Tận thấy những vạt hoa thuốc phiện tím ngắt, quả được chích nhựa ngả mầu nâu đen mới thấy chính sách cấm trồng cây thuốc phiện của chính quyền chưa thể vượt qua được những vách cao, vực thẳm nơi cao nguyên này.
Sau nhiều đêm hầu rượu dân anh chị có số má ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, chúng tôi được mách lối để tìm ra “thủ phủ” trồng cây thuốc phiện. Họ bảo rằng, mùa này dùng ngâm rượu là tốt nhất, bởi cây có đủ thân, rễ, lá, hoa và quả.
Cậy nhờ "dân 06"
Từng lên công tác vùng Tây Bắc nhiều lần, chúng tôi đã biết về rượu ngâm cây thuốc phiện. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đi truy tìm nguồn gốc xuất xứ đều nhận được một câu trả lời: Cây trồng trong núi sâu, đi lại rất khó khăn. Còn hỏi đường vào họ khuyên rằng: Đừng dại mà vào những nơi đó, đường đi vào thì dễ nhưng ra rất khó, thậm chí mất mạng.
Sau nhiều lần dò hỏi, chúng tôi tìm ra được khu vực trồng cây thuốc phiện có thể đột nhập. Như đã hẹn với Gi (một người bản địa nắm rõ nơi trồng thuốc phiện) ở huyện Mộc Châu. Có mặt tại đây, tôi đặt vấn đề: “Anh đang cần mua cây thuốc phiện về ngâm rượu bán nhưng phải lấy cây đang trồng tại vườn, chú tìm mối giúp. Chỗ anh, em tiền công trả sòng phẳng”.
Nghe vậy, Gi bảo: “Tưởng gì, chuyện này em lo được. Tối nay, em họp "anh em 06" làm bữa rượu thì chuyện gì cũng ra hết. Nhưng em cũng nói trước, bọn em chỉ lối, mách đường cho anh vào, còn việc anh mua thế nào do anh tính toán, em không động đến. Như anh đã biết, dính đến “món” này, ít thì vài tháng, nhiều vài năm ngồi trong trại giam”.
Đường vào thung lũng Nà Ka |
Nhờ sự sắp đặt của Gi, đêm hôm đó, chúng tôi hầu hầu rượu "dân 06" ở thị trấn Nông trường Mộc Châu gần đến sáng. Cuộc nhậu tàn canh, chúng tôi có được một số địa điểm hiện đang trồng cây thuốc phiện tại huyện Mộc Châu như bản Phiêng Cành, Tả Phìn xã Tân Lập và bản Pa Khen (thị trấn Nông trường Mộc Châu).
Sáng hôm sau, từ thị trấn Nông trường Mộc Châu, Gi làm “hoa tiêu” dẫn chúng tôi theo con đường vào xã Tân Lập chừng 20 km. Tại đây, Gi dẫn chúng tôi vào "ra mặt" Tr (đại ca một thời ở Mộc Châu nhưng nay đã quy ẩn), nhờ Tr đứng ra “bảo kê”. Khi nghe tôi đặt vấn đề, Tr mắng luôn: “Các chú có bị điên không đấy?
Tìm được chỗ mua cây thuốc phiện đã khó, đừng nói đến chuyện vào nơi trồng đưa nó ra. Các chú toàn người lạ, mọi người ở đây không ai nhận lời dẫn đường đâu, còn tự đi tìm thì giữa rừng sâu biết đâu mà lần. Thôi ăn bữa cơm, uống chén rượu với anh rồi cuốn gói về Hà Nội cho sớm”.
Mặc cho Tr ngăn cản, chúng tôi quyết tâm vào “thủ phủ” trồng cây thuốc phiện bằng được. Ngăn mãi không xong, Tr đành mách lối: “Việc đầu tiên, các chú vào bản Phiêng Cành, xã Tân Lập. Từ trước đến nay, nơi đây trồng cây thuốc phiện nhiều, tình trạng buôn bán để ngâm rượu thường diễn ra. Vào đó tìm gặp những tay thợ săn và mạnh tay “vung tiền” may ra có người nhận lời".
Để vào được nơi trồng thuốc phiện trên đỉnh Nà Ka phải vượt qua những vách đá dựng đứng |
Bẫy và chết chóc rình rập
Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường vào bản Phiêng Cành. Chúng tôi hỏi mua cây thuốc phiện, trăm người như một nói "chí pâu" (không biết). Lân la đến chiều, chúng tôi cũng tìm đến nhà H (một tay thợ săn). Khi hỏi về cây thuốc phiện, H lắc đầu. Tôi bảo với H muốn mua một ít về chữa bệnh, mong anh làm ơn giới thiệu chỗ. H liền nói: “Tôi không biết đâu, các chú đi nơi khác mà hỏi”.
