• Zalo

Dự án tàu điện ngầm: Cảnh quan Hồ Gươm bị phá nát?

Thời sựThứ Năm, 14/03/2013 05:35:00 +07:00Google News

(VTC News)- Dự án tàu điện ngầm đầu tiên của Hà Nội đoạn đi qua Hồ Gươm vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều dù TP Hà Nội đã chấp thuận đặt ga tàu điện ngầm ở đây.

(VTC News)- Dự án tàu điện ngầm đầu tiên của Hà Nội đoạn đi qua Hồ Gươm vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều dù TP Hà Nội đã chấp thuận đặt ga tàu điện ngầm ở đây.

Dù đã khởi công một số dự án trong mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng liên quan đến tuyến đường sắt ngầm qua Hồ Gươm vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Để rộng đường dư luận, VTC News tổng hợp lại thông tin xung quanh dự án này.

Mô hình đường sắt đô thị hiện đại tại Hà Nội.

Theo quy hoạch giao thông vận tải (nằm trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), đến năm 2020, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội gồm 5 tuyến với tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên, Như Quỳnh) dài 38,7 km; tuyến số 2 (Nội Bài - trung tâm TP - Thượng Đình) dài 35,2km; tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai) dài 21 km; tuyến số 4 có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, 2, 3 và tuyến số 5 (Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) dài khoảng 34,5km.

Với chi phí gần 20.000 tỷ đồng, các mục tiêu, tiêu chí của dự án này nhằm đảm bảo củng cố nét đẹp đặc trưng, tạo sức lôi cuốn đối với nhân dân cả nước và quốc tế; đảm bảo sự bền vững về mặt văn hóa - xã hội, môi trường thân thiện; các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội được tổ chức thuận tiện; cải thiện điều kiện sống, thưởng thức văn hóa cho nhân dân; thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, hội nhập quốc tế; đảm bảo an ninh xã hội...

Sáng 25/9/2010, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội (tuyến số 3) đoạn Nhổn – ga Hà Nội đã chính thức được khởi công. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo UBND TP.Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành Trung ương, chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thi công đảm bảo để dự án metro đầu tiên này đúng tiến độ, đảm bảo an toàn trong thi công, và vận hành.

Người đứng đầu UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng nhấn mạnh, đây là dự án tàu điện ngầm đầu tiên của Hà Nội được khởi công xây dựng, nhằm đáp ứng yêu cầu về mặt kinh tế, xã hội của Thủ đô, giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông, đảm bảo an toàn cho hành khách, cải thiện môi trường.

Theo dự kiến, năm 2016 tuyến đường sắt đô thị số 3 hoàn thành. Sau đó một năm, vào năm 2017, tuyến đường sắt đô thị thứ 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) cũng sẽ được đưa vào sử dụng.

Vị trí xây dựng ga tàu điện ngầm sát Hồ Gươm còn nhiều ý kiến trái chiều.
Tuy nhiên, một số khó khăn mà 2 dự án đang gặp phải như dự án có quy mô lớn, phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam nên chưa có các tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo trì, bảo dưỡng.

Cùng với đó, các tuyến này chủ yếu đi qua khu trung tâm TP có địa hình phức tạp, tập trung mật độ dân cư cao, có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời nên đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ khi thực hiện.

Trong đó, đối với tuyến đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 2), đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có đoạn đi ngầm qua khu phố cổ, hồ Gươm và phụ cận, Sở Quy hoạch Kiến trúc đề nghị Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội kiểm tra quá trình triển khai dự án như việc xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đảm bảo quy trình quy định của Luật Di sản văn hóa.

Đồng thời đề nghị chủ đầu tư lưu ý triển khai đồng thời các quy trình bố trí quỹ đất tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Theo Sở này, sau khi thống nhất ý kiến, điểm đầu của tuyến xuất phát tại Nam Thăng Long (khu đô thị Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo. Toàn tuyến có 10 nhà ga (3 ga trên cao và 7 ga ngầm).

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng ga ngầm, ý kiến của các chuyên gia Nhật Bản cũng như nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đều cho rằng, mặc dù làm tuyến đường sắt ngầm, ga ngầm rất tốn kém, chi phí đầu tư tăng cao, nhưng đây là tuyến đi vào nội đô lịch sử, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và tâm linh của Thủ đô, nếu đi nổi sẽ phá vỡ cảnh quan và không khả thi trong giải phóng mặt bằng.

UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ, trong tương lai vùng Bờ Hồ sẽ dành riêng cho phố đi bộ và nhiều cơ quan, công sở đã được quy hoạch di dời, trong đó có EVN (ga C9 được đặt ngay đối diện cổng chính cơ quan này) và sẽ dành không gian này phục vụ cho lợi ích công cộng.

Cũng theo TP Hà Nội, trong quá trình triển khai đã tổ chức lấy ý kiến của đông đảo nhân dân, dự án trên đều được các bộ, ngành, địa phương và nhân dân vùng dự án đồng thuận cao.

Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng khẳng định, sẽ cấm các loại xe cơ giới, xe buýt hoạt động trong khu vực Hồ Gươm vì nơi đây tập trung đông người, dễ tắc đường và không có điểm đỗ xe. Do đó, tàu điện ngầm sẽ là phương án thuận tiện, an toàn và văn minh nhất.

Đây là những “lí lẽ” xác đáng để UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc về việc đặt nhà ga C9 (tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng (22/2/2013).

Tuy nhiên, việc ga đường sắt ngầm đặt cạnh Hồ Gươm vẫn còn là vấn đề nóng với nhiều ý  kiến trái chiều.

Bài 2: Ga ngầm qua Hồ Gươm: PGS Hà Đình Đức ‘phản ứng’ mạnh





Trần Vũ

Bình luận
vtcnews.vn