• Zalo

Đừng bắt U23 Việt Nam gồng gánh nền bóng đá trên vai

Thể thaoThứ Năm, 01/02/2018 07:05:00 +07:00Google News

Bóng đá Việt Nam cần thêm nhiều yếu tố để vượt tầm Đông Nam Á, thay vì chỉ trông đợi thành công ở một lứa cầu thủ U23.

Bóng đá Việt Nam luôn tồn tại định kiến. Khi được hỏi về bí quyết giúp U23 Việt Nam nâng cao thể lực, huấn luyện viên (HLV) Park Hang Seo khẳng định: "Không thể giúp các cầu thủ cải thiện thể lực trong thời gian ngắn hạn. Người ta hay nói cầu thủ Việt Nam yếu thể lực, nên họ phần nào bị tự ti. Tôi chỉ giúp họ tự tin vào bản thân mình và hiểu được: họ cũng có thể chơi bóng như những cầu thủ thực sự".

Vậy là rõ! Cầu thủ Việt Nam không hề yếu thể lực, nhưng khi báo chí, người hâm mộ nói quá nhiều đến điều này, các cầu thủ dần kém tự tin, tự cho rằng mình không có nền tảng thể lực tốt. Đó là một định kiến. HLV Park Hang Seo thành công bởi ông giúp U23 Việt Nam phá bỏ định kiến ấy, chứ chẳng phải nhờ phép màu hay liệu pháp kỳ diệu nào cả.

HLV Park Hang Seo

HLV Park Hang Seo chữa "tâm bệnh" cho cả nền bóng đá.

Giờ là lúc HLV Park Hang Seo cùng bóng đá Việt Nam phải phá bỏ một định kiến khác, nguy hiểm và khó khăn hơn nhiều. Đó là định kiến của kẻ chiến thắng, rằng thành quả của U23 Việt Nam hôm nay chứng tỏ bóng đá nước nhà đã vượt tầm Đông Nam Á và trên cơ so với kình địch Thái Lan. 

Một nhận định hết sức sai lầm, bởi không nền bóng đá nào lại được đo đếm dựa trên sức mạnh của một đội tuyển trẻ. Các giải đấu của U23 không thuộc hệ thống tính điểm của FIFA.

Châu Âu cũng không có giải U23 được tổ chức hai năm một lần như châu Á. Giải U23 chỉ có giá trị, khi nó cung cấp những tấm vé thông hành cho các đội tuyển trẻ được dự Olympic. Còn không, sân chơi này chỉ đơn thuần được hiểu như những đợt rèn quân.

Nói vậy không phải để hạ thấp chiến công của U23 Việt Nam. Các cầu thủ đã làm nên kỳ tích huy hoàng, khiến báo chí thế giới chấn động. Người Hàn Quốc, Nhật Bản ngả mũ thán phục màn trình diễn của thầy trò HLV Park Hang Seo. Truyền thông Trung Quốc lo ngại khả năng bị bóng đá Việt Nam vượt mặt trong tương lai, hay U23 Iraq bị chỉ trích như những tội đồ dân tộc sau thất bại trước U23 Việt Nam.

Kỳ tích hôm nay rực sáng, khi nó vừa tạo động lực và khơi dậy niềm tự hào của cả dân tộc, vừa giúp bóng đá Việt Nam bước lên vũ đài quốc tế với những hình ảnh không thể nào quên. Người hâm mộ đã nhìn thấy một thế hệ trẻ khỏe mạnh với nền tảng giáo dục đủ đầy, chơi bóng với tinh thần trong sáng, quật cường, vượt qua mọi nghịch cảnh trên đất Thường Châu, Trung Quốc.

Video: Người hâm mộ chào đón U23 Việt Nam trở về

Đấy là giá trị thực sự đằng sau chiến thắng, mang đến sự khích lệ rất lớn về mặt tinh thần. U23 Việt Nam làm được điều khiến cả Đông Nam Á ghen tị, nhưng nó không có nghĩa bóng đá nước nhà đã thực hiện cú nhảy ngoạn mục để thoát khỏi vùng trũng khu vực. Cũng như chức vô địch EURO 2004 không đưa Hy Lạp lên hàng ngũ đội bóng mạnh hay danh hiệu Á quân U20 World Cup không cứu rỗi nổi bóng đá Venezuela, U23 Việt Nam cần nhiều hơn, thay vì chỉ trông mong vào một thế hệ cầu thủ.

Trong buổi họp báo sau chiến công của U23 Việt Nam, HLV Park Hang Seo chỉ rõ: Giờ là lúc phải làm lại từ đầu, khởi động một hành trình mới. Trước mắt là ASIAD 2018, sau là AFF Cup và Asian Cup. Động thái dứt khoát của chiến lược gia người Hàn Quốc để khẳng định: Giây phút ăn mừng và sống trong vinh quang đã kết thúc. Hãy cất chiến thắng vào tủ và bước ra sân tập như thể chúng ta chưa có gì.

Cũng như định kiến thể lực, định kiến "chiến thắng là thoát khỏi ao làng" từng khiến bóng đá Việt Nam chìm nghỉm trong những ảo tưởng. Chu kỳ 10 năm là một minh chứng. Không phải cứ 10 năm, bóng đá nước nhà lại "lên đỉnh" một lần, mà là sau mỗi lần lên đến đỉnh cao, bóng đá nước nhà lại đối diện với sóng gió và đến 10 năm sau mới gượng dậy được.

Bóng đá Việt Nam từng có những giai đoạn tràn ngập hy vọng. Sau chức vô địch AFF Cup 2008 là lọt vào chung kết SEA Games 29, thắng vang dội Lebanon ở vòng loại World Cup. Sau danh hiệu Á quân Tiger Cup là kỳ SEA Games rực rỡ trên sân nhà. Bao nhiêu lần chúng ta đặt niềm tin: Bóng đá Việt Nam đã thực sự hóa rồng, vượt khỏi tầm vóc Đông nam Á để tiến tới châu lục? 

U23 Viet Nam Uzbekistan (51)

Hãy giữ vững đôi chân trên mặt đất.

Tất nhiên, thành công hôm nay khác với thành công quá khứ, bởi nó mang tính bền vững hơn. Trước chiến tích lịch sử của U23 Việt Nam, U20 Việt Nam có vé dự U20 World Cup. U15 Việt Nam vô địch Đông Nam Á, U16 Việt Nam lọt vào tứ kết châu Á, hay tuyển Việt Nam đã có suất tại vòng chung kết Asian Cup sau 10 năm chờ đợi. Bóng đá Việt Nam hái quả ngọt từ công tác đào tạo trẻ, nhưng để thực sự vượt tầm Đông Nam Á, chúng ta còn quá nhiều việc phải làm.

Nhiều đội bóng dự V-League không có hệ thống đào tạo trẻ. Bóng đá Việt Nam hiện tại vẫn sống dựa trên "bầu sữa" của những HAGL, PVF, Viettel, CLB Hà Nội, SLNA,... Nguồn lực to lớn từ đào tạo trẻ vẫn chưa được các trung tâm bóng đá khai thác hết.

Những sân bóng với khán đài trống vắng, mặt sân tơi tả, nhà vệ sinh hôi thối, bẩn thỉu không phải bộ mặt của một nền bóng đá chuyên nghiệp.

Giải vô địch quốc gia với những tiêu cực cả trong lẫn ngoài sân cỏ, đến mức phải có một đại hội "chấn hưng". Bạo lực hoành hành, lối đá đơn điệu nhàm chán và những trận đấu "thật giả lẫn lộn, không có tính thực chiến" (như nhận định của BLV Quang Huy). 

Empty

V-League ơi, phải trong sạch đi thôi.

Thế hệ cầu thủ trong sáng, khát khao và tài đức vẹn toàn của U23 Việt Nam sẽ phải chơi bóng trong môi trường độc hại và đầy rủi ro như thế. Thay vì tự hào, người hâm mộ nên xót xa nhiều hơn. Vui vì chiến thắng của U23 Việt Nam, tin vào tương lai, nhưng không được lãng quên thực tại. Mà thực tại ấy, một lứa cầu thủ chẳng thể gồng gánh hết được, một giải đấu thành công chẳng thể che lấp hết được.

Câu nói được HLV Park Hang Seo sử dụng nhiều nhất ở vòng chung kết U23 châu Á là "phải tự tin". Bây giờ, chiến lược gia người Hàn Quốc liên tục lặp lại "đừng tự mãn". Đó không chỉ là lời khuyên đến các cầu thủ, mà còn là đến người hâm mộ và tất cả những ai làm bóng đá. Đừng tự mãn, bởi chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều!

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn