• Zalo

Dư luận Hàn Quốc muốn sở hữu vũ khí hạt nhân

Quân sựThứ Ba, 25/10/2022 09:02:51 +07:00Google News
(VTC News) -

Một học giả tại Trung tâm Triều Tiên thuộc Viện Sejong (Hàn Quốc) vừa đề xuất vũ trang hạt nhân cho Hàn Quốc nhằm ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Các thách thức liên tiếp từ phía Triều Tiên

Thời gian qua, các thách thức vũ khí hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên tiếp tục gia tăng đáng kể. Trước thực tế này, cả Mỹ và Hàn Quốc đều đã phải tính đến kịch bản xấu nhất là một cuộc chiến hạt nhân nổ ra.

Vào tháng 4/2022, Triều Tiên công bố ý định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đến tháng 9. Bình Nhưỡng thông qua luật chính sách hạt nhân mới, theo đó quốc gia này được phép tiến hành tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc.

Dư luận Hàn Quốc muốn sở hữu vũ khí hạt nhân - 1

Tên lửa đất đối đất Hyunmoo của Hàn Quốc. (Ảnh: AFP)

Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, “các đơn vị tác chiến hạt nhân chiến thuật” của Triều Tiên thực hiện các cuộc tập trận tên lửa nhằm tấn công các mục tiêu giả định ở phía Nam, như sân bay, hải cảng và các cơ sở chỉ huy.

Ngoài ra, vào ngày 4/10, Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo tầm xa ở góc bình thường (không phải góc cao) để tên lửa bay qua Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương. Cuộc thử nghiệm này một lần chứng minh năng lực của Triều Tiên bắn tên lửa tới lãnh thổ Guam của Mỹ trong trường hợp Mỹ can thiệp vào đụng độ quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Người ta dự báo rằng trong tương lai, Triều Tiên sẽ phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở góc thường, thẳng vào Thái Bình Dương để phô bày năng lực “hồi quyển” của tên lửa và khả năng bắn vươn tới lục địa Mỹ. Ngoài ra, Triều Tiên có thể sẽ xúc tiến xây dựng các tàu ngầm mang theo tên lửa đạn đạo như đã được đề ra trong Đại hội VIII của Đảng Lao động Triều Tiên vào năm 2021 để chứng tỏ năng lực tấn công hạt nhân thứ 2 sau tên lửa đạn đạo.

Mỹ cần thực tế hơn?

Trong bối cảnh kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên gia tăng nhanh chóng, chính quyền Hàn Quốc và Mỹ vẫn theo đuổi mục tiêu “phi hạt nhân hóa Triều Tiên” mà chưa đưa ra được giải pháp thực tế nào cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Gần đây, Jeffery Lewis - một chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Quan hệ Quốc tế Middlebury (Mỹ) tuyên bố trong một bài viết trên tờ New York Times rằng đã đến lúc Mỹ phải thừa nhận thực tế nỗ lực của họ trong phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã thất bại, đồng thời chấp nhận thực tế Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Tất nhiên, Mỹ có cái khó là nếu thừa nhận kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, điều đó có thể gây cho Hàn Quốc cảm giác bị Mỹ phản bội.

Dư luận Hàn Quốc muốn sở hữu vũ khí hạt nhân nội địa

Theo các cuộc thăm dò dư luận thực hiện vào năm 2021 và 2022, hơn 70% số người Hàn Quốc được hỏi ủng hộ hạt nhân hóa Hàn Quốc do lo ngại bom hạt nhân của Triều Tiên. Con số này có thể tăng tới 80% nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7.

Một số chính trị gia cánh hữu của Hàn Quốc yêu cầu tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc để đối phó với thách thức hạt nhân từ phía Triều Tiên. Tuy nhiên, công chúng Hàn Quốc nghiêng nhiều hơn về việc tự phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Tháng 12/2021, Hội đồng Chicago về các Vấn đề Toàn cầu thực hiện khảo sát 1.500 người Hàn Quốc. Kết quả, 67% trong số này đáp lại rằng họ ưa thích phương án “phát triển vũ khí hạt nhân nội địa” hơn là “triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ”. Chỉ có 9% số người được hỏi lựa chọn phương án thứ 2.

Một số chuyên gia Mỹ quan ngại rằng việc Hàn Quốc tự phát triển vũ khí hạt nhân sẽ làm suy yếu quan hệ liên minh Mỹ - Hàn Quốc và đưa Hàn Quốc xích lại gần Trung Quốc. Tuy nhiên, kịch bản này ít khả năng xảy ra, theo kết quả thăm do dư luận do Viện nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất thuộc Đại học Quốc gia Seoul tiến hành và được công bố vào tháng 9/2022. Theo đó, đa số người được hỏi lựa chọn Mỹ như quốc gia gần gũi nhất (80,6%).

Dùng sức ép hạt nhân để loại bỏ vũ khí hạt nhân

Học giả Hàn Quốc Seong-Chang Cheong cho rằng, để giảm leo thang căng thẳng và ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên, giới hoạch định chính sách và các học giả Mỹ cần xem xét đến việc vũ trang hạt nhân cho Hàn Quốc. Theo học giả này, một Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ có khả năng khởi động đàm phán về cắt giảm vũ khí hạt nhân với Triều Tiên.

Theo học giả Seong-Chang Cheong, lá bài Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân riêng sẽ khiến Triều Tiên phải cân nhắc khi sử dụng vũ khí hạt nhân và nâng ngưỡng sử dụng thứ vũ khí chiến lược này, đồng thời cũng sẽ hối thúc Trung Quốc tích cực hơn trong giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.

Hiện Hàn Quốc sở hữu vật liệu thô đủ để sản xuất hơn 4.000 đầu đạn hạt nhân.

Điều mà Seong-Chang Cheong tính đến là buộc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân thông qua sức ép từ việc Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng tự phát triển vũ khí hạt nhân nếu Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền Hàn Quốc ít chú ý đến phương án hạt nhân hóa do e ngại sự chống đối quyết liệt trong nội bộ cũng như các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Mỹ. Việc Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân cũng sẽ kích hoạt chạy đua hạt nhân trong khu vực và kích thích cường quốc Nhật Bản từ bỏ chính sách phi hạt nhân của mình.

Trung Hiếu(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn