• Zalo

Doanh nghiệp xuất hóa đơn 6.000 tỷ đồng rồi bỏ trốn

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Sáu, 21/07/2023 13:53:09 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngoài công ty yến sào xuất hóa đơn 34.000 tỷ đồng trong 7 ngày, ngành thuế TP.HCM còn phát hiện một doanh nghiệp xuất hóa đơn 6.000 tỷ đồng rồi bỏ trốn.

Xuất hóa đơn 6.000 tỷ đồng rồi bỏ trốn

Trong buổi Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Cục Thuế TP.HCM tổ chức, ông Đặng Khắc Phúc, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Thạnh cho biết, hiện nay, việc rà soát, đối chiếu của công chức ngành thuế đều được thực hiện thủ công dẫn đến mất nhiều thời gian.

Có một số trường hợp vi phạm bị phát hiện nhưng khi công chức ngành thuế mời doanh nghiệp lên giải trình, cung cấp thông tin theo quy định (trong vòng 15 ngày) thì đại diện doanh nghiệp đã bỏ trốn.

Có lần chúng tôi phát hiện một công ty xuất 6.000 tỷ đồng hóa đơn nhưng sau đó đại diện doanh nghiệp đã bỏ trốn”, ông Phúc cho hay.

Chưa dừng lại ở đó, qua rà soát, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh phát hiện, chỉ trong vòng 7 ngày, một công ty yến sào đã liên tục xuất nhiều hóa đơn trị giá tổng cộng 34.000 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD.

Khi chúng tôi kiểm tra thì hóa đơn yến sào chỉ có 40 triệu đồng, còn lại 34.000 tỷ đồng xuất vào thị trường chứng khoán. Chúng tôi đã gửi văn bản hỏi công ty chứng khoán và báo cáo về Cục Thuế TP.HCM”, ông Phúc nói.

Doanh nghiệp xuất hóa đơn 6.000 tỷ đồng rồi bỏ trốn - 1

Một công ty yến sào tại quận Bình Thạnh, TP.HCM xuất hóa đơn đến 34.000 tỷ đồng trong 7 ngày. (Ảnh: B.L)

Công chức ngành thuế "quá tải"

Ông Đặng Khắc Phúc cho biết, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đang quản lý 22.000 doanh nghiệp và hơn 16.000 hộ kinh doanh. Đơn vị này đã vận động 100% doanh nghiệp và hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. Kể từ ngày 1/7/2022 đến 30/6/2023, số lượng hóa đơn điện tử có mã xác thực là hơn 17,8 triệu hóa đơn, không có mã xác thực hơn 453.000 hóa đơn. Đây là số lượng hóa đơn rất "khủng".

Mặc dù khối lượng công việc rất lớn nhưng số lượng công chức thuế lại chưa tương xứng. Hiện nay, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh chỉ có 230 công chức nhưng theo ông Phúc, đơn vị này cần có 460 công chức mới đảm đương nổi lượng công việc hiện tại.

Tại Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, mỗi công chức đang quản lý khoảng 400 - 500 công ty. Nếu thực hiện các quy trình kiểm tra mà ngành thuế đặt ra thì mỗi công chức phải mất gần 314.000 phút mới hoàn thành công việc. Đây là khoảng thời gian cao gấp 3 lần so với quy định về giờ làm việc hành chính. Bởi, theo quy định, công chức chỉ làm việc khoảng hơn 113.700 phút.

"8 -9 giờ tối công chức thuế vẫn mở đèn làm việc, điều này cho thấy sự quá tải về công việc của họ. Theo tính toán của đơn vị chúng tôi, một công chức muốn thực hiện tốt nhiệm vụ thì mỗi người chỉ nên quản lý từ 80 - 90 công ty", ông Phúc nói.

Khó quản lý hóa đơn điện tử

Ông Đặng Khắc Phúc chia sẻ, hiện nay, doanh nghiệp rất đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực và hình thức kinh doanh. Do đó, công tác quản lý thuế cũng xuất hiện hàng loạt những rủi ro, điển hình như hành vi sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp. Bên cạnh những doanh nghiệp có lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì còn một bộ phận doanh nghiệp muốn tìm được lợi nhuận ngoài việc sản xuất.

Theo ông Phúc, việc nộp ít thuế cũng là tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, đây chính là hành vi trốn thuế. Từ đó sinh ra cung - cầu hóa đơn dẫn đến hình thành các doanh nghiệp mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Ngoài ra, công chức ngành thuế cũng chưa có đầy đủ công cụ để kiểm tra phát hành, sử dụng hóa đơn chứng từ điện tử. Trong khi đó, nếu sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp có thể đặt trụ sở ở bất kỳ đâu và xuất hóa đơn hàng nghìn tỷ đồng suốt ngày đêm.

Đối với doanh nghiệp xuất hóa đơn điện tử, doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn bên kia biên giới hay bất cứ thời gian nào trong ngày. Như vậy, để ngành thuế có thể phát hiện ngay những vi phạm là điều không thể”, ông Phúc nói.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, nhiều tổ chức, cá nhân đang khai thác "kẽ hở" của luật pháp về cấp đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu Tư để trục lợi. Một cá nhân chỉ cần sử dụng giấy tờ tùy thân để đăng ký đại diện cho doanh nghiệp mà không cần chứng minh nhân thân, địa chỉ trụ sở và cơ sở sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, vốn kinh doanh cũng được khai khống, doanh nghiệp nào cũng khai có vốn 30 tỷ đồng.

Ông Phúc dẫn chứng, trong 524 doanh nghiệp bị Công an tỉnh Phú Thọ đề nghị Tổng cục Thuế giám sát sử dụng hóa đơn thì doanh nghiệp nào cũng khai vốn là 30 tỷ đồng. Ngoài ra, lợi dụng các quy định thông thoáng về kê khai nghĩa vụ thuế, phát hành sử dụng hóa đơn điện tử, nhiều đối tượng cũng thành lập hàng loạt doanh nghiệp nhằm mục đích mua bán hóa đơn và thực hiện hành vi trốn thuế.

ĐẠI VIỆT
Bình luận
vtcnews.vn