Bộ Công Thương cho biết, doanh số thương mại điện tử bán lẻ B2C (Business to Customer - từ doanh nghiệp tới khách hàng) năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ lệ người tham gia mua sắm trực tuyến so sánh trên dân số đạt 42%. Với mức tăng trưởng ổn định được duy trì qua các năm, doanh thu bán lẻ trực tuyến năm 2020 dự tính sẽ đạt mốc 13,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ tới dự tính nói trên. Cụ thể, trong giai đoạn đầu của dịch bệnh (từ khoảng tháng 2 đến tháng 4/2020), có 57% doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan tới thương mại điện tử cho biết doanh thu tăng trưởng dưới 30% so với cùng kỳ năm 2019, thậm chí tăng trưởng âm. Tuy nhiên, vẫn có 24% doanh nghiệp có doanh thu tăng trên 51% so với cùng kỳ năm trước đó.
Tốc độ tăng trưởng về doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 ước giảm khoảng 6% mặc dù số lượng giao dịch tăng 25% (do các mặt hàng giao dịch thương mại điện tử giai đoạn COVID-19 có giá trị thấp).
Với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát như hiện nay, Bộ Công Thương nhận định, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử về doanh thu trong quý IV/2020 là 20%, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ ước đạt 12 tỷ USD.
Đối với kịch bản xấu nhất, khi dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp trong quý IV/2020, sản xuất tiêu dùng trong nước bị tác động, nguồn hàng, các hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng lớn như vận tải hàng không, dịch vụ lưu trú, ăn uống..., sức tiêu dùng của người dân chậm thì khả năng quy mô thị trường thương mại điện tử bị tác động lớn, ước đạt 11 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ chỉ đạt 13%.
Theo Bộ Công Thương, dù năm 2020 dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử bị sụt giảm đáng kể so với dự tính ban đầu, khi chưa xảy ra đai dịch COVID-19, tuy nhiên nhìn về tổng thể, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển năng động nhất trong khu vực và có tốc độ tăng trưởng thuộc top 3 Đông Nam Á.
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị hàng hóa, dịch vụ đạt trung bình 600 USD/người/năm. Từ đó, doanh số thương mại điện tử B2C tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đồng thời, khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa Hà Nội, TP HCM với các địa phương khác cũng được kỳ vọng thu hẹp lại.
Để làm được điều này, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh chuyển đổi số, Bộ Công Thương nhấn mạnh giải pháp sẽ chú trọng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, cũng như xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng…
Bình luận