Thoải mái nhập khẩu
Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 27/2018/TT-BCT bãi bỏ quy định cấp giấy phép nhập khẩu tự động, đối với xe gắn máy phân khối lớn, có hiệu lực từ ngày 5/11/2018.
Theo đó, thương nhân nhập khẩu xe gắn máy phân khối lớn từ 175cm3 trở lên không phải đăng ký cấp giấy phép nhập khẩu tự động tại Bộ Công Thương, chỉ cần làm thủ tục nhập khẩu hải quan.
Nói về vấn đề này, một DN nhập khẩu xe phân khối lớn tại Hà Nội, cho biết, từ năm 2014, xe máy có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên được Bộ Công Thương áp dụng quy trình cấp giấy phép tự động thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Thủ tục cũng rất đơn giản. Trong thời gian nhập xe về, DN chỉ cần gửi email xin cấp phép và chờ sau một ngày là nhận được trả lời. Tuy nhiên, đây là quy định thừa, bởi nhập khẩu xe về, từ số lượng, mẫu mã kiểu loại đến chất lượng, cơ quan Hải quan và Đăng kiểm đã kiểm soát và nắm rõ. Vì vậy, việc bãi bỏ là cần thiết.
Như vậy, với việc bãi bỏ quy định này, chính sách về quản lý xe máy phân khối lớn thực sự cởi mở. Các công ty có thể thoải mái nhập khẩu, miễn là có giấy phép, không cần phải là nhà phân phối chính thức (như với ô tô), tạo điều kiện cho thị trường xe phân khối lớn tại Việt Nam tăng trưởng.
Theo các DN, từ năm 2014, quy định về thi và cấp giấy phép lái xe hạng A2 được “cởi trói”. Mọi người dân đều có thể tham gia dự thi và được cấp giấy phép, thay vì chỉ bó gọn trong một số đối tượng cụ thể như các lực lượng thuế vụ, hải quan, kiểm lâm, các lực lượng vũ trang, cá nhân hoạt động thể thao,...
Từ đó, đối tượng khách hàng của xe máy phân khối lớn bắt đầu mở rộng, cùng với thuế nhập khẩu xe máy phân khối lớn từ ASEAN về Việt Nam giảm mạnh nên doanh số bán của các DN ngày càng tăng.
Nếu trước 2014, doanh số bán chỉ vào khoảng 1.000 xe máy phân khối lớn/năm thì tới 2016 đã đạt 6.000 xe/năm. Năm 2017 vừa qua, doanh số phân khúc này đạt hơn 7.000 chiếc.
Giá giảm, bán ra tăng mạnh
Năm 2018, khi thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN giảm về mức 0%, thị trường xe máy phân khối lớn trở nên sôi động. Đến nay, hầu hết các hãng đều chuyển hướng nhập khẩu xe từ Thái Lan, Indonesia về phân phối.
Nhờ thuế giảm, giá hàng loạt mẫu xe phân khối lớn giảm mạnh, từ 15 triệu đến gần 200 triệu đồng, nên việc tiếp cận người mua dễ dàng hơn. Cùng với đó, thu nhập của người dân tăng lên, số người trung lưu và người giàu tăng nhanh, khiến thị trường xe máy phân khối lớn thực sự tiềm năng.
Đến nay, hầu hết các thương hiệu xe máy phân khối lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam, như: BMW, Ducati, Harley-Davidson, Kawasaki, Honda, KTM, Triumph, Royal Enfield, Benelli,...
Đại diện Kawasaki cho biết, khi thị trường xe phổ thông đạt đến điểm bão hòa thì người tiêu dùng có khuynh hướng tìm kiếm dòng xe mới, cụ thể là xe mô tô phân khối lớn. Xu hướng này của Việt Nam tương tự các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Mặt khác, khi thu nhập tăng lên, những người đam mê xe máy chịu chi đậm cho các dòng xe phân khối lớn với mục đích giải trí hoặc thể hiện đẳng cấp.
Theo một số DN kinh doanh xe phân khối lớn, tăng trưởng thị trường này mấy năm qua đạt từ 20-40%. Chẳng hạn như Benelli năm ngoái bán được gần 800 chiếc, tăng khoảng 40% so với năm trước đó.
Còn Kawasaki kỳ vọng sẽ bán được 1.800-2.000 xe các loại trong năm nay. Honda Việt Nam gia nhập thị trường xe phân khối lớn vào tháng 5/2018, ngày đầu tiên đã bán ra 160 chiếc, trong đó có 3 chiếc Gold Wing trị giá 1,2 tỷ đồng.
Một DN phân phối xe máy phân khối lớn tại Hà Nội dự báo, các mẫu xe có giá từ 300 triệu đồng đến gần 2 tỷ đồng sẽ rất đắt khách. Đến nay, những siêu motor như Honda Goldwing đã không còn quá xa lạ đối với người Việt Nam. Không chỉ xuất hiện ở các đô thị lớn, mà ngay các địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh,... cũng bắt đầu mua nhiều.
Khách mua chủ yếu là các thanh niên gia đình có điều kiện, những người trẻ thành đạt sớm và những tay chơi thực thụ và có điều kiện. Có đại lý tiết lộ, họ đã từng bán đơn hàng 4 -5 chiếc xe xấp xỉ tỷ đồng cho nhóm con nhà giàu mua để cuối tuần... lượn cho vui. Hàng ngày, nhiều khi thèm quá nửa đêm mới dám ra phố nẹt pô vài vòng tự sướng.
Với thuế suất thuế nhập khẩu từ 5% còn 0%, những dòng xe sản xuất tại Thái Lan đưa về Việt Nam phân phối dễ thở hơn rất nhiều so với trước. Kết quả doanh số bán hàng của nhiều DN đã tăng gấp 10 lần.
Video: Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường trổ tài lái siêu xe như tay đua thứ thiệt
Phân khúc xe máy phân khối lớn tại Việt Nam được cho là bắt đầu giai đoạn bùng nổ. Giống như ô tô, xe phân khối lớn cũng là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng muốn sở hữu. Nếu so với tổng doanh số xe máy bán ra tại Việt Nam hàng năm hơn 3 triệu chiếc, thì phân khúc xe máy phân khối lớn còn quá nhỏ bé. Vì vậy, những năm tới nhu cầu còn tăng cao.
Tuy nhiên, vẫn còn đó trở ngại. Khó khăn lớn nhất với người chơi xe máy phân khối lớn là hạ tầng giao thông. Khi chưa được phép vận hành ở đường cao tốc thì việc lái một chiếc xe máy có động cơ từ 300-1.000cc, ở những tuyến đường có tốc độ tối đa 80 km/h, rõ ràng là không hấp dẫn.
Các DN và nhiều khách hàng đang mong chờ quy định mới từ phía cơ quan chức năng, cho phép xe máy phân khối lớn chạy vào đường cao tốc. Khi đó, trở ngại về vận hành được dỡ bỏ và thị trường sẽ phát triển mạnh mẽ.
Bình luận