• Zalo

Dự án hơn 1.000 tỷ đồng chậm tiến độ: ‘Trảm’ nhà thầu không đủ năng lực

Đầu TưThứ Tư, 25/05/2022 10:23:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chủ đầu tư dự án đường vành đai phía Tây Đà Nẵng yêu cầu “trảm” nhà thầu không đủ năng lực khiến công trình 1.134 tỷ đồng chậm tiến độ nhiều năm.

Ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (Ban QLDA ĐTXD), chủ đầu tư dự án đường vành đai phía Tây Đà Nẵng cho biết đang yêu cầu các nhà thầu tăng cường các mũi thi công song song để phấn đấu 30/6 thông tuyến công vụ Dự án đường vành đai phía Tây Đà Nẵng.

Đây là dự án chậm tiến độ, từng bị thanh tra Đà Nẵng chỉ ra nhiều sai phạm và bị lãnh đạo Đà Nẵng nhắc nhở nhiều lần.

Vừa rồi Ban đã làm việc với nhà thầu CIENCO 1 yêu cầu chấm dứt hợp đồng nhà thầu phụ thi công chậm trễ trong thời gian qua và thay nhà thầu mới vào thi công tăng ca làm đêm”, ông Huy cho biết.

Dự án hơn 1.000 tỷ đồng chậm tiến độ: ‘Trảm’ nhà thầu không đủ năng lực - 1

Hạng mục cầu vượt Quốc lộ 14B thuộc dự án đường vành đai phía Tây.

Theo ông Huy, hiện tại nhà thầu cũ đã rút máy móc ra khỏi công trường và nhà thầu mới đang đưa máy vào tiếp cận triển khai các hạng mục dự án theo chỉ đạo của chủ đầu tư.

Ghi nhận của PV, những ngày qua, tranh thủ thời tiết nắng mạnh, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Đà Nẵng chỉ đạo các nhà thầu huy động nhân lực, máy móc tăng tốc san nền, thi công dự án đường vành đai phía Tây thành phố.

Tại gói thầu của Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) đoạn Km 0 - Km 2+100, nhà thầu tăng tốc san đắp lớp đất nền K95 cuối cùng, chuẩn bị đắp đất K98, sẵn sàng phủ đá cấp phối. So với nửa tháng trước, hiện trường thi công đã khởi sắc hơn rất nhiều, mặt đường cơ bản được đắp đất, phương tiện có thể đi lại dễ dàng.

Ông Hoàng Nguyên Sơn, cán bộ Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Đà Nẵng (điều hành gói thầu Cienco 1) cho biết, đầu tuyến cơ bản hoàn thiện việc đắp đất K95, riêng đoạn Km 2+600 - Km 4 hoàn thành 50%. Phần mố trụ cầu vượt QL14B đang được đắp lớp cát thô đầu tiên, vừa làm vừa thử nghiệm công nghệ.

Về mặt san lấp, ông Sơn cho hay, trung bình mỗi ngày gói thầu Cienco 1 vận chuyển, đắp hơn 3.000 m3 đất và 1.000 m3 cát xử lý nền đất yếu. Với tiến độ như hiện nay, đến 30/6/2022 sẽ thông tuyến theo chỉ đạo của lãnh đạo TP Đà Nẵng.

Ông Sơn cho biết thêm, hiện nay việc vận chuyển nguồn đất san lấp về đắp cho đầu tuyến đang gặp khó. Cụ thể, đất san lấp phải vận chuyển từ Km 6 về đầu tuyến nhưng tuyến đường công vụ hiện nay chỉ đủ cho 1 làn xe chạy do vướng một số hồ sơ chưa được giải phóng mặt bằng. Nhà thầu đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng xe chở đất để tăng tốc san lấp nhưng không được.

Theo đại diện Cienco 1 cho biết thêm, do chưa được giải phóng mặt bằng để có đường chở vật liệu, công ty thuê đất của người dân từ tháng 3/2021 để mở đường công vụ, tuy nhiên đường rất nhỏ. Vì vậy, Cienco 1 kiến nghị địa phương sớm bàn giao mặt bằng để mở rộng đường, tăng lượng vận chuyển.

Theo tìm hiểu của PV, các gói thầu khác của dự án cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Gói thầu của Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cũng phấn đấu thông tuyến vào cuối tháng 9/2022 theo yêu cầu của lãnh đạo Đà Nẵng.

Dự án hơn 1.000 tỷ đồng chậm tiến độ: ‘Trảm’ nhà thầu không đủ năng lực - 2

Nhà thầu Cienco 1 thi công hạng mục san lấp mặt đường tại dự án.

Trước đó Thanh tra TP Đà Nẵng công bố kết luận thanh tra việc thực hiện dự án tuyến đường vành đai phía Tây, chỉ ra nhiều sai phạm dẫn đến chậm tiến độ.

Cụ thể, thời điểm lập dự án, tư vấn chỉ xác định ảnh hưởng khoảng 117 hộ dân, trong đó có 95 hộ cần di dời, tái định cư (TĐC) và chỉ có 5ha chuẩn bị để bố trí TĐC nên lập dự án không đề xuất xây dựng khu TĐC. Khi triển khai thì có 369 hồ sơ đất ở cần phải thu hồi, số lô đất cần để bố trí TĐC là 625 lô và quỹ đất để bố trí TĐC xung quanh dự án không đáp ứng.

Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Đà Nẵng đánh giá, kiểm tra phương án giải phóng mặt bằng và TĐC chưa sát với thực tế, Sở Giao thông-Vận tải thẩm định chưa phù hợp với thực tế, Sở Kế hoạch-đầu tư tham mưu UBND thành phố phê duyệt dự án nhưng không thể hiện phương án giải phóng mặt bằng và TĐC.

Dự án đường vành đai phía Tây có điểm đầu tại QL14B (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), điểm cuối tại Km 19+177,30 nối trục đường chính của Khu công nghệ thông tin tập trung (xã Hòa Liên).

Tổng chiều dài toàn tuyến là 19,3km, được khởi công ngày 14/9/2018, dự kiến hoàn thành ngày 29/10/2020. Dự án có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, riêng giai đoạn 1 là hơn 1.134 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách TP Đà Nẵng.

Dự án do Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư, liên danh nhà thầu gồm Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn và Cienco 1 thi công.

XUÂN TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn