Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10/6 đã công bố Mỹ sẽ mua và quyên góp 500 triệu liều vaccine Pfizer để hỗ trợ cho chiến dịch tiêm chủng chống lại đại dịch COVID-19 của thế giới. Số vaccine này dự kiến sẽ được phân bổ thành từng đợt bắt đầu từ tháng 8/2021 trải dài cho đến năm 2022.
Tổng thống Biden đưa ra thông báo mới trong bối cảnh diễn ra cuộc họp G-7 và Mỹ được kỳ vọng tham gia tích cực hơn vào việc chia sẻ vaccine trên toàn cầu.
Trước đó, Mỹ cũng đã tuyên bố chia sẻ từ nguồn cung cấp quốc gia của mình 80 triệu liều vaccine các hãng Pfizer, Moderna, J&J và AstraZeneca.
Từng bước thực thi kế hoạch đã định
Thông tin tại cuộc họp báo hôm 10/6, bà Gayle Smith, điều phối viên về phản ứng COVID-19 toàn cầu và an ninh y tế của Mỹ cho biết, 500 triệu liều vaccine “là một phần của kế hoạch rộng lớn hơn đã bao gồm cả 80 triệu liều đã được Tổng thống thông báo, và là nỗ lực để các nhà sản xuất có thể cung cấp nhiều (vaccine) hơn trong năm nay”.
Tháng 2/2021, Mỹ công bố các khoản đóng góp với tổng trị giá 4 tỷ USD cho sáng kiến COVAX – liên minh vaccine nhằm phân phối vaccine COVID-19 cho 92 quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Số này bao gồm 2 tỷ USD được quốc hội Mỹ phân bổ tháng 12/2020 và 2 tỷ USD còn lại sẽ được phân bổ trong năm 2021 và 2022.
Với 500 triệu liều vaccine mới thông báo trị giá 3,5 tỷ USD, một số quan chức Mỹ cấp cao cho biết chính quyền Biden sẽ sử dụng 2 tỷ USD đã được hứa quyên góp cho COVAX, cộng với 1,5 tỷ USD trong Kế hoạch giải cứu Mỹ - gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD được ban hành hồi tháng 3.
Phân phối vaccine cho các điểm nóng
Trả lời về thứ tự ưu tiên và cách những liều vaccine COVID-19 này sẽ được phân phối khắp thế giới, bà Smith cho biết vaccine sẽ được phân phối theo nhu cầu xem xét các điểm nóng và đang gặp khó khăn. “Nhu cầu có ở khắp mọi nơi. chúng sẽ được phân bổ cho 92 quốc gia COVAX AMC - các quốc gia cam kết trước - và các quốc gia trong Liên minh châu Phi. Tổng số khoảng 100 quốc gia. Đây là những nước có thu nhập thấp hơn; gặp khó khăn hơn trong việc mua vaccine trên thị trường và trang trải kinh phí”, bà nói.
Vị quan chức Mỹ nhấn mạnh, mục tiêu của kế hoạch là “bao phủ” vaccine.
“Có những phương pháp mà bạn có thể sử dụng để tìm ra cách thu hẹp phạm vi và cơ hội virus nhân rộng và đột biến. Chúng tôi sẽ xem xét những điều đó. Chúng tôi sẽ xem xét các quốc gia xem họ có nguồn cung cấp hay không, họ có thể bổ sung một loại vaccine cụ thể hay không. Vì vậy, sẽ có một số cân nhắc được đưa ra cùng với COVAX và các quốc gia trong khu vực để đảm bảo rằng chúng tôi có được sự phân bổ thông minh nhất”, Smith giải thích.
Không nhằm gây áp lực hay ảnh hưởng
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc Trung Quốc có nên tham gia nhiều hơn vào việc phân phối vaccine cho thế giới hay không, bà Smith cho biết: “Chúng tôi và G7 tin rằng mình có hai vai trò. Một là tạo điều kiện sản xuất số vaccine này, quyên góp chúng, đặc biệt cho các nước không thể mua được. Hai là cung cấp vaccine trên cơ sở không đòi hỏi gì. Đây là những công cụ để kết thúc một đại dịch, không phải công cụ để gây áp lực hay tạo ảnh hưởng".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhấn mạnh số vaccine sẽ được quyên góp mà “không có ràng buộc”. “Chúng tôi làm điều này để cứu người – chỉ thế thôi”, ông nói.
Các cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19 đang “nóng” trở lại gần đây với giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, dù Bắc Kinh đã phủ nhận. Giới khoa học trước đó chủ yếu tin rằng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên.
Bình luận