Chia sẻ với VTC News, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, họ đang gặp khó khăn, khủng hoảng nặng nề vì dịch bệnh, chiến tranh và giá cả leo thang. Những tác động này khiến nỗ lực hồi phục ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết.
Đứt chuỗi cung ứng, khó phục hồi sản xuất
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn, Tuyên Quang) là đơn vị chuyên đầu tư, nhập khẩu trâu bò, giúp người dân địa phương tăng gia chăn nuôi nâng cao thu nhập.
Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX cho biết, đơn vị đã triển khai mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò thịt an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong 4 năm (2017 - 2020), mỗi năm HTX cung ứng, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu gần 100.000 con trâu, bò sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Âu.
Để có trâu, bò chất lượng, ông Oanh lặn lội sang tận Campuchia, Thái Lan để tìm mua, nhập về Việt Nam rồi bán cho các HTX, hộ thành viên liên kết chăn nuôi, vỗ béo. Sau một thời gian trâu bò đảm bảo lượng thịt, HTX thu mua lại với giá bán ban đầu. Nhờ vậy, HTX đã tạo việc làm cho hàng trăm hộ dân địa phương, giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.
Công việc vốn đang thuận lợi thì từ năm 2021 đến nay, HTX rơi vào cảnh kiệt quệ, điêu đứng bởi dịch COVID-19 khiến việc giao thương buôn bán, nhập trâu, bò về nuôi gặp nhiều trở ngại.
Chưa dừng lại ở đó, do một phần sản phẩm chế biến là trâu khô, bò khô, bắp bò đông lạnh được xuất khẩu sang một số nước Đông Âu, nên khi chiến sự giữa Nga và Ukraine xảy ra, HTX chưa kịp nỗ lực phục hồi đã phải tạm ngừng hoạt động.
“Nguồn cung ứng, tiêu thụ hàng hóa bị đứt gãy, cùng với nhiều khó khăn bủa vây nên từ hơn 300 lao động thường xuyên với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng, đến nay HTX chỉ cố gắng duy trì, tạo việc làm cho hơn 60 người”, ông Oanh nói.
Cũng "ngồi trên lửa" do lo lắng về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, ông Đinh Văn Thập, Phó tổng giám đốc Tổng công ty may Nhà Bè, TP.HCM cho biết, chiến sự giữa Nga và Ukraine trước mắt tuy chưa tác động nhiều nhưng chắc chắn qua thời gian sẽ “ngấm đòn”.
“Với những đơn vị có hàng xuất khẩu sang Nga thì việc thanh toán chắc chắn là gặp khó khăn", ông Thập dự đoán.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh đang bùng phát lại, số ca dương tính tăng rất nhanh, cao hơn cả thời kỳ cao điểm. “Nguy cơ thiếu lao động khiến nỗ lực phục hồi sản xuất của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn”, ông Thập nói.
Xăng dầu, phí logistics thành gánh nặng
Không chỉ chịu tác động từ dịch bệnh, chiến tranh, các doanh nghiệp còn phải oằn mình gánh giá xăng dầu, logistics cao dựng đứng, khiến việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu càng thêm khó khăn, trắc trở hơn, bởi đây là những chi phí đầu vào rất quan trọng với mỗi doanh nghiệp.
Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Trung Kiên Hà Nam (Phạm Văn Bạch, Phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM), thông tin: Do chuyên thiết kế, sản xuất, cung ứng và xuất khẩu thiết bị viễn thông, cung cấp cho khách hàng của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đối tác nước ngoài nên doanh nghiệp của ông có nhu cầu cao về dịch vụ logistic. Chẳng hạn, việc đóng gói hàng hóa và xuất khẩu ra nước ngoài theo đơn hàng phải thông qua đường hàng không, tàu biển, còn trong nước phải thông qua hệ thống vận tải đường sắt hoặc vận tải bộ.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng, kéo cước vận chuyển, phí logistics cũng tăng 10 -15%, khiến tổng chi phí của doanh nghiệp đội thêm gần 40%.
“Một container 40 feet vận chuyển từ Sài Gòn sang Myanmar bằng đường biển trước Tết có giá cước là 2.600 USD, nay lên 3.050 USD, cộng với hơn 300 USD thuế VAT, khiến chi phí vận chuyển cho mỗi container tăng hơn 700 USD. Còn đường hàng không cũng tăng giá cước 10%, từ 3,9 USD/kg lên 4,4 USD/kg từ Việt Nam đi”, ông Kiên nói.
Đại diện một doanh nghiệp ở Bình Thuận chuyên xuất khẩu khoáng sản sang Nga và các nước Đông Âu thông tin, thời gian qua, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do giá nhân công, xăng dầu, logistics tăng cao. Giao thông toàn cầu vốn đã bị gián đoạn nghiêm trọng do hậu quả của đại dịch COVID-19, nhất là phương thức vận tải biển và vận tải đường sắt và hàng không, nay xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine càng tạo ra nhiều thách thức hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là có hàng hóa được ký kết với các đối tác tại Nga.
Vị này phân tích thêm, một trong những cảng container lớn nhất trong khu vực là Odessa, Ukraine. Nếu tuyến vận tải này bị cắt đứt, những ảnh hưởng đối với xuất nhập khẩu chắc chắn là đáng kể.
Trong khi đó, nói về giá xăng dầu liên tục tăng và đạt mức cao nhất lịch sử, ông Phạm Văn Thiệp, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân, (thương hiệu trứng gà Ba Huân) cho biết, chưa năm nào sau Tết giá thực phẩm lại neo ở mức cao như hiện nay. “Từ Tết đến nay, trứng già đã tăng 350 đồng/quả, từ 1.800 đồng lên 2.150 đồng. Đây là hệ quả của việc giá xăng tăng cao, kéo theo hàng loạt hàng hóa thiết yếu tăng như hiện nay”, ông Thiệp nói.
Tương tự, ông Trần Sĩ Trực, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, giá xăng tăng cao làm cho giá các nguyên liệu đầu vào nhập về hiện tăng 20 - 30%, một phần do nguồn nguyên liệu khan hiếm, phần do giá cước vận tải tăng, kéo theo giá thành phẩm bình quân tăng khoảng 20%.
“Công ty phải tính toán các phương án cân đối chi phí phát sinh để không bị lỗ, mất khách hàng. Mấy tháng nay chúng tôi đều bán hàng không lợi nhuận. Hiện, công ty phải tính toán lại giá thành và tăng giá từ đầu tháng 4 theo nhà cung cấp”, ông Trực nói.
Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Việt Nam hiện rất nhiều doanh nghiệp đã có quan hệ xuất nhập khẩu truyền thống với Nga, những doanh nghiệp này nên chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường để chuyển hướng một cách tích cực.
“Các doanh nghiệp đang nhập khẩu nguyên liệu từ Nga thì bây giờ nên tìm thêm nguồn nhập khẩu khác ổn định để thay thế. Với các doanh nghiệp xuất khẩu cần khẩn trương mở rộng thị trường tiêu thụ khác ngoài Nga. Đó là điều mà doanh nghiệp Việt cần phải làm ngay để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu phát triển, tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay”, ông Điều nói.
Bình luận