Một trong những dự án được Bộ GD và ĐT triển khai khá rầm rộ những năm vừa qua với kỳ vọng sẽ thay đổi cách dạy, cách học trong giáo dục phổ thông là Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) với tổng số vốn 87,6 triệu USD.
Tuy nhiên, khi dự án kết thúc, việc tiếp tục ứng dụng mô hình VNEN đã vấp phải sự phản ứng của một số địa phương, các thầy giáo, cô giáo và học sinh.
Lo học sinh “hổng” kiến thức
Dự án mô hình VNEN được triển khai thí điểm từ năm học 2011-2012 và chính thức có hiệu lực giải ngân từ năm 2013 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và UNESCO với tổng số vốn 87,6 triệu USD.
Mô hình tập trung vào đổi mới: Phương pháp dạy học; tổ chức lớp học; cách đánh giá học sinh; sự tham gia của cha mẹ học sinh, cộng đồng trong quá trình giáo dục; sinh hoạt chuyên môn và đổi mới về hoạt động quản lý nhà trường.
Một số hoạt động cụ thể như bàn ghế lớp học được kê theo nhóm, lớp học có hội đồng tự quản, các nhóm có nhóm trưởng, giáo viên chủ yếu nêu vấn đề và trợ giúp để học sinh trong nhóm tìm tòi thảo luận, việc đánh giá học sinh chủ yếu bằng nhận xét, ít dùng điểm số...
Học sinh tự tin, năng động, cởi mở hơn trong giao tiếp, học tập và cuộc sống.
Theo Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GD và ĐT) Phạm Ngọc Định, Giám đốc dự án mô hình VNEN, mô hình đã được triển khai áp dụng ở 22 nước, được Ngân hàng Thế giới và UNESCO đánh giá là một trong ít mô hình phù hợp nhất với điều kiện giáo dục của các nước đang phát triển.
Năm học 2015-2016, có 4.177 trường tiểu học triển khai mô hình VNEN, chiếm gần 30% tổng số trường tiểu học trên cả nước. Ngoài ra, 1.778 trường THCS có áp dụng mô hình VNEN trong dạy học.
Tuy nhiên, thực tế triển khai mô hình VNEN đã vấp phải sự phản đối của nhiều thầy giáo, cô giáo, phụ huynh, học sinh.
Cô giáo Vi An Lũy, giáo viên bộ môn Toán Trường THCS Minh Khai, TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang) cho biết, dạy môn Toán theo mô hình VNEN đòi hỏi học sinh phải có tính tự giác cao, ý thức tự học tốt mới tiếp thu được kiến thức.
Tuy nhiên, ở bậc THCS, lượng kiến thức nhiều cho nên để học sinh chủ động nghiên cứu sẽ rất khó. Học sinh ngồi theo từng nhóm, giáo viên vất vả hơn khi phải đến từng nhóm để hướng dẫn.
Mặt khác, trình bày bố cục bài viết của học sinh hạn chế, hiểu thế nào làm thế đó, không lô-gích khi học theo mô hình VNEN. Cô giáo Lũy cho rằng, tạm dừng triển khai mô hình VNEN là hợp lý.
Video: Bí mật không ngờ sau điểm 10 môn Tiếng Việt tiểu học
Mô hình VNEN quá đề cao tính tự giác của học sinh trong khi thực tế các em chưa ý thức được việc học, cho nên xảy ra tình trạng chơi nhiều hơn học và bị “hổng” kiến thức.
Em Nguyễn Sơn Nam, năm học 2016-2017 lên lớp 6 Trường THCS Lê Quý Đôn, TP Hà Giang (Hà Giang) cho biết: Khi học tại Trường tiểu học Minh Khai, em được học theo mô hình VNEN thấy mình lười hơn. Các bạn học yếu thường dựa vào các bạn học khá trong nhóm cho nên đã học yếu lại càng yếu hơn.
Chị Văn Thị Hạnh, mẹ cháu Mai Xuân Nam, Trường THCS Minh Khai, TP Hà Giang cho rằng học theo mô hình VNEN thấy cháu lười hơn, không biết cách ôn bài thế nào và bản thân phụ huynh cũng không biết phải hướng dẫn con mình ra sao.
Không chỉ ở Hà Giang, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chị Nguyễn Thị Kim Trang, có con học tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, TP Vũng Tàu cho biết: “Các cháu ở độ tuổi tiểu học, THCS ý thức học tập thường chưa cao. Không ít cháu chỉ trông chờ vào các bạn học sinh khá, giỏi để chép bài. Cho nên cha mẹ học sinh cứ nhầm tưởng con mình cũng hiểu bài, học giỏi”.
Một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, TP Vũng Tàu chia sẻ: “Việc học theo nhóm khiến các cháu rất ỷ lại, không tự giác. Cách bố trí ngồi theo nhóm cũng khiến các cháu nói chuyện nhiều hơn. Đã có không ít học sinh, trước đây học khá, giỏi, nhưng kể từ ngày theo học theo mô hình VNEN, học lực giảm sút rõ rệt”.
Đáng chú ý, tại cuộc khảo sát đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh và phụ huynh về việc triển khai mô hình VNEN của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang ở năm huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh mới đây cho thấy có tới 89,1% số cán bộ quản lý và giáo viên, 75,5% số phụ huynh được khảo sát cho rằng không nên tiếp tục triển khai mô hình VNEN.
Khảo sát 470 học sinh ở các trường khác nhau, có 47,2% ý kiến cho biết thích học theo mô hình VNEN, trong khi 52,8% ý kiến trả lời không thích. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cuối tháng 7 vừa qua, Sở GD và ĐT cùng Phòng GD và ĐT huyện Đất Đỏ đã tổ chức đánh giá về kết quả học tập của các học sinh theo học mô hình VNEN.
Kết quả, gần 100% số phụ huynh học sinh không đồng ý cho con em mình theo học mô hình này ở năm học tới. Trong khi đó, trước các ý kiến về mô hình VNEN, Thành ủy Vũng Tàu đã ban hành Kết luận 112-KL/TU chưa mở rộng mô hình VNEN trong năm học 2016-2017 để có thời gian sơ kết, tổng kết và điều tra xã hội học về sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cũng chỉ đạo dừng mở rộng, áp dụng đại trà mô hình VNEN trên địa bàn tỉnh trong năm học tới.
Không thể rập khuôn, ép buộc
Với điều kiện thực tế ở nước ta nhiều nơi còn thiếu cơ sở vật chất trường lớp học; sĩ số lớp học quá đông; ý thức tự giác của học sinh chưa cao... thì việc triển khai theo kiểu rập khuôn như VNEN sẽ trở nên phản tác dụng.
Từ thực tiễn, thầy giáo Hoàng Hải Đăng, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai, TP Hà Giang cho rằng, mô hình VNEN chỉ phù hợp với các lớp có từ 24 đến 26 học sinh, nhưng hầu hết các lớp đều có sĩ số hơn 30 học sinh.
Lớp học nhỏ hẹp, sĩ số đông, cho nên việc bài trí lớp, góc cộng đồng khó khăn. Học theo mô hình VNEN cũng có phần ảnh hưởng sức khỏe bởi học sinh ngồi theo nhóm, khi môn học phải sử dụng đèn chiếu hoặc giáo viên nói phía trên bục giảng, sẽ phải quay vẹo người để hướng lên bục giảng. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy theo mô hình VNEN còn bỡ ngỡ.
Vì vậy, cần tạm dừng mô hình VNEN. Trong khi đó, Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Giang Vũ Văn Sử cho biết, tỉnh Hà Giang quyết định dừng mô hình VNEN là hợp lý. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Vũng Tàu Trần Ngọc Hà cho rằng: “Việc triển khai mô hình VNEN cần có những bước đi thận trọng, có sơ kết, tổng kết và kiểm tra, giám sát chặt chẽ bởi mọi sự sai lầm đều để lại những hậu quả nặng nề không thể khắc phục được”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cũng khẳng định cần phải có hội đồng đánh giá kết quả mô hình VNEN để có cơ sở khoa học xem xét nên triển khai nhân rộng nay không.
Theo một số chuyên gia giáo dục, VNEN là mô hình thành công ở một số nước. Tuy nhiên, việc áp dụng vào Việt Nam phù hợp đến đâu, ở mức độ nào, quy mô ra sao, đối tượng tiếp nhận và hoàn cảnh thực tế như thế nào cần phải được tính toán.
Việc áp dụng mô hình hay không phải do địa phương quyết định, cơ sở giáo dục lựa chọn và xây dựng lộ trình phù hợp, Bộ GD và ĐT không nên áp đặt. Các địa phương cũng không nên áp đặt các trường và nên dành quyền tự chủ lựa chọn cho các trường.
Thừa nhận những hạn chế, bất cập, Bộ GD và ĐT cho rằng, một số trường triển khai mô hình VNEN chưa theo tinh thần tự nguyện; cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học hai buổi/ngày trong khi năng lực của giáo viên và một số cán bộ quản lý còn hạn chế.
Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ, có trường làm rất tốt, có trường không thể triển khai mô hình VNEN vì điều kiện không phù hợp. Vì vậy, tới đây, các phương thức đổi mới phải được đánh giá lại một cách thẳng thắn để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Có thể nói, một dự án 87,6 triệu USD nhưng khi kết thúc đã bị một số địa phương phản đối cho thấy cần phải được xem xét nghiêm túc về tính khả thi. Bộ GD và ĐT khi triển khai đổi mới cần có phương pháp hợp lý, phù hợp thực tiễn, nhận được sự đồng thuận của thầy giáo, cô giáo và học sinh...
Nếu chỉ chạy theo số lượng để tính thành tích sẽ tiếp tục tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng vẫn không mang lại hiệu quả thiết thực và nhiều thế hệ học sinh có thể trở thành “vật thí nghiệm” trong đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT nước ta.
Bình luận