Nhiều cảnh sát bị sát hại trên đường, sao không thấy công an nổ súng?

Ý kiếnThứ Hai, 21/09/2020 07:03:00 +07:00
(VTC News) -

Đã xảy ra rất nhiều vụ tấn công, lao thẳng xe vào CSGT gây thương vong, tại sao không thấy công an nổ súng để trấn áp những kẻ chống đối điên cuồng, nguy hiểm này?

Suốt thời gian qua, liên tục xuất hiện những kẻ manh động tấn công, lao xe vào cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động đang làm nhiệm vụ trên đường, gây thương tích, thậm chí chết người.

Ngày 6/3, trên Quốc lộ 3 (Bắc Kạn), một kẻ nghiện ma túy chạy xe máy quá tốc độ không chấp hành hiệu lệnh dừng xe mà lao thẳng vào Đại úy Đặng Văn Hiến làm cảnh sát giao thông này bị thương.

Đêm 11/4, nhóm gần 100 thanh thiếu niên đua xe máy trên Quốc lộ 51 (Đồng Nai), khi có hiệu lệnh dừng xe thì một tên còn tăng ga lao thẳng vào chiến sỹ cảnh sát cơ động Phan Đức Mạnh, khiến anh bị thương rất nặng.

Đêm 26/5, tại huyện Hương Sơn, tỉnh Nghệ An, một tài xế vi phạm sau khi cố thủ trên xe bỗng tăng ga tông thẳng vào Thượng úy Nguyễn Hà Sơn phía trước, khiến anh phải vội nhảy lên capo. Xe tiếp tục lao đi thêm 3km nữa mới chịu dừng lại, anh Sơn bị thương.

Gần đây nhất, chiều 14/9, trên đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, khi bị kiểm tra, tài xế Trần Văn Dũng bất ngờ lao xe vào 3 chiến sĩ công an, hất anh Nguyễn Văn Mạnh lên nắp capo rồi tiếp tục chạy. Chiến sĩ này sau đó ngã xuống đường, bị bánh xe tô chèn qua người và hy sinh.

Nhiều cảnh sát bị sát hại trên đường, sao không thấy công an nổ súng? - 1

Bắt giữ tên Tuyển, phụ lái chiếc xe tông chết cảnh sát Nguyễn Văn Mạnh. (Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến).

Có quá nhiều kẻ vi phạm trở thành tội phạm giết người, gây thương tích như vậy trên đường phố, quá nhiều chiến sỹ công an trở thành nạn nhân của chúng. Những vụ việc đó gây phẫn nộ, đau xót trong dư luận bởi lực lượng bảo vệ sự an toàn cho dân lại dễ dàng bị tấn công trong lúc thực thi nhiệm vụ thông thường. Tần suất xuất hiện nhan nhản những hành vi vô pháp vô thiên, coi trời bằng vung đó là điều không thể chấp nhận trong xã hội văn minh, có nhà nước pháp quyền.

Vì sao chúng không hề chớp mắt khi thực hiện những hành vi dễ đoạt mạng người như thế trong tình huống không thể coi là “chó cùng dứt giậu”? Vì nhiều lý do, trong đó một phần do phản ứng của cảnh sát chưa đủ mạnh. Gặp những kẻ manh động, hung hãn, chống đối quyết liệt như vậy, sao không nổ súng trấn áp? Sự chần chừ, nương tay sẽ có thể đẩy họ vào tình huống nguy hiểm đến tính mạng.

Ở một số nước, cảnh sát được quyền bắn khi có dấu hiệu bị tấn công. Luật pháp Việt Nam cũng quy định một số trường hợp cảnh sát được phép nổ súng vào tội phạm, như khi có kẻ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực… tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ.

Để ngăn chặn những cái chết thương tâm, oan uổng như chiến sỹ cảnh sát Nguyễn Văn Mạnh, có lẽ các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, xem xét bổ sung quyền được nổ súng vào những kẻ điều khiển phương tiện tấn công, đe dọa trực tiếp tính mạng người thi hành công vụ. Như vậy, khi bị yêu cầu dừng xe kiểm tra, không tài xế nào dám thực hiện hành vi lấy mạng người ấy nữa. Nếu có kẻ dám làm do tác động của ma túy hay do cần chạy trốn sau khi phạm tội nặng, quy định này sẽ giúp bảo vệ tính mạng cảnh sát và cả những người dân vô tội nữa. Bởi khi điên cuồng bỏ chạy sau lúc tông cảnh sát, chúng rất có thể gây tai nạn cho người đi đường.

Bản thân các chiến sĩ cảnh sát cũng phải dứt khoát, mạnh tay trấn áp tội phạm khi gặp những kẻ chống đối quyết liệt, hung hãn. Thực tế có những trường hợp, các anh bị tấn công, bị tổn thương vì còn ngần ngại chưa sử dụng hết quyền của mình. Trong vụ tông xe vào cảnh sát trên đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, nếu các chiến sỹ kịp thời bắn vào phương tiện để dừng xe như pháp luật hiện hành cho phép, biết đâu anh Mạnh đã không gặp nạn.

Cảnh sát giao thông là lực lượng thường xuyên gặp trường hợp tài xế cố thủ không xuống. Họ đứng đầu xe cố gắng thuyết phục, rồi khi kẻ vi phạm bất ngờ tăng ga tông thẳng vào mình thì phải nhảy lên bám capo, nguy hiểm muôn vàn. Tại sao phải bất lực, yếu ớt như vậy khi cần trấn áp, dùng sức mạnh luật pháp để cưỡng chế những kẻ chống đối? Hãy xem các clip về cách xử lý của cảnh sát Nhật Bản, Hàn Quốc trong tình huống tương tự: Sau thời gian nhất định dành cho việc giải thích, cảnh sát phá xe, lôi tài xế vi phạm xuống. Nếu chống đối, biện pháp đối phó càng mạnh hơn, không “có cửa” để kẻ đó gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ.

Để bảo vệ pháp luật, bảo vệ an ninh trật tự xã hội và sự bình yên cho nhân dân, bản thân các chiến sỹ công an phải được an toàn và không trở nên yếu thế trước tội phạm. Muốn vậy, các anh phải có quyền và sẵn sàng nổ súng vào những kẻ điên cuồng chống đối, tấn công lực lượng chức năng, như vậy mới đủ sức răn đe.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Mạnh Linh
Bình luận
vtcnews.vn