Làn sóng mới từ du lịch chăm sóc sức khỏe
Theo MSN, đi du lịch giúp con người tăng tuổi thọ. Phát hiện này vừa được trình bày tại Hội nghị Đại học Tim mạch châu Âu ở Đức và công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng, Sức khỏe và Lão hóa, Mỹ.
Giáo sư Timo Strandberg, Đại học Helsinki, Phần Lan cho biết: "Đừng nghĩ rằng có một lối sống lành mạnh sẽ bù đắp về mặt sức khỏe khi bạn làm việc quá chăm chỉ và không nghỉ ngơi. Kỳ nghỉ có thể là một cách tốt để giảm bớt căng thẳng".
Jeremy Pearson, giám đốc y khoa của Quỹ Tim mạch Anh, cho biết dành thời gian đi nghỉ có thể là một cách tuyệt vời để giảm căng thẳng nhưng bạn cũng có thể nói chuyện với bạn bè và gia đình để chia sẻ những rắc rối mình đang gặp phải.
Xã hội phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ của con người ngày càng cao, thay vì nghỉ dưỡng đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Cũng từ đó, một làn sóng mới mẻ và hấp dẫn trong ngành du lịch mang tên "du lịch chăm sóc sức khỏe" ra đời.
Theo báo cáo của Global Wellnes Institute (Viện Sức khỏe toàn cầu) cho thấy, sự phổ biến của du lịch chăm sóc sức khỏe đã tăng lên với tốc độ nhanh chóng. Từ một thị trường khoảng 563 tỷ đô la vào năm 2015 đến 639 tỷ đô la trong năm 2017. Mức tăng khoảng 6,5% hàng năm trong khi ngành du lịch nói chung tăng khoảng 3% mỗi năm.
Ông Andrew Gibson, đồng sáng lập Wellness Tourism Association chia sẻ, ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe đang phát triển mạnh mẽ, du lịch wellness không còn là một xu hướng đầu tư ngắn hạn mà đã trở thành định hướng tư duy phát triển dài hạn trong kinh doanh dịch vụ khách sạn.
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo, khách du lịch trên toàn cầu có xu hướng ngày càng ưa chuộng các loại hình du lịch thân thiện với môi trường như du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch phục vụ nhu cầu sức khỏe, làm đẹp…
Du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đang phát triển
Postmedia- mạng lưới nhật báo lớn nhất Canada vừa đưa ra nhận định, du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đang phát triển. Theresa Storm, nhà báo Canada sau khi khám phá Việt Nam 7 tuần đã nhận xét, dọc bờ biển dài 3.200km uốn quanh hình chữ S có nhiều nơi khu nghỉ với dịch vụ spa đang phát triển rất nhanh.
Theo chuyên trang du lịch Wego và Trust You, Hà Nội và Hội An là 2 thành phố được đánh giá cao với các yếu tố phù hợp với mong muốn du lịch wellness của du khách, lọt vào nhóm 10 thành phố du lịch tốt nhất thế giới về lĩnh vực này tại châu Á.
Hay như tại Phú Quốc cũng đang có nhiều ưu thế để phát triển loại hình này. Tờ Telegraph của Anh từng có một bài viết chi tiết nêu 10 lý do "hớp hồn" du khách khi đến Phú Quốc. Trang này miêu tả Phú Quốc như "đảo thiên đường" với quần thể 28 hòn đảo lớn nhỏ, hệ sinh thái đa dạng, bãi biển xanh đầy nắng, ẩm thực biển hấp dẫn, con người thân thiện… mang tính đọc đáo hiếm có.
Đón xu hướng nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, một dự án lớn 200ha sắp được công bố với mục tiêu xây dựng một thiên đường nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch chăm sóc sức khoẻ quy mô lớn nhất lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam với những giá trị đỉnh cao của dưỡng sinh, tái tạo năng lượng và khơi nguồn sức sống của cả thể chất và tinh thần.
Trải dài hơn 1,5km bãi biển tuyệt đẹp, hội tụ những tên tuổi nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới kết hợp với những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ như trung tâm kiểm tra sức khoẻ 4.0, trung tâm thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp, khu đông y, vườn thiền, chuỗi nhà hàng thực dưỡng, trang trại hữu cơ… Dự án này sẽ chính là sự giao thoa của những giá trị bản nguyên và ứng dụng trí tuệ nhằm xây dựng một hệ sinh thái nghỉ dưỡng xanh và bền vững.
Đánh giá về tiềm năng của loại hình du lịch mới mẻ này, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe có doanh thu cả trăm tỉ USD/ năm. “Với mong muốn khỏe hơn, trẻ hơn, đẹp hơn và có cuộc sống thoải mái hơn nên xu hướng chăm sóc bản thân ngày càng nhiều hơn. Nhờ đó tốc độ tăng trưởng của du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe tăng trưởng gấp hai lần mức trung bình so với toàn ngành du lịch nói chung” - ông Mauro Gasparotti nói.
Đáng chú ý, đối tượng đi du lịch theo mô hình này chi trả nhiều hơn so với khách thông thường. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe cao với 25% mỗi năm và mức chi tiêu cao của khách cao hơn 51% so với trải nghiệm du lịch thông thường.
“Theo thống kê, 10% đối tượng du khách chủ yếu để trị liệu sức khỏe tinh thần; 90% còn lại du lịch có kết hợp các yếu tố này. Vì vậy, các nhà đầu tư khách sạn, khu nghỉ dưỡng nên chú ý và có thể tích hợp các yếu tố này trong các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tương lai” - ông Mauro Gasparotti khuyến nghị.
Có thể nói Việt Nam có tiềm năng to lớn phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe nếu thực sự chú trọng đầu tư thì đây là đòn bẩy cho ngành du lịch thời gian tới.
Bình luận