Hợp đồng ký trước, giấy phép cấp sau
Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 38 đoạn từ cầu Yên Lệnh (Hưng Yên) đến nút giao Vực Vòng (Hà Nam) có chiều dài toàn tuyến khoảng 12,4 km, trong đó đoạn trùng với tuyến cũ khoảng 4,2 km. Tổng mức đầu tư là 833,258 tỷ đồng.
Theo tư liệu, dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư lần đầu năm 2000 với tổng mức đầu tư 360,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 30% - 40%, còn lại đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Tháng 8/2001, Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư điều chỉnh lên hơn 338 tỷ đồng, nguồn vốn thực hiện dự án theo cơ chế BOT riêng.
Đến tháng 9/2014, Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc đầu tư cải tạọ, nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng trên cơ sở bổ sung hợp đồng dự án BOT cầu Yên Lệnh và sử dụng trạm thu phí cầu Yên Lệnh đang thu phí để hoàn vốn đầu tư.
Vào tháng 10/2014, Bộ Giao thông vận tải bổ sung dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 38 đoạn từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng với tổng mức đầu tư hơn 833 tỷ đồng. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, 2 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Theo hợp đồng, thời gian thu phí trong 16 năm.
Để có vốn thực hiện dự án, tháng 6/2015, Tổng công ty Thăng Long và Cienco 4 đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Á Châu khu vực phía Bắc.
Tưởng như mọi việc “thông đồng bén giọt” thì mới đây, kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cho thấy dự án này đã tổ chức ký kết hợp đồng mà không hề có giấy phép đầu tư.
Cụ thể, tháng 5/2002, hợp đồng BOT giữa ba bên Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam và Liên danh Tổng công ty xây dựng Thăng Long - Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) được ký kết.
Hợp đồng ký được cả năm trước nhưng phải đến ngày 8/4/2003, Bộ Kế hoạch và đầu tư mới cấp giấy phép đầu tư cho Công ty TNHH BOT Cầu Yên Lệnh thực hiện đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo thanh tra bộ, việc này không đúng với Nghị định số 77/CP ngày 18/7/1997 của Chính phủ.
Đội vốn
Cùng với đó, kết luận thanh tra cũng chỉ ra sai sót của chủ đầu tư khi tính phương án tài chính sai 148 tỷ đồng.
Cụ thể, phương án tài chính đã tính sai một số nội dung về nguồn thu, chi phí khiến giá trị bị đội lên so với thực tế.
Theo đó, phương án tài chính trong hợp đồng BOT đã tính thuế thu nhập doanh nghiệp mức 6% giá trị thu phí. Mức thuế được áp dụng này là chưa phù hợp vì theo quy định, thuế suất là 10%, nhà đầu tư được miễn 4 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% thuế cho 9 năm tiếp theo.
Chính mức thuế áp dụng chưa phù hợp đã khiến cho giá trị thuế thu nhập doanh nghiệp theo thực tế phải giảm trừ so với phương án tài chính trong hợp đồng đã ký là hơn 119,6 tỷ đồng.
Thứ nữa, hơn 15,8 tỷ đồng lãi vay trong thời gian xây dựng và phí bảo toàn vốn, cùng khoản thuế giá trị gia tăng đầu vào nhà đầu tư được hoàn cũng chưa được cập nhật trong hợp đồng BOT.
Cùng với đó, quá trình thanh tra cũng phát hiện giá trị sửa chữa đường dẫn của dự án là gần 3,4 tỷ đồng năm 2012 mới phát sinh, nhưng phương án tài chính trong hợp đồng BOT lại tính nhầm dòng tiền chi từ năm 2005.
Các sai sót này đã gây ảnh hưởng đến chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng và thời gian hoàn vốn toàn dự án.
Trước đó, trả lời báo chí liên quan đến hoạt động thu phí BOT đang gây nhiều bức xúc trong dư luận, ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán nhà nước - cho biết sẽ thanh tra, kiểm tra hàng loạt dự án BOT khác trong năm 2017, đồng thời sẽ kiến nghị cho phép người dân được “quyền lựa chọn” đi đường thu phí hoặc đường không thu phí.
Cũng theo ông Phớc, qua công tác kiểm toán, cơ quan này đã kiến nghị giảm thời gian thu phí ít nhất năm năm so với hợp đồng của nhiều dự án BOT.
Bình luận