Do từng mắc COVID-19, chị Thanh cho rằng sức khỏe bị ảnh hưởng của hội chứng hậu COVID. Chị đến bệnh viện khám nhưng các kết quả chụp phổi, xét nghiệm bình thường. Vài ngày sau, khi mí mặt sụp xuống, chị lại đi khám mắt. Bác sĩ kết luận thị lực bình thường và khuyên chị nên đi khám chuyên khoa thần kinh.
Càng về sau, tay chị yếu dần, lúc nào cũng xụi lơ. Buộc tóc, bế con, nấu cơm, chị không còn làm được. Mắt mờ vì sụp mí nặng. Cuộc sống ảnh hưởng nghiêm trọng. Tháng 4/2022, chị đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả, chị mắc bệnh nhược cơ, một chứng bệnh tự miễn.
“Tôi suy sụp, vốn đã bị lupus nay lại thêm bệnh nhược cơ. Ngày nào quên uống thuốc là không nhai được cơm, không làm được việc gì. Mấy tháng qua, tôi chỉ ở nhà, chăm sóc con cái cũng khó khăn”, chị nói.
Theo bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, bệnh nhược cơ là một bệnh tự miễn tương đối hiếm gặp, với tình trạng rối loạn sự dẫn truyền thần kinh - cơ, do kháng thể của hệ miễn dịch tấn công lên thụ thể acetylcholin (thụ thể dẫn truyền thần kinh) trên màng tế bào cơ của cơ thể.
Hậu quả là cơ không tiếp nhận đầy đủ các tín hiệu thần kinh và trở nên suy yếu.
Dấu hiệu của bệnh chủ yếu là yếu cơ nhưng có nhiều mức độ: yếu một cơ hoặc nhiều cơ, cơ mắt, hầu họng, mặt, tay chân, thân người. Giai đoạn đầu, người bệnh có thể không nhận ra nhưng càng về sau sẽ càng rõ nét và nặng hơn. Người bệnh thậm chí còn gặp tình trạng nhìn một thành hai (song thị).
Yếu cơ có tính dao động trong ngày: thường cải thiện sau khi nghỉ ngơi và nặng lên về chiều. Tất cả các cơ vân trên cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng nhưng thường gặp nhất là cơ nâng mi (gây sụp mi), cơ hầu họng (gây nuốt khó), cơ hô hấp (gây khó thở), cơ tay chân (gây yếu tay chân).
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nữ chủ yếu dưới 40 tuổi và nam trên 60 tuổi. Tuy nhiên, tần suất gặp ở nữ gấp đôi nam giới.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, bệnh nhược cơ có thể trở nặng gây nuốt khó, nguy cơ hít sặc cao, gây suy hô hấp và thở máy kéo dài, đe doạ tính mạng người bệnh. Các thống kê cho thấy, có khoảng 20-30% người bệnh bị trở nặng nhược cơ một lần trong đời.
Nhược cơ nặng thường do yếu tố thúc đẩy như nhiễm trùng, stress, giảm liều thuốc ức chế miễn dịch nhanh, sau chủng ngừa, do thuốc... Tuy nhiên, cũng có khi là diễn tiến tự nhiên của bệnh. Người bệnh nhược cơ nặng bắt buộc phải nhập viện để được điều trị tích cực.
Việc chẩn đoán bệnh nhược cơ dựa vào hỏi triệu chứng, thăm khám lâm sàng và khảo sát điện cơ, xét nghiệm kháng thể liên quan. Người bệnh sau khi được chẩn đoán bệnh nhược cơ cần khảo sát thêm CT hoặc MRI để khảo sát u tuyến ức hay tồn lưu tuyến ức, giúp hỗ trợ điều trị liên quan phẫu thuật cắt u hay nạo vét tồn lưu tuyến ức.
Về điều trị, bệnh nhược cơ có thể kiểm soát hiệu quả bằng các liệu pháp như: sử dụng thuốc kháng men cholinesterase, điều hòa miễn dịch nhanh, ức chế miễn dịch kéo dài và phẫu thuật cắt tuyến ức.
Vì thế, người bệnh khi có các triệu chứng của nhược cơ cần đến các cơ sở y tế thăm khám sớm. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp mang tính cá nhân hóa với mỗi người.
Bình luận