Phần lớn ý kiến phản hồi bài “Nhiều cảnh sát bị sát hại trên đường, sao không thấy công an nổ súng?” đều đồng tình với tác giả rằng cần bổ sung quyền được nổ súng vào những kẻ điều khiển phương tiện tấn công, đe dọa trực tiếp tính mạng người thi hành công vụ.. Những bình luận như “Đồng ý”, “Hoàn toàn nhất trí”, “Rất ủng hộ”… liên tục được độc giả gửi đến.
“Rất đồng ý. Thương cháu Mạnh quá! Loay hoay trên nóc xe hàng km mà chúng quyết không dừng lại. Thật nhẫn tâm!”, độc giả Đàm Thị Kim Lương viết trong sự thương xót khi nhắc đến trường hợp hy sinh của chiến sĩ cảnh sát cơ động Nguyễn Văn Mạnh trên đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang vừa qua.
Nhiều độc giả khác cũng nói về sự cần thiết phải trao quyền nổ súng cho cảnh sát để ngăn những trường hợp tương tự xảy ra. Mạnh Lương viết: “Để trấn áp những tên tội phạm hung hãn hoặc để ngăn những người vi phạm trở thành tội phạm khi chống đối quyết liệt, gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ, cần trao quyền mạnh mẽ hơn cho công an, cảnh sát, và có cơ chế kiểm soát, ràng buộc để các đồng chí không ngại sử dụng quyền đó mà cũng không dẫn đến lạm quyền”.
Ngotrungduong bày tỏ: “Tôi đồng ý pháp luật nên trao quyền mạnh mẽ hơn để cảnh sát, công an giải quyết những vấn đề manh động của bọn tội phạm, tránh những sự việc không đáng có xảy ra, nhưng cảnh sát xử lý mọi tình huống phải thận trọng”.
Minh Hoàng: Tôi thấy rất cần thiết phải làm như thế để đảm bảo cho chính lực lượng thi hành công vụ và người dân vô tội.
Phan Bá Thụy: Manh động quá là điều chúng ta cần lên án. Những hành động xem thường pháp luật thì cần phải bị trừng trị.
Vân Thúy Trần: Nên nổ súng khi cấp thiết để bảo vệ các chiến sĩ giữ bình yên cho nhân dân.
Trần Thế Cường: Tôi rất ủng hộ quan điểm của bài viết, các đồng chí công an làm nhiệm vụ để bảo vệ người dân mà còn bị chúng coi thường tính mạng như vậy, huống chi người dân. Cần mạnh tay và nghiêm khắc với những kẻ điên đó.
Thanh Hai: Quá ủng hộ, đồng tình với quan điểm cảnh sát có quyền bắn người khi có dấu hiệu nguy hiểm.
Nguyễn Quang Thanh: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của tác giả. Trong việc thi hành công vụ, phải đảm bảo được an toàn tính mạng của các lực lượng chấp pháp, có như vậy thì mới giữ được kỷ cương, phép nước. Có luật mà không tổ chức thực hiện nghiêm túc thì sẽ dẫn đến nhờn luật, dễ dẫn đến tình trạng kẻ xấu lộng hành, coi thường người thi hành công vụ.
Bên cạnh việc ủng hộ trấn áp mạnh tay kẻ hung hãn chống đối, độc giả Nguyễn Văn Thi còn lưu ý đến vai trò của các thủ trưởng cơ quan, đơn vị: “Cần phải mạnh tay hơn nữa. Nhưng để mạnh được, phải có sự đồng thuận từ trên xuống dưới. Cụ thể, phải có những văn bản pháp luật quy định về vấn đề này. Phải có lãnh đạo "mạnh", trở thành chỗ dựa cho cấp dưới”.
Một số độc giả cho rằng, hiện lực lượng công an có phần nhẹ tay trong việc trấn áp tội phạm, trong nhiều trường hợp cần được huấn luyện tốt hơn về nghiệp vụ xử lý tình huống. “Công an, cảnh sát Việt Nam quá nhẹ tay trong việc trấn áp tội phạm. Các tội vi phạm bị phạt tiền thì quá nhẹ, như vượt biên trái phép, trốn cách ly thì ít nhất cũng phải phạt 10 triệu đồng, không có tiền thì bắt làm việc công ích. Đối tượng đua xe hay các chủ quán bar vi phạm thường có nhiều tiền, phạt tiền họ không sợ thì phải cho đi cải tạo, bắt nhặt rác, thông cống mới sợ”, Huỳnh Thanh Thủy viết.
Truong Tan Dung nêu quan điểm: “Pháp luật cần phải được thực thi nghiêm minh, lực lượng công an cần phải được trang bị vũ khí, kiến thức, kỹ năng tốt hơn nữa trong việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ người dân và bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình. Nếu bản thân họ không không dám trấn áp tội phạm, không giữ được mạng sống của mình thì khó mà bảo vệ luật pháp và bảo vệ người dân được. Rất mong Nhà nước chú ý trang bị kiến thức nghiệp vụ xử lý tốt tình huống cho những người bảo vệ pháp luật nhiều hơn nữa”.
Bên cạnh đó, nhiều độc giả cho rằng, trong vấn đề này, Việt Nam nên tham khảo quy định pháp luật của các nước trên thế giới để bảo vệ lực lượng cảnh sát khi thi thành công vụ.
Tran Quang Teo: Cần phải có luật cho công an, cảnh sát được nổ súng vào kẻ chống người thi hành công vụ như ở nước ngoài.
Phanhuyhuong: Một ý kiến hay, cần phải nghiên cứu và bổ sung vào luật để bảo vệ tính mạng những người thi hành công vụ phù hợp với tình hình hiện nay và sau này. Tôi thấy ở Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, các hành vi chống đối cảnh sát bị trấn áp, thậm chí có thể bị bắn hạ.
Hoa: Đồng ý, pháp luật Việt Nam phải làm mạnh như nhiều nước để bảo vệ CSGT và người dân.
Nguyễn Hải Dương: Mình ủng hộ, cứ làm như cảnh sát Hàn Quốc, Nhật Bản nếu người vi phạm không chấp hành và gây nguy hiểm.
Quan điểm của bạn thế nào về vấn đề này? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận