• Zalo

Đông Nam Á tăng tốc tiêm vaccine phòng COVID-19

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 13/06/2021 08:19:12 +07:00Google News
(VTC News) -

Số ca COVID-19 gia tăng ở một số quốc gia Đông Nam Á khiến nhu cầu tiêm chủng ngày càng trở nên cấp thiết, nhiều nước trong khu vực đang tăng tốc tiêm vaccine.

Năm 2020, một số quốc gia Đông Nam Á nằm trong số những nước đi đầu trong phòng chống đại dịch COVID-19 vì nhờ phản ứng khéo léo; nhưng giờ đây họ đang phải chiến đấu với tình trạng dịch bệnh bùng phát trở lại.

Tuy số ca bệnh vẫn còn thấp so với các điểm nóng như Ấn Độ và Brazil, chính phủ một số nước trong khu vực vẫn bắt đầu kế hoạch phong tỏa và tăng cường xét nghiệm.

Đông Nam Á tăng tốc tiêm vaccine phòng COVID-19 - 1

Người dân chờ tiêm vaccine ở Malaysia. (Ảnh: Reuters)

Đông Nam Á cũng tăng tốc tiêm chủng bằng cách triển khai chiến dịch nâng cao nhận thức và khuyến khích cộng đồng, điều chỉnh sai sót về chính sách, mở rộng quy mô tiêm chủng. Tất cả nhằm bảo vệ người dân và mở cửa lại những nền kinh tế đang bị tàn phá bởi đại dịch.

"Đông Nam Á đã làm một công việc tuyệt vời trong đợt dịch đầu tiên, nhưng khi mọi người hạ thấp cảnh giác, virus đã có cơ hội hoành hành. Nay dù các chính phủ đã cố gắng tăng cường chiến dịch tiêm chủng nhưng ngoại trừ Singapore, họ vẫn còn một chặng đường dài phải đi" - Tiến sĩ Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), nói với The Straits Times.

Singapore hiện là quốc gia đi đầu trong khu vực về tiêm chủng phòng COVID-19, với hơn 30% dân số đã được tiêm đầy đủ. Trẻ em từ 12 tuổi cũng được tiêm chủng và các hạn chế chống dịch có thể được nới lỏng từ thứ Hai (14/6).

Nhiều quốc gia láng giềng khác mới chỉ tiêm được cho chưa đến 10% dân số và đều đang có các biện pháp khác nhau để tăng tốc tiêm chủng. 

Indonesia, nơi đã tiêm hơn 30 triệu mũi chủ yếu cho người già, nhân viên y tế, những người khuyết tật - cho phép người già đến bất kỳ cơ sở được chỉ định nào để tiêm mà không cần đăng ký trước. Người trẻ cũng được tiêm luôn nếu họ giúp đưa người từ 60 tuổi trở lên đi tiêm chủng.

Indonesia đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật để giúp nước này trở thành trung tâm sản xuất vaccine COVID-19 trong khu vực.

Malaysia, quốc gia đang trong giai đoạn phong tỏa mới sau khi ghi nhận số ca mắc bệnh và tử vong cao kỷ lục trong những tuần gần đây, đã mở các trung tâm tiêm chủng lớn để tiêm cho khoảng 8.000 người mỗi ngày. Nhiều xe tải vaccine được đưa đến những khu vực mà người dân khó đến điểm tiêm chủng.

Gần 4% dân số Malaysia - tổng cộng 1,22 triệu người hiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ nước này cho biết 16 triệu liều vaccine sẽ được cung cấp trong hai tháng tới.

Đông Nam Á tăng tốc tiêm vaccine phòng COVID-19 - 2

Người dân tiêm vaccine COVID-19 ở Indonesia. (Ảnh: EPA-EFE)

Thái Lan đặt mục tiêu 500.000 mũi tiêm mỗi ngày từ tháng này, gấp 5 lần so với mức trung bình hàng ngày trước đó. Họ đã công bố kế hoạch mở cửa khu du lịch Phuket vào tháng 7 cho những khách du lịch đã được tiêm phòng đầy đủ.

Chính phủ Thái Lan cũng đã cho phép các tổ chức hành chính tư nhân và địa phương mua vaccine COVID-19, nhưng phải thông qua các cơ quan được phê duyệt như Viện Vaccine Quốc gia và Hiệp hội Chữ thập đỏ Thái Lan.

Campuchia huy động quân đội để tiêm chủng cho công dân. Người thứ 1 triệu cùng người thứ 2 triệu được tiêm chủng đều được nhận 2.446 USD.

Lào cấm các tổ chức tư nhân mua vaccine COVID-19 trước các phàn nàn về bất bình đẳng trong nước.

Philippines mở rộng chương trình tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi, các công ty tư nhân được phép mua vaccine cho công nhân của mình. Để giúp củng cố niềm tin vào chương trình vaccine và giải quyết tâm lý do dự khi tiêm vaccine, những người nổi tiếng tại địa phương công khai quá trình tiêm chủng của họ. Một số thành phố và thị trấn áp dụng nhiều cách thức thu hút dân đi tiêm, từ cung cấp gia súc, đất đai đến tài sản.

Đông Nam Á tăng tốc tiêm vaccine phòng COVID-19 - 3

Một trung tâm tiêm chủng ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: Bloomberg).

Trong khi nỗ lực tăng cường tiêm chủng, các quốc gia Đông Nam Á vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu là về nguồn cung cấp vaccine. Các nhà phân tích uớc tính rằng khu vực này sẽ cần khoảng 1,4 tỷ liều cho toàn bộ dân số hơn 650 triệu người. Đây là thách thức lớn vì nhu cầu vaccine toàn cầu cũng đang vượt xa nguồn cung.

Một số quốc gia hiện chỉ mới nhập được những lô vaccine đầu tiên. Timor Leste chỉ mới nhận từ COVAX 24.000 liều AstraZeneca vào ngày 5/4, 100.000 liều Sinovac từ Trung Quốc vào ngày 7/6.

Phương Anh(Nguồn: Straits Times)
Bình luận
vtcnews.vn