Mặc dù chúng tôi đã nói đủ cách nhưng H không mách lối. Nhớ lời Tr dặn, chúng tôi liền ngã giá. Nghe vậy, H bảo: “Mỗi ngày dẫn đi 500 ngàn đồng, tôi sẽ đưa vào nơi trồng rồi các chú ăn trộm đưa về. Chỗ gần nhất cả đi, cả về gần 2 ngày, còn chỗ xa đi 3-4 ngày, hôm nay nghỉ lại ngày mai lên đường”.
Từ sáng sớm, H đã đánh thức chúng tôi dậy chuẩn bị lên đường, vừa bước ra khỏi nhà, H dặn: “Trên đường đi có gặp ai hỏi thì bảo lấy phong lan, đừng tiết lộ là vào vườn trồng thuốc phiện”.
Sau 4 giờ đồng hồ, hết lên rồi xuống qua những vách đá cheo leo, chúng tôi có mặt tại thung lũng Nà Ka. H dẫn chúng tôi về phía Tây thung lũng, đi chừng gần 1 km ngay dưới đỉnh núi cùng tên xuất hiện một vườn cây thuốc phiện rộng chừng 200 m2 trồng xen với rau cải.
Tuy nhiên, cây đã ra quả hết, trên quả những vết chích nhựa đang đóng thành cục màu nâu đen. Thấy vậy, tôi bảo H: “Bọn em muốn lấy loại cây có đủ thân, lá, rễ, hoa và quả, ở đây không còn hoa lấy làm gì. Bài thuốc bắt buộc phải đủ vị thì mới chữa khỏi bệnh”. H liền giải thích: “Bữa nay cuối mùa rồi, hầu hết cây đã cho quả, như loại này đã lấy nhựa hai lần rồi. Muốn lấy loại có hoa, vậy đi tiếp thôi”.
Hoa thuốc phiện vào mùa vẫn nở trên đỉnh núi Nà Ka |
Từ chân núi, chúng ta sẽ men theo con đường độc đạo một bên là những vách đá dựng đứng, một bên vực sâu. Do đó, tay phải bám thật chặt, chân trụ thật vững, nếu sảy là chỉ có nhặt xác mang về. Đặc biệt dọc đường sẽ không tránh khỏi những người trồng thuốc phiện đặt bẫy.
Ở những điểm nguy hiểm, bọn chúng sẽ gác cây cưa gần đứt, nếu mình không để ý khi đi trên sẽ gãy và rơi xuống vách đá. Có những bẫy bọn chúng làm bằng dây rồi treo đá trên cao, mình dẫm phải sẽ rơi trúng người.
Quãng đường với cái chết luôn rình rập nhưng chúng tôi chinh phục xong. Tại đây, có một thung lũng rộng chừng 2000 m2 trồng cây thuốc phiện xen lẫn với rau cải. Có những cây đang ra hoa, cây cho quả được chủ nhân chích nhựa.
Ở đây, năm nào công an xã, huyện cũng đi triệt phá nhưng hiếm khi bắt được chủ nhân những loại cây này.
Chúng tôi đột nhập đúng thời điểm cuối mùa thuốc phiện nên cây đã cho quả, tuy nhiên vẫn còn một ít cây đang nở hoa. Quả thuốc phiện được cứa chi chít và những giọt nhựa đã đóng thành cục. Tại đây, thuốc phiện được trồng xen với rau cải.
Một điểm trồng thuốc phiện ở thung lũng Nà Ka xen lẫn với rau cải |
Theo ghi nhận của chúng tôi, để có khu đất trồng cây thuốc phiện gần 2.000 m2 này những chủ nhân của nó đã chặt phá nhiều cây gỗ lớn. Trên khoảng đất ấy, có nhiều cây gỗ đường kính một người ôm không xuể nằm ngổn ngang đã bị đốt cháy sém.
Thấy chúng tôi chăm chú vào việc ghi hình, không lấy trộm cây thuốc phiện, H lên tiếng: “Các chú không lấy thuốc phiện à?”. Tôi trả lời: “Em sợ rồi, lỡ mang ra gặp chủ vườn thì bỏ mạng mất! Em không làm liều nữa, mình rút thôi”. Nghe vậy, H trấn an: “Tưởng các chú lấy mới sợ, còn không lấy chẳng ai đánh, giết mình đâu”.
Vừa đi, H chia sẻ: Mặc dù, Nhà nước đã cấm nhưng ở vùng này cây thuốc phiện được trồng lén lút. Mỗi năm vào tháng 9 - 10, người ta bắt đầu trồng cho đến tháng 3 năm sau thu hoạch. Khi quả thuốc phiện đến độ chín thì dùng dao lam hoặc dao găm nhỏ rạch thật khéo xung quanh mỗi quả từ 4 đến 5 đường.
Rạch lấy nhựa phải thật khéo tay, nếu rạch sâu quá thì nhựa sẽ chảy vào phía trong. Khi cạo lấy nhựa phải đúng mạch thì sẽ cho nhựa nhiều; nhựa quả thuốc phiện chảy xuống đọng dưới cuống và kết dính lại thành màu nâu đen. Trước đây, họ chỉ lấy nhựa, sau đó làm giống nhưng nay thu nhựa xong, cây được tận thu hết. Lá, thân, rễ, hoa và quả đều có thể bán lấy tiền.
