(VTC News) - Gần một tháng nay, hễ đi ngang qua trường ĐHQG Hà Nội vào buổi chiều tối, người ta lại nghe thấy tiếng sáo du dương, trầm bổng. Điều ngạc nhiên khi tác giả của những bản nhạc này là các bạn sinh viên còn rất trẻ. Họ đến từ nhiều trường lớp, độ tuổi nhưng có chung niềm đam mê mang tên Sáo trúc.
“Thời hoàng kim” của sáo trúc
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi chiều tối thứ 2, 4, 6 và sáng Chủ nhật hằng tuần, các bạn trẻ thuộc câu lạc bộ sáo trúc Đam san.net lại tụ tập trước đài phun nước (ĐHQG Hà Nội) để học sáo.
Trong số các “fan” của sáo trúc không ít những người có thâm niên đến cả chục năm nhưng phần đông chỉ mới làm quen với môn nghệ thuật này trong vòng một năm trở lại. Với các “mem” mới, học sáo trúc không hề đơn giản.
Xem nhạc lý trước khi thực hành. |
Theo Vi Huy Phát (sinh viên trường ĐH Thương mại) thì khó khăn đầu tiên trong học sáo trúc là làm sao để có thể… thổi ra tiếng. Ngay cả khi sáo “kêu” được thì cũng không dễ để chúng “nghe được”.
Huy Phát cũng chia sẻ, sáo trúc là một trong những nhạc cụ có nhiều âm sắc, nốt luyến láy, cao độ. Việc ghi nhớ đã khó khăn, thao tác được để tiếng sáo thổi ra đúng bản nhạc lại là chuyện không đơn giản. Và cuối cùng, cũng là trở ngại lớn nhất với những người nuôi mộng sáo tiêu đó là tính kiên trì. Học sáo tiêu không đơn giản và thực tế là tỉ lệ người rời bỏ cuộc chơi giữa chừng không phải là ít.
"Sáo mèo"- nhạc cụ cho âm thanh độc đáo của người H'mông. |
Sáo 6 lỗ là lựa chọn cho những người mới chơi. Với những tay sáo “lão làng” thì sáo 10 hoặc 16 lỗ mới là đỉnh cao. Theo Đỗ Mạnh Hải (cựu sinh viên trường Trung cấp Tin học TP. HCM), sáo càng nhiều lỗ âm thanh càng hay và tất nhiên sẽ càng khó chơi hơn. Được xem là loại nhạc cụ dành cho tầng lớp sinh viên bình dân nhưng để sở hữu một cây sáo trúc, người chơi cũng phải bỏ ra từ 80 cho tới 250 nghìn đồng.
Hiện tại, số thành viên của Đam san.net đã “phủ sóng” cả nước, dễ tới cả chục ngàn thành viên. Ở Hà Nội, ngoài Đam san.net, diễn đàn tieusao.com cũng thu hút sự quan tâm của hàng trăm bạn trẻ yêu thích nhạc cụ truyền thống này. Và dù được biết đến cách đây đã 5 năm nhưng theo những “lão làng” của sáo trúc sinh viên thì một năm trở lại đây mới thực sự là “thời hoàng kim” của sáo tiêu.
Nặng lòng với nghệ thuật truyền thống
Dù đến từ nhiều nơi với những mục đích có thể không giống nhau nhưng tất cả những thành viên cảu Đam san.net hay tieusao.com đều có chung một niềm đam mê mang tên sáo tiêu.
Đặng Dung thổi một đoạn nhạc làm "mẫu" cho các thành viên khác. |
Với Đặng Dung (sinh viên trường ĐH Thành Đô), sáo trúc không chỉ là một nghệ thuật mà còn là một môn thể thao rất tốt cho sức khỏe, bởi việc học sáo đòi hỏi người chơi phải luyện sự tập trung, hít thở đều và sâu. Không chỉ vậy, với cô, học sáo trúc cũng là một cách để giới trẻ nghĩ về truyền thống.
Dung nhận xét, thể loại nhạc thị trường hiện nay với ca từ ít ý nghĩa và kém sâu sắc có thể khiến thế hệ trẻ quên đi những gì trân quý của âm nhạc dân tộc mà cha ông để lại. Nếu không ai nghĩ về nhạc truyền thống, rất có thể một ngày nào đó nó sẽ mai một và/hoặc mãi mãi biến mất!
Cùng chung suy nghĩ đó, Nguyễn Văn Mão (sinh viên trường ĐH Kiến trúc HN), người từng làm bạn với sáo từ khi lên 8 và là thành viên “gạo cội” của Đam san.net đang cố gắng gây dựng phong trào học sáo tiêu trong sinh viên.
Thử sức với cây tiêu. So với sáo, tiêu "cồng kềnh" và khó chơi hơn. |
Nguyễn Văn Mão hướng dẫn các thành viên cách luyến láy nốt khi thổi. |
Không chỉ giảng dạy cách chơi cho gần 30 thành viên khác, Mão còn tự tay làm ra những chiếc sáo tiêu để tặng hoặc bán với giá “mềm” cho bạn bè.
Với phương châm “người biết nhiều dạy người biết ít-người biết ít dạy người chưa biết gì”, phong trào sáo trúc truyền tay đang nhanh chóng lan rộng trong các trường ĐH, CĐ.
Giờ đây, sáo trúc đã không còn là “của hiếm”. Quan trọng hơn, sự trở lại ngoạn mục của nhạc cụ này còn là sự khẳng định: giới trẻ không quay lưng với nghệ thuật truyền thống!
Lâm Tùng
Bình luận