Theo thông tin từ Báo Điện tử Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, chiều 11/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ cho ý kiến về đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, hoàn thiện thêm một bước đề án để trình cấp có thẩm quyền.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung của đề án như: Tiêu chí sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính; phương án, định hướng sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính; tiêu chí, phương án lựa chọn nơi đặt trung tâm chính trị, hành chính của đơn vị hành chính mới được thành lập; phương án xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp…

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP)
Phát biểu kết luận, Thủ tướng nêu rõ, đại đa số các ý kiến, dư luận Nhân dân đồng tình cao với chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Việc này nhằm phù hợp với tình hình mới, nâng cao khả năng quản lý trong bối cảnh hạ tầng giao thông, hạ tầng số ngày càng được cải thiện, đồng thời mở ra không gian phát triển mới, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp bao gồm cấp tỉnh (các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở. Phiên họp thống nhất dự kiến trình cấp có thẩm quyền phương án sau khi sắp xếp sẽ giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm khoảng 60 - 70% đơn vị hành chính cấp cơ sở so với hiện nay.
Trên cơ sở phân tích các nguyên tắc, tiêu chí, nhất là về dự kiến sắp xếp, tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh, Thủ tướng yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính ngoài tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, xem xét các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, điều kiện địa lý, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng...
Đặc biệt, việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh phải có tính kế thừa; việc chọn trung tâm hành chính - chính trị phải cân nhắc các yếu tố lịch sử, địa lý, kết nối hạ tầng, không gian phát triển, quốc phòng, an ninh và hội nhập.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu với việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp là tăng cường thẩm quyền, nêu cao hơn nữa tính tự lực, tự chủ, tự cường của cấp địa phương; chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn, giải quyết công việc cho dân thuận lợi hơn.
Đồng thời mang lại lợi ích cho người dân nhiều hơn, Nhân dân ngày càng hạnh phúc và ấm no; tạo sự đồng thuận của người dân.
Bình luận (4)
Nên làm từ 10 năm trước
Tôi đồng tình với chủ Trương của Đảng, chính phủ phải quyết liệt, khẩn Trương. Tôi thấy cấp huyện, xã đang ngồi chơi sơi nước nhé
Chính quyền cấp tỉnh và cấp xã gồm nhiều xã mà thời xưa người ta gọi là Tổng bỏ cấp huyện và các thành phố tương đương Huyện giảm tải chi phí giảm nhiều cho đất nước gánh có nhẹ mới bay cao bay xa . Tôi chỉ có góp ý nhỏ thôi cấp lãnh đạo ví dụ bí thư chủ tịch tỉnh và Xã , giám đốc các sở nên điều động người tỉnh khác và xã khác lãnh đạo như giai đoạn vừa qua đã làm với Bí thư tỉnh ủy nay nên nhân rộng ra cả chủ tịch giám đốc . Nghe dư luận nhân dân rất đồng tình với Đảng Nhà nước về cuộc CM này . Rất mong sự nghiệp thành công dân giàu nước mạnh trường tồn cùng sông núi giang sơn đất VIỆT .
Góp ý tham khảo Thương Hải cũng mô hình địa phương 2 cấp, cấp cơ sở khá lớn nên gọi là Quận/Huyện chứ kg gọi Phường/Xã, người dân đc trực tiếp tiếp cận cấp cơ sở kg ngăn cản, và giữa cấp cơ sở và dân có 1 Ủy ban cộng đồng (do dân bầu ra bằng bỏ phiếu minh bạch) để hỗ trợ nếu người dân cần
Thượng Hải có phố Đông phố Tây..... để mục đích định vị chứ không phải cấp hành chính. ĐNg