Dễ dàng vơ cả đống cây thuốc phiện |
Sau nhiều ngày đột nhập “vựa” cây thuốc phiện, ngày 13/3/2013, chúng tôi trao đổi với ông Đặng Văn Mình, Chủ tịch UBND xã Tân Lập về việc tái trồng thuốc phiện trên địa bàn xã, ông Mình thừa nhận việc này là có.
Ở xã có bản Phiêng Cành và Tả Phìn vẫn lén lút trồng nhưng diện tích chỉ vài trăm mét vuông. Mỗi năm, từ đầu vụ, chính quyền xã đã đến từng bản nhắc nhở mọi người, ký cam kết từng hộ gia đình không trồng thuốc phiện nữa.
Khi chúng tôi mang những thông tin, hình ảnh ghi lại được cho vị chủ tịch xã xem, ông Mình liền bác bỏ: “Địa phương không có nhiều thuốc phiện đến thế, việc trồng thuốc phiện chỉ có một số người nghiện lâu năm nên trốn vào rừng sâu trồng lén lút nhưng diện tích rất nhỏ”.
Còn ông Hà Văn Huynh, Trưởng công an xã Tân Lập, khi xem xong những hình ảnh, cho rằng: “Trên địa bàn Tân Lập không có diện tích nhiều đến vậy. Ngày 7/3 vừa rồi, xã lập đoàn công tác đi xoá bỏ và phát hiện địa bàn trồng hơn 100 m2 trong núi Bãi Lau.
Sau đó, xã tiến hành xoá tận gốc. Hình ảnh các anh cung cấp thì tôi khẳng định vùng đất này thuộc về tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu, chứ không phải của xã Tân Lập”.
Lý giải việc tái trồng cây thuốc phiện ở địa bàn xã Tân Lập, ông Huynh và ông Mình đều chung một quan điểm rằng: Hiện ở xã có một số người già nghiện lâu năm nhưng không bỏ được. Do đó, đến mùa, họ vào tận rừng sâu khai phá đất rồi lén lút trồng. Số người nghiện này được đưa đi cai nhưng tình trạng sức sức khoẻ yếu, buộc phải trả về và chính quyền xã hết “thuốc chữa”.
Qua theo dõi, vào tháng 10/2012, Công an huyện Mộc Châu đã tiến hành khám xét và thu giữ 12 kg cây thuốc phiện khô và 10kg hạt. Hiện Hưng đang nhận án 24 tháng tù giam”.
Để xác định vườn cây thuốc phiện chúng tôi “đột nhập” thuộc xã nào quản lý, chiều ngày 14/3, PV NNVN trao đổi với ông Đào Văn Đệ, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Mộc Châu, khi PV hỏi về khu vực núi Nà Ka thì vị chủ tịch này còn không rõ thuộc của xã nào.
Chúng tôi cho xem những hình ảnh ghi lại được, ông Đệ mời Trưởng công an thị trấn Nông trường Mộc Châu Đào Xuân Tư để làm việc với PV. Cũng chẳng khác gì vị chủ tịch, ông Tư cũng không biết núi Nà Ka. Để xác minh thông tin, ông Tư bấm máy điện thoại cho công an viên tiểu khu Pa Khen để hỏi.
Cuộc trò chuyện kết thúc, ông Tư cho hay: “Nà Ka thì thuộc đất của thị trấn Nông trường. Tuy nhiên, rừng núi rộng lớn để xác nhận có phải thuốc phiện được trồng trên địa bàn chúng tôi hay không thì phải kiểm tra”.
Nói về tái trồng cây thuốc phiện, ông Tư cho biết: Mấy năm qua việc trồng cây thuốc phiện là có, tuy nhiên chỉ tập trung ở những bản bà con dân tộc Mông sinh sống.
Ông Tư đơn cử: Như ở tiểu khu Pa Khen có hơn 340 hộ dân tộc Mông, hiện có hơn 20 người nghiện lâu năm (trên 70 tuổi hút thuốc phiện). Xã đã nhiều đưa họ đi cai nghiện nhưng tình trạng sức khoẻ yếu, do đó, số người này thường vào rừng sâu lén lút trồng. Hằng năm, chính quyền cũng đã mạnh tay xoá bỏ nhiều diện tích.
Ngay khi chúng tôi cung cấp thông tin, hình ảnh về việc người dân vẫn trồng cây thuốc phiện, một tổ công tác gồm 16 người thuộc thị trấn Nông trường Mộc Châu đã lên đường kiểm tra, tuy nhiên, họ không phát hiện được kết quả gì. Ông Tư cho rằng, vùng đất đó "có lẽ thuộc xã Tân Lập". Trong khi đó, công an xã Tân Lập lại nói, vùng đất đó thuộc về thị trấn Nông trường Mộc Châu.
TheoNông nghiệp Việt Nam
Bình luận