Cuối tháng 2, giới chức y tế Bờ Biển Nga vui mừng khi nhận được nửa triệu liều vaccine AstraZeneca thông qua cơ chế COVAX của WHO. Nhưng sự phấn khích nhanh chóng giảm bớt. Thay vào đó là nỗi lo triển khai.
Tính tới hiện tại, nước này mới chỉ sử dụng hơn 183.000 liều. Nếu duy trì tiến độ chậm chạp hiện tại, chắc chắn Bờ Biển Ngà - quốc gia với hơn 26 triệu dân sẽ không thể sử dụng hết số vaccine AstraZeneca hết hạn vào tháng 9 tới.
"Thực sự rất áp lực. Người khác có thể nhìn vào chúng tôi và nói, anh đã có 500.000 liều mà không dùng hết, chẳng lý do gì lại gửi thêm 1,5 triệu liều nữa cả", Daniel Ekra, nhà dịch tễ học phụ trách chương trình tiêm chủng của Bờ Biển Ngà cho hay.
Sợ vaccine không an toàn
Theo số liệu từ CARE - một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu, 25 chục quốc gia ở châu Phi sử dụng chưa tới một nửa số vaccine mà họ có.
Nam Sudan - quốc gia nhận được 132.000 liều vaccine từ COVAX dự kiến bắt đầu tiêm chủng vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, chính phủ nước này bất ngờ hoãn chiến dịch tiêm chủng mà không nêu rõ lý do.
"Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4. Nếu có mưa lũ, việc tiếp cận một số khu vực sẽ hết sức khó khăn", Kawa Tong, một bác sĩ y ở thủ đô Juba của Nam Sudan cho biết.
Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế trên khắp lục địa đen đang làm trì hoãn chiến dịch tiêm chủng ở một số quốc gia. Tại các cộng đồng ở khu vực châu Phi cận Sahara, trung bình cứ 10.000 người mới có 2 bác sỹ.
Một số người dân châu Phi cũng tỏ ra nghi ngờ về tính an toàn của vaccine sau tuyên bố của một bác sỹ người Pháp cho rằng nên đưa vaccine COVID-19 sang lục địa đen thử nghiệm trước khi sử dụng đại trà.
"Xuất hiện một kiểu từ chối vaccine có hệ thống bởi mọi người nghĩ rằng châu Phi đang trở thành chuột bạch thử vaccine", một quan chức về vaccine ở Bờ Biển Ngà cho biết.
Số khác nói họ không tin tưởng vaccine AstraZeneca sau nhiều trường hợp bị đông máu sau khi tiêm vaccine này.
"Mọi người phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội. Họ cũng thấy những điều xảy ra ở châu Âu và quốc tế. Điều đó khiến họ sợ hãi", y tá Modeste Assi cho hay.
Một cuộc thăm dò hồi tháng 4 ở năm quốc gia Tây Phi bao gồm Benin, Liberia, Senegal, Niger và Togo cho thấy chỉ 4/10 người được hỏi cho biết họ sẽ cân nhắc việc tiêm chủng.
Ở Bờ Biển Ngà, chính phủ đang phải đẩy mạnh chiến dịch truyền thông xã hội và tổ chức các sự kiện phát sóng trực tiếp trên Facebook. Các nhà khoa học phải hẹn gặp các lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng với hy vọng truyền tải được thông điệp tiêm chủng.
"Có một nguy cơ đáng lo ngại là nếu chúng ta không sử dụng các liều vaccine với thời gian sử dụng ngắn này, đó sẽ là một sự lãng phí và đáng tiếc", Richard Mihigo, điều phối viên về tiêm chủng và phát triển vaccine tại Châu Phi của WHO cho biết.
Malawi gần đây lên kế hoạch tiêu hủy 16.000 trong tổng số 102.000 liều vaccine AstraZeneca được chuyển đến nước này do sắp hết hạn.
Malawi khởi động chiến dịch tiêm chủng vào tháng 3 với mục tiêu chích ngừa cho 11 triệu người vào cuối năm. Theo NPR, tiến độ tiêm chủng chậm chạp của Malawi xuất phát từ việc thiếu hụt về tài chính, sự do dự của người dân và vấn đề hậu cần.
Chính phủ Malawi gặp khó trong việc thiết lập các hệ thống cần thiết để dự đoán và theo dõi việc phân phối vaccine giữa các điểm tiêm chủng. Giới chức nước này phải vật lộn để trang trải tiền ăn trưa cho các nhân viên y tế đi từ cơ sở này sang cơ sở khác để tiêm chủng. Bản thân Malawi cũng không rõ sẽ được cộng đồng quốc tế hỗ trợ bao nhiêu cho chiến dịch tiêm chủng của mình.
"Thật khó để sắp xếp thứ tự ưu tiên cho việc lập kế hoạch, huy động các nguồn lực khi không rõ nguồn tài trợ sẽ là bao nhiêu. Điều này làm chậm quá trình tiêm chủng", Amos Zaindi - một thành viên trong ban lãnh đạo của CARE cho biết.
''Kén cá chọn canh"
Ở Malawi, người dân ban đầu cũng rất khát vaccine. Có thời điểm họ chờ 2,3 giờ ngoài điểm tiêm chủng. Nhưng gió bắt đầu đổi chiều khi thông tin về các ca đông máu ở châu Âu xuất hiện. Các thông tin tiêu cực này "lan nhanh như cháy rừng".
"Dường như chỉ sau một đêm, các hàng dài xếp bên ngoài các trung tâm tiêm chủng ở thủ đô bốc hơi không một dấu vết", ông Zaindi cho hay.
Giống như Malawi, Nam Sudan cũng dự định không sử dụng 59.000 liều vaccine với lý do tương tự.
Thay vì tiêu hủy số vaccine sắp hết hạn, Congo gửi hàng trăm liều vaccine của nước này cho các nước châu Phi khác.
Tiến sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực Châu Phi của WHO cho biết sự chần chừ của người dân và khoảng trống trong hệ thống y tế của Congo dẫn tới quyết định này của quốc gia Trung Phi.
Congo nhận được 1,7 triệu liều vaccine AstraZeneca từ COVAX, nhưng nước này mới chỉ tiêm chủng cho hơn 2.000 người.
Tiến sỹ John Nkengasong, giám đốc CDC châu Phi nhấn mạnh các quốc gia châu Phi không có nhiều vaccine để kén cá chọn canh như các khu vực khác trên thế giới. Ông này kêu gọi người dân lục địa này chấp nhận các loại vaccine hiện có.
"Chúng ta không có lựa chọn. Vaccine của chúng ta chủ yếu là của AstraZeneca", ông này cho hay.
Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết chi 12 tỷ USD cho việc phát triển vaccine, nhưng cho tới nay mới phê duyệt 2 tỷ USD cho các dự án này.
Vào tháng 3, Mamta Murthi, Phó chủ tịch WB cho biết chưa tới 1/3 các nước có thu nhập thấp vào trung bình báo cáo về kế hoạch đào tạo đủ nhân viên phụ trách chương trình tiêm chủng.
Các chuyên gia chỉ ra rằng tình trạng lãng phí vaccine xuất hiện ở giai đoạn các nước châu Phi mới chỉ nhận được một phần nhỏ vaccine. Họ kêu gọi các tổ chức tài trợ và các quốc gia giàu có không nên chỉ bỏ tiền và nỗ lực giúp các nước có thu nhập thấp mua vaccine mà cần tài trợ cho các quốc gia này về mặt hậu cầu.
Bình luận