Hai dự án có sai phạm là Dự án BOT mở rộng QL14 đoạn Pleiku (km 1610) - Cầu 110 (km 1667+570) do Công ty Cổ phần BOT & BT Đức Long Gia Lai là doanh nghiệp dự án và Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 14 đoạn km 1793 + 600 - km 1824 do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng lắp đặt công trình Toàn Mỹ 14 (Công ty Toàn Mỹ 14) là doanh nghiệp dự án.
Làm một đằng, tính tiền một nẻo
Sai sót lớn nhất ở cả hai dự án, theo đơn vị kiểm toán, là việc xác lập chỉ tiêu trong phương án tài chính có nhiều điểm không phù hợp, thậm chí bị coi là cẩu thả, khiến tổng vốn đầu tư bị đội lên bất thường.
Theo đó, tại dự án do Đức Long Gia Lai đầu tư, việc xác định lưu lượng xe làm cơ sở tính toán các chỉ tiêu doanh thu thu phí dựa trên số liệu đếm xe được thực hiện vỏn vẹn trong 3 ngày tại 2 vị trí không mang tính điển hình cao để nội suy ra con số của cả năm. Trong khi đây là thông số quan trọng bậc nhất để lên phương án và xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Kiểm toán nhà nước kết luận, việc nội suy như vậy là phiến diện, chưa sát thực tế, không xét đến đặc điểm kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên: thời tiết hai mùa mưa và khô, có mùa thu hoạch nông sản riêng trong năm.
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư sử dụng trong tính toán hoàn vốn của dự án bao gồm cả khoản thuế giá trị gia tăng đã được hoàn 191,5 tỷ đồng… là chưa phù hợp. Theo cơ quan kiểm toán, những sai sót này dẫn tới hệ quả trực tiếp là bài toán hoàn vốn không chính xác, thời gian hoàn vốn bị kéo dài.
Chưa dừng ở đó, dự án này chủ đầu tư còn bị phát hiện chi gần 4,5 tỷ đồng để mua xe sang trái quy định (dự định tính cả vào phần kinh phí hoàn vốn).
Khi phát hiện những sai sót trên, cơ quan kiểm toán đã rà soát các chỉ tiêu để chạy lại phương án tài chính. Kết quả, thời gian hoàn vốn dự án chỉ còn 13 năm 1 tháng 5 ngày (giảm 7 năm 2 tháng 27 ngày so thời gian hoàn vốn tạm tính tại hợp đồng BOT ban đầu).
Tại một dự án BOT khác nằm trong kế hoạch mở rộng QL14, cơ quan kiểm toán cũng phát hiện những sai sót tương tự, thậm chí khủng khiếp hơn.
Cụ thể, tại dự án BOT đoạn km 1793 + 600 - km 1824 do Công ty Toàn Mỹ 14 làm doanh nghiệp dự án, sau khi rà soát, chạy lại phương án tài chính thời gian hoàn vốn chỉ còn chưa tới 50% mức thời gian so với tính toán ban đầu.
Theo đó, hợp đồng ban đầu xác định thời gian hoàn vốn được tạm tính là 21 năm 7 tháng 20 ngày, tuy nhiên, sau kiểm toán, thời gian thu phí hoàn vốn tại dự án này chỉ còn 9 năm 3 tháng 28 ngày.
“Soi” là lộ sai phạm
Trong thời gian qua, hàng loạt kết luận được cơ quan kiểm toán công bố cho thấy, hầu hết các dự án BOT đường bộ đều có vi phạm trong việc tính toán chi phí.
Tại dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế do Công ty TNHH Trùng Phương thực hiện, Kiểm toán nhà nước phát hiện chủ đầu tư thanh toán sai khối lượng khoảng 23 tỷ đồng và sai định mức, đơn giá hơn 3,3 tỷ đồng. Cùng với đó, trong 234,5 tỷ đồng giá trị hợp đồng chưa thực hiện, kiểm toán cũng chỉ ra hơn 9,9 tỷ chênh lệch sai khối lượng.
Tương tự, tại dự án xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia, Quốc lộ 1A tỉnh Thừa Thiên Huế, trong khi doanh nghiệp dự án cho biết tính đến hết 2015 đã bỏ ra hơn 938 tỷ đồng đầu tư song, theo cơ quan kiểm toán, con số thực tế được chấp nhận chỉ là hơn 927 tỷ đồng, thấp hơn 11,2 tỷ đồng so với con số báo cáo.
Nguyên nhân “đội vốn” theo đơn vị kiểm toán, là do công tác nghiệm thu chưa rà soát kỹ lưỡng nên chưa phát hiện được tồn tại ở bước thiết kế và dự toán dẫn tới thanh toán chưa đúng thực tế thi công, đơn giá thanh toán vẫn áp dụng theo dự toán được duyệt dẫn tới sai lệch về chi phí với số tiền kể trên. Cũng ở dự án này, kết quả kiểm soát còn phát hiện doanh nghiệp dự án tính toán sai khối lượng hơn 13,5 tỷ đồng, sai đơn giá hơn 1,8 tỷ đồng, sai khác là gần 11 tỷ đồng.
Theo cơ quan kiểm toán, những sai phạm kể trên trong các dự án BOT giao thông cần phải được chấn chỉnh, khắc phục, tránh tình trạng người dân phải è đầu chịu phí không đúng thực tế.
Bình luận