Truyền hình trả tiền ngày càng trở nên bùng nổ, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá thị trường này sẽ bùng nổ với mức tăng trưởng lên tới hàng tỉ đô khi nhiều "ông lớn" cũng tham gia.
“Bùng nổ” truyền hình trả tiền OTT
Mới đây, tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín Digital Reseach đã công bố báo cáo về dự báo thị trường truyền hình OTT trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2022-2026.
Theo đó, từ năm 2020 đến năm 2026 doanh thu thị trường dịch vụ truyền hình OTT dự báo sẽ tăng trưởng thêm 26 tỉ đô, trong đó Trung Quốc đóng góp 8.4 tỉ đô vẫn thể hiện là quốc gia có ảnh hưởng lớn trong toàn khu vực. Doanh thu dịch vụ truyền hình OTT tại Ấn Độ phát triển mạnh dự đoán tăng gấp 3 đóng góp 4.7 tỉ đô và Nhật Bản đóng góp 4.5 tỉ đô, doanh thu tăng trưởng gấp đôi.
Thị trường truyền hình OTT được phân chia thành các loại hình dịch vụ xem nội dung theo yêu cầu phải trả phí (SVOD), dịch vụ xem nội dung theo yêu cầu có quảng cáo (AVOD) và dịch vụ xem nội dung theo yêu cầu qua giao dịch sở hữu (TVOD). Nhờ có sự suy thoái ở Trung Quốc mà doanh thu dịch vụ SVOD đã vượt qua doanh thu AVOD trong năm 2019. Tuy nhiên, AVOD sẽ phục hồi trên diện rộng từ sau năm 2021, nhưng doanh thu trong tương lai sẽ vẫn thấp hơn SVOD. Doanh thu cho cả AVOD và SVOD sẽ tăng gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2026 tương ứng là 22 tỉ đô la và 28 tỉ đô la.
Tại Việt Nam, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết hiện cả nước có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 13,8 triệu thuê bao phát sinh cước phí hàng tháng. Việt Nam hiện có 5 loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền là: truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình di động và phát thanh truyền hình trên mạng Internet. Trong đó, có tổng cộng 10 triệu thuê bao truyền hình cáp, 200.000 thuê bao truyền hình mặt đất, 1 triệu thuê bao truyền hình số vệ tinh, 1 triệu thuê bao truyền hình Internet và khoảng 480.000 thuê bao truyền hình di động.
Về các kênh, hiện Việt Nam hiện có 87 kênh phát thanh trong nước, 199 kênh truyền hình trong nước và 70 kênh truyền hình nước ngoài đang phát sóng. Thống kê doanh thu năm 2019 của toàn thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam ước đạt 8.600 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện đạt 4.400 tỉ đồng, tăng 5,7% so với con số 4.160 tỉ đồng ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái bất chấp dịch Covid-19. Số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ cũng tăng 27% so với cùng kỳ năm 2019.
Thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho thấy, trong số 35 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ trả tiền, có tới 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình Internet. Đây là dịch vụ giúp đáp ứng xu hướng xem truyền hình trên các thiết bị di động và xu hướng cá nhân hóa nội dung của người dùng.
Đại diện nhà mạng MobiFone (truyền hình MobiTV, truyền hình OTT ON+…) cho biết: “Truyền hình trên mạng Internet (OTT TV, truyền hình OTT) có tốc độ tăng trưởng rất nóng từ cả thuê bao lẫn doanh thu, trong đó doanh thu tăng gấp 5 lần trong khoảng thời gian từ 2017-2019. Hiện cả nước có 35 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó 20 doanh nghiệp là cung cấp dịch vụ truyền hình OTT. Tuy nhiên, con số thực tế thì nhiều hơn do thị trường còn có sự tham gia của rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới như Netflix, Tencent, Baidu…”.
Cạnh tranh gay gắt
Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong thời gian vừa qua, tại Việt Nam, dịch vụ truyền hình trả tiền nói chung và dịch vụ truyền hình OTT nói riêng đã phục vụ tốt nhu cầu thông tin, giải trí của người dân đặc biệt trong giai đoạn cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch bệnh Covid-19.
Đại diện mạng viễn thông VinaPhone, chủ sở hữu thương hiệu Truyền hình MyTV, cho biết: “Nhu cầu giải trí ngày càng tăng cao, đặc biệt giải trí theo yêu cầu, dẫn tới thị trường dịch vụ OTT càng trở nên sôi động. Thị trường truyền hình OTT hiện đang cạnh tranh rất gay gắt, với hàng trăm ứng dụng trong và ngoài nước, từ ứng dụng chính thống cho tới ứng dụng lậu.
Theo doanh nghiệp này, tại thị trường Việt Nam, truyền hình OTT chủ yếu được cung cấp miễn phí với các gói nội dung cơ bản, thu phí với các gói nội dung cao cấp, nhưng nguồn thu chính lại đến từ quảng cáo. Thị trường tuy sôi động là vậy, nhưng phần lớn khán giả Việt Nam lại tìm tới các ứng dụng OTT lậu, xuyên biên giới, khiến các doanh nghiệp Việt khá chật vật trong việc kiếm chỗ đứng trên thị trường.
Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VN Pay TV) cho biết: “Về dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới được các đơn vị nước ngoài có tiềm lực kinh tế tài chính rất mạnh, cung cấp bản quyền và khả năng độc quyền cao với kho nội dung khổng lồ, về phim điện ảnh, phim truyền hình, chương trình truyền hình thực tế, các giải thể thao, giải bóng đá hấp dẫn thế giới như Ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha, Ý, Pháp… Với khối lượng nội dung thông tin xuyên biên giới cung cấp vào Việt Nam, chuyên ngữ tiếng Việt không được xem xét kiểm soát về nội dung đặc biệt là các chương trình phát trực tiếp… sẽ là thách thức và khó khăn về quản lý, biên tập, biên dịch nội dung theo quy trình của Luật Báo chí, Luật Điện ảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan”.
Mặc dù, các Đài phát thanh, truyền hình chủ lực cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước sản xuất đầu tư sản xuất nội dung tuân thủ đầy đủ các quy trình về cấp phép, về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch chặt chẽ theo quy định. Đồng thời làm tốt nghĩa vũ trích nộp ngân sách nhà nước, nộp các loại thuế, phí đầy đủ theo quy định mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp xuyên biên giới lại hoàn toàn chưa thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.
Bình luận