Theo báo cáo về 100 công ty vũ khí lớn nhất thế giới do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa công bố hôm nay (6/12), ngành công vũ khí thế giới gần như miễn nhiễm trước đại dịch COVID-19, khi vẫn tăng trưởng tốt trong năm 2020.
Cụ thể, tổng doanh thu của 100 công ty vũ khí hàng đầu thế giới trong năm 2020 đạt 531 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp nền kinh tế toàn cầu suy thoái trước những tác động tiêu cực từ đại dịch.
Alexandra Marksteiner, chuyên gia phân tích của SIPRI cho biết, bà cảm thấy ngạc nhiên trước số liệu doanh thu của ngành công nghiệp vũ khí thế giới trong năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch.
"Dù IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) cho biết kinh tế toàn cầu suy giảm 3,1% nhưng doanh số bán vũ khí của 100 công ty hàng đầu này vẫn tăng ở mức 1,3%", bà Marksteiner cho biết.
Mức doanh thu này cao hơn cả GDP của Bỉ. Khoảng 54% doanh thu vũ khí thuộc về 41 công ty quốc phòng của Mỹ. Riêng tập đoàn Lockheed Martin bán được hơn 58 tỷ USD vũ khí trong năm 2020, cao hơn cả GDP của Lithuania.
Marksteiner cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ tăng cường hỗ trợ cho ngành công nghiệp vũ khí nước này trong đại dịch, như đảm bảo công nhân các hãng vũ khí được miễn trừ khỏi lệnh phong tỏa vì COVID-19. Họ cũng đưa ra một số đơn đặt hàng để nguồn vốn được chuyển sớm hơn tới các công ty quốc phòng, giúp các tập đoàn này có thêm "bước đệm" về tài chính.
Những tay chơi lớn ở Châu Á
Tiến sĩ Simone Wisotzki, thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Frankfurt (HSFK - được chính phủ Đức tài trợ), nhận định các công ty vũ khí ở những quốc gia mới nổi "ngày càng đóng vai trò quan trọng". Wisotzki đặc biệt chú ý đến ba công ty Ấn Độ nằm trong danh sách 100 doanh nghiệp vũ khí hàng đầu thế giới với tổng doanh số chiếm 1,2%, ngang ngửa với các công ty đến từ Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, các công ty vũ khí Trung Quốc ngày càng thể hiện họ có vị thế nhất trên thị trường vũ khí toàn cầu khi liên tiếp cho ra các dòng sản phẩm mới. Theo SIPRI có ít nhất 5 công ty vũ khí đến từ Trung Quốc đang hưởng lợi từ chương trình hiện đại hóa của quân đội nước này, với doanh thu chiếm 13% mức tổng của 100 hãng vũ khí hàng đầu.
Marksteiner nhận định doanh nghiệp vũ khí Trung Quốc biết cách tận dụng lợi thế từ chế tạo các thiết bị phục vụ mục đích quân sự và dân sự.
"NORINCO, hãng vũ khí lớn nhất Trung Quốc, đồng phát triển một hệ thống vệ tinh và tạo ra doanh thu tương đối lớn từ hoạt động này. Hệ thống vệ tinh đó có thể dùng cho mục đích quân sự và dân sự", bà Marksteiner cho biết.
Còn theo bà Wisotzki ranh giới giữa công nghệ dân sự và quân sự ngày càng trở nên mờ nhạt. Công nghệ thông tin không còn giữ được vị thế tách biệt khỏi ngành công nghệ vũ khí.
Trong báo cáo mới của mình, SIPRI đặc biệt xem xét vai trò ngày càng tăng của các công ty công nghệ trong mảng công nghiệp vũ khí. SIPRI đưa ra ví dụ về thỏa thuận giữa tập đoàn Microsoft và Lầu Năm Góc trị giá 22 tỷ USD nhằm giúp quân đội Mỹ phát triển một thế hệ kính thông minh đa năng hỗ trợ chiến đấu.
Nga đang tụt lại phía sau
Bên cạnh các quốc gia mới nổi, các hợp đồng bán vũ khí của nước có ngành công nghiệp quốc phòng mạnh như Pháp và Nga lại giảm mạnh, trong đó doanh thu của 9 công ty Nga giảm 6,5% so với năm 2019.
Markus Bayer, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Xung đột Quốc tế Bonn ở Đức (BICC), nhận định doanh thu các công ty vũ khí Nga sụt giảm do Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước từng là khách hàng lớn của Nga, đã có năng lực xây dựng các nhà máy sản xuất khí tài riêng.
Chuyên gia này cũng nhắc tới Liêu Ninh – tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được cải hoán từ tuần dương hạm hạng nặng cùng lớp với tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga. Nhưng giờ đây Bắc Kinh đã có thể tự đóng cho mình các lớp tàu sân bay mới.
"Trung Quốc trong 20 năm qua không chỉ bắt kịp Nga về năng lực chế tạo tàu sân bay mà thậm chí còn vượt qua, dù cả hai đều dựa trên công nghệ thời Liên Xô", Bayer nói.
Cũng theo báo cáo của SIPRI, 26 công ty vũ khí châu Âu thu về khoảng 109 tỷ USD trong năm 2020, chiếm 21% trong số 100 công ty vũ khí hàng đầu, trong đó 4 công ty đến từ Đức với gần 9 tỷ USD.
Các Tập đoàn đa quốc gia ở châu Âu, như hãng Airbus, ký được những hợp đồng với tổng trị giá gần 13,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2019. Các chuyên gia của SIPRI nhận định châu Âu ngày càng phụ thuộc vào các công ty vũ khí đa quốc gia.
Bình luận