp, họ sẽ trưởng thành và lớn mạnh hơn.

CEO Nguyễn Huy Du

Đặt mình vào vị trí của người khác để hành xử và đối thoại. Một số chính sách của Nhà nước khi hoạch định và áp dụng cho doanh nghiệp, doanh nhân cần thêm sự trải nghiệm của những người làm việc đó. Chỉ có thấu hiểu mới có sự chia sẻ và đồng hành. Doanh nhân chịu được sự cô đơn nhưng đôi khi họ dễ nổi cáu về sự “bất minh”, “bất ngờ” với ma trận các loại thủ tục, không chỉ nhiều mà còn xảy ra quy định này đưa doanh nghiệp làm ngược lại với quy định khác, dắt nhau vào bài toàn xác định “con gà” và “quả trứng” đâu có trước?!. Khi những chính sách làm tiêu tốn thời gian của doanh nghiệp trong thời đại này còn nguy hiểm hơn lãng phí tiền bạc. Bởi, khi cơ hội đã trôi qua, tiền không thể mua được.

- Vậy Nhà nước cần làm gì để tháo gỡ những khó khăn tiềm ẩn, những trở ngại mà cộng đồng doanh nhân đang đối mặt hằng ngày trên thương trường?

Với cộng đồng doanh nhân, đặt niềm tin là chưa đủ, công nhận vai trò vẫn chưa đủ. Cần hơn nữa là sự bảo vệ. Đừng nhìn những doanh nhân thành đạt, làm giàu chân chính là “những người giàu đáng ghét”, nếu một người bình thường không giàu, không có sẽ rất khó có thể giúp đỡ được người khác.

Ngoài những tháo gỡ về tính kỹ thuật trong các văn bản hoạch định chính sách, quy định đối với doanh nhân, doanh nghiệp thì Nhà nước cần xóa dần những định kiến xấu, kỳ thị với người làm giàu chân chính.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn