Năm 2021, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố rằng, nước này sẽ đạt được mức phát thải ròng cacbon bằng 0 vào năm 2070.
Mặc dù thời hạn này muộn hơn hai thập kỷ so với thời hạn do các nền kinh tế phát triển đặt ra, nhưng ông Modi nói thêm rằng vào cuối thập kỷ này, 50% lượng khí thải từ nhu cầu năng lượng của đất nước sẽ được giảm thiểu, bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo.
Để thực hiện mục tiêu trên, Ấn Độ phải đạt được công suất năng lượng tái tạo 500 gigawatt (GW) trong sáu năm tới. Mới đây, Adani Green Energy Limited (AGEL), một công ty ở Ấn Độ, đang biến những vùng đất cằn cỗi rộng lớn ở bang Gujrat phía tây thành nhà máy năng lượng sạch lớn nhất thế giới, tên là Nhà máy Năng lượng tái tạo Khavda (KREP).
Một báo cáo của Đài CNN cho biết, khi sẵn sàng trong 5 năm nữa, nhà máy này sẽ có quy mô gấp 5 lần thành phố Paris, đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng cho 16 triệu ngôi nhà ở Ấn Độ. Ước tính tiêu tốn tới 20 tỷ USD, KREP bao gồm cơ sở hạ tầng tạo ra năng lượng điện gió và điện mặt trời.
Dự án nằm ở cực tây của đất nước, chỉ cách biên giới với nước láng giềng Pakistan gần 20km. Khu vực này là sa mạc cằn cỗi, không có thảm thực vật hay động vật hoang dã. Khi sẵn sàng, các tấm pin mặt trời và tua-bin gió sẽ chiếm diện tích khoảng 500 km2 trên khung cảnh cằn cỗi.
Với tổng công suất phát điện là 30 GW, KREP sẽ chiếm 9% nguồn cung cấp năng lượng tái tạo dự kiến vào năm 2030. Cùng với quy mô khổng lồ, dự án này dự kiến cũng sẽ được nhìn thấy từ không gian.
Adani - giám đốc điều hành của Adani Green Energy Limited (AGEL) nhận định, KREP sẽ là nhà máy năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới khi hoàn thành trong khoảng 5 năm nữa.
Thành công của nó có ý nghĩa quan trọng đối với nỗ lực của Ấn Độ, nhằm giảm ô nhiễm và đạt được các mục tiêu về khí hậu, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của quốc gia đông dân nhất thế giới, và cũng là nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh nhất.
Bình luận