Tối 27/6, phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Künzelsau, thuộc bang Baden-Württemberg, miền Nam nước Đức, ông Schäuble cho rằng Anh nên nộp đơn chính thức xin rời khỏi EU càng sớm càng tốt.
Cũng theo vị chính trị gia kỳ cựu của đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) này, Chính phủ Đức vẫn đang tiếp tục theo dõi sát sao mọi diễn biến dù cho tới nay chưa có sự hỗn loạn trên các thị trường tài chính châu Âu sau sự kiện Brexit. Ông Schäuble cũng cho rằng việc thay đổi hiệp ước của EU để phản ứng về vụ Brexit là điều không cần thiết.
Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng kêu gọi Anh nhanh chóng nộp đơn xin ra khỏi EU.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi đều nhất trí sẽ không có các cuộc thảo luận không chính thức nào với Anh cho tới khi London chính thức nộp đơn xin ra khỏi EU lên Hội đồng châu Âu.
Cùng ngày, Chính phủ Cộng hòa Séc đã thông qua việc thành lập nhóm công tác nhằm chuẩn bị cho các cuộc đàm phán giữa quốc gia này và Anh liên quan đến việc Anh rời khỏi EU.
Thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslav Sobotka đã thông báo trên trang mạng Twitter rằng nước này phải bảo vệ những lợi ích quốc gia của mình và một trong những mục tiêu quan trọng nhất là duy trì các điều kiện công bằng trên thị trường lao động Anh đối với công dân Cộng hòa Séc.
Video phân tích các lá phiếu ở Anh về Brexit
Theo ông Sobotka, nhóm công tác trên sẽ xác định những ưu tiên của Cộng hòa Séc về tương lai của EU, trong đó có những đề xuất về các cải cách cần thiết mà EU phải trải qua. Nhóm sẽ bao gồm các đại diện đến từ các bộ và những thành phần kinh tế, xã hội.
Trong một diễn biến liên quan đến việc Anh ra khỏi EU, Litva đã bày tỏ mong muốn EU gìn giữ mọi mối quan hệ với London sau khi Anh rời khỏi khối này.
Phát biểu tại trụ sở của Liên hợp quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Litva, Linas Linkevicius cho rằng trong khi đợi Anh nộp đơn chính thức lên Hội đồng châu Âu thì không nên vội vã trong việc "trục xuất" Anh.
Theo ông, EU cần gìn giữ thay vì hủy hoại mối quan hệ với Anh.
Bình luận