Trạm thu phí trên Quốc lộ 1 A đoạn qua địa bàn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là trạm thu phí Cai Lậy) chính thức thu phí từ ngày 1/8 là một trong số đó.
Dày đặc, bất hợp lý
Ông Nguyễn Văn Ngoan, một tài xế ở TX. Cai Lậy cho rằng, quy định chiều dài đoạn đường thu phí (tức khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường) tối thiểu phải đạt 70km, tuy nhiên tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy chỉ dài 12 km nhưng đã có trạm thu phí. Mặt khác, đường cao tốc Trung Lương - TPHCM dài gần 50km, thu 40 ngàn đồng đối với xe 7 chỗ trở xuống, nhưng ở đây thu đến 35.000 đồng/xe từ 7 chỗ ngồi trở xuống là quá cao.
Ông Ngoan tính toán, từ TPHCM về miền Tây, phải đóng 40 ngàn đồng/xe 4 chỗ trên tuyến cao tốc TPHCM -Trung Lương. Đi chưa đầy 30 km nữa, tài xế phải đóng tiếp 35 ngàn đồng cho trạm Cai Lậy. Ngoài ra, theo ông Ngoan, vị trí đặt trạm thu phí hết sức bất hợp lý.
Cụ thể, mục tiêu của nhà đầu tư BOT là thu phí xe đi qua đường tránh thị xã Cai Lậy, nhưng trạm lại được đặt trên Quốc lộ 1A, nên nhiều ôtô không đi vào đường tránh Cai Lậy vẫn bị thu phí. Ông Ngoan cũng đề nghị nên dời trạm thu phí này vào đường tránh để thu phí ô tô đi trên tuyến đường này thay vì đặt trên Quốc lộ 1A và thu phí cả xe không đi vào đường tránh như hiện tại.
Tương tự, trạm thu phí T2 trên Quốc lộ 91 thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ, nơi tiếp giáp tỉnh An Giang cũng gây nên sự bất bình của người dân vì thu phí của cả những phương tiện đi trên tuyến đường khác.
Trạm thu phí T2 đặt cách ngã ba Lộ Tẻ - Rạch Giá chừng hơn 100m nhưng thu luôn phương tiện đi theo QL80 về phà Vàm Cống, gây bức xúc cho chủ phương tiện khi cho rằng chỉ sử dụng hơn 100m đường mà phải chịu phí cho toàn tuyến với mức phí 35.000 đồng/lần đối với xe có trọng tải dưới 2 tấn…
Từ giữa tháng 3/2017, sau khi đi thị sát, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Nhật nhìn nhận trạm thu phí T2 thu luôn phương tiện đi từ QL80 sang phà Vàm Cống và ngược lại là chưa hợp lý, cần có hướng khắc phục.
Tuy nhiên, việc khắc phục rất chậm trễ. Lý do chậm khắc phục những bất hợp lý trong thu phí ở trạm T2 là do dự án thu phí được nhà đầu tư xây dựng, phía ngân hàng tài trợ vốn chấp thuận, Bộ Tài chính phê duyệt, nay muốn điều chỉnh thì ba bên phải ngồi lại tính toán, đưa ra phương án phù hợp. Các doanh nghiệp và Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang đã nhiều lần kiến nghị, kêu cứu về sự bất hợp lý tại trạm T2 như đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Trút giận bằng “cơn mưa” tiền lẻ
Nhiều tài xế qua trạm Cai Lậy đã phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ mệnh giá 200 đến 1.000 đồng cuốn tròn bỏ trong chai nhựa để trả phí khi qua trạm.
Trực tiếp thị sát và chứng kiến cảnh tài xế qua trạm sử dụng mệnh giá 200 – 500 đồng để chi trả, ông Nguyễn Văn Nên - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Tiền Giang bức xúc: “Tôi mới ghi nhận 2 trường hợp đưa tiền lẻ khi qua trạm.
Đáng nói là có tài xế đưa tiền bị vo tròn, nhàu nát bỏ vào bọc ni long”. Cũng theo ông Nên, các nhân viên tại trạm thu phí đã cố gắng giải thích và cùng với lực lượng công an đề nghị cho xe qua trạm, đồng thời di chuyển sang làn đường khác để tránh ùn tắc rồi sau đó cho nhân viên đếm tiền, không gây khó dễ.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết, kể từ khi trạm thu phí BOT Cai Lậy đi vào hoạt động đến nay hầu như ngày nào cũng có tình trạng lái xe cho tiền lẻ vào chai nhựa, túi ni lông để trả tiền phí khi qua trạm.
Việc trả phí bằng tiền lẻ đã khiến việc xử lý bị chậm tiến độ, gây ùn tắc xe ở những lúc cao điểm. Trước tình trạng kẹt xe kéo dài, lúc 18g30 ngày 9/8, Chủ đầu tư trạm Cai Lậy đã phải “xả trạm” trong một thời gian ngắn để giải tỏa tình trạng kẹt xe.
Trong khi đó, nhiều tài xế lại cho xe né trạm bằng cách đi vào 2 tuyến đường huyện lộ 63 và 67 (thuộc xã Phú An) gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây.
Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ trong vòng 30 phút sáng 10/8 đã có hàng trăm xe ô tô, xe tải, xe khách lần lượt chạy né trạm thu phí trên Quốc lộ 1A bằng cách cho xe vào đường huyện lộ 63 và 67 qua địa bàn xã Phú An, huyện Cai Lậy để ra đường tránh TX Cai Lậy. Đoạn đường có chiều dài khoảng 5km tính từ quốc lộ 1 đến tuyến tránh thị xã Cai Lậy.
Video: Tài xế dùng tiền lẻ phản đối trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang
Đại tá Trương Văn Sáng – Trưởng công an huyện Cai Lậy cho biết, hai tuyến đường huyện này chỉ cho xe có tải trọng 10 tấn, tuy nhiên có những xe quá tải chạy vào.
“Trước mắt, khu vực huyện lộ 63 – 67 chúng tôi tăng cường các tổ tuần tra để đảm bảo công tác trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến này và phối hợp với TTGT xử các trường hợp xe quá tải đi vào khu vực nói trên. Còn đối với các xe đủ tải trọng thì không thể nào xử phạt được”- Đại tá Sáng thông tin.
Ông Nguyễn Văn Nên - Chánh văn phòng Ủy ban ATGT tỉnh Tiền Giang: Trạm thu phí Cai Lậy nằm trong dự án BOT, tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường QL1 được khởi công năm 2014.
Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài hơn 12 km, xây mới 7 cầu, có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Còn phần bảo trì, tăng cường QL1 đoạn qua Cai Lậy dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng. Việc BOT Tiền Giang thu phí các phương tiện, đặt trạm thu phí trên QL1 là có sự đồng ý từ Bộ Tài chính, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang.
Bình luận