• Zalo

Doanh nghiệp và nhà khoa học phải trở thành 'đôi bạn cùng tiến'

Sản phẩmThứ Ba, 06/11/2018 17:48:00 +07:00Google News

Đó là nhận định của ThS. Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp khi nói về sự liên kết giữa viện – trường đại học – doanh nghiệp trong chuyển giao công nghệ để cùng hướng tới Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại hội thảo “Vai trò của KHCN đối với phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam” nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày hội Khởi nghiệp Thủ đô 2018, ThS. Lê Thị Khánh Vân nhận định: Đổi mới công nghệ đã thật sự trở thành yếu tố quyết định để duy trì sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển, phải không ngừng cải tiến và đổi mới sản phẩm của mình. Doanh nghiệp được coi là xương sống của nền kinh tế.

Doanh nghiệp phát triển không những là động lực chính đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế mà còn giải quyết những vấn đề xã hội như công ăn việc làm. Do vậy, việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu KHCN từ những viện, trường đại học cho doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để tạo nên sức cạnh tranh và nguồn lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

doanh nghiep và nha khoa hoc  (1)

 ThS. Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp (Ảnh: Phan Minh)

Theo bà Vân, hiện nay, Nhà nước đã nhận thức thị trường KHCN là một trong những thị trường cần phải khuyến khích, trong đó, doanh nghiệp chính là đối tượng chính trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu KHCN. Từ đây, một loạt các cơ chế, chính sách khuyến khích gắn kết các nhà khoa học với doanh nghiệp được ban hành. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã nhận thức được KHCN là yếu tố quyết định trong cuộc cạnh tranh kinh tế gay gắt khi Việt Nam hộp nhập kinh tế thế giới. Về phía các nhà khoa học, họ đã có tinh thần doanh nghiệp và hướng nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn nhiều hơn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp ở nước ta phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm 96% doanh nghiệp cả nước, có quy mô và quy trình sản xuất tương đối đơn giản, rất thiếu vốn và có ít vốn tự có, khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế. Họ cũng chưa có thói quen tìm kiếm, thu thập, sử dụng thông tin để quyết định lựa chọn công nghệ thích hợp để đổi mới.

DNNVV thường có khả năng quản lý yếu hoặc thiếu kinh nghiệp tiếp thị, thiếu nhân lực KHCN do chi cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp cò thấp. Đồng thời, nguồn lực hạn chế tạo rào cản cho doanh nghiệp có thể theo dõi tình hình cạnh tranh, các thông tin công nghệ mới, tiêu chuẩn mới, khả năng đổi mới công nghệ, các cơ chế, chính sách mới và vươn tới thị trường nước ngoài.

doanh nghiep và nha khoa hoc  (2)

 ThS. Lê Viết Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Phương Đông (trái) và ThS. Bá Thị Châm, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam (phải) là “đôi bạn cùng tiến” giữa doanh nghiệp và nhà khoa học được ThS. Lê Thị Khánh Vân dẫn chứng (Ảnh: Phan Minh)

Về phía các viện, trường đại học, nhu cầu và khả năng liên kết với doanh nghiệp không cao do nhiều lý do; hạn chế liên quan tới vấn đề hàng rào chức năng và phi chức năng; trở ngại trong việc huy động lực lượng khoa học tham gia nghiên cứu; cơ chế quản lý các đề tài nghiên cứu từ ngân sách chưa phù hợp với đặc thù của lao động trí óc; và các trường đại học chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích giảng viên hợp tác với doanh nghiệp.

Về phía Nhà nước, bà Vân cho rằng hiện nay nước ta đang có những chính sách mang tính chất bảo hộ bất hợp lý, nhiều đặc quyền khiến cho các viện, trường và doanh nghiệp vẫn còn tư tưởng ỷ lại, không tích cực tìm đến với nhau; quan hệ hợp tác về KHCN nói chung còn thiếu sự đảm bảo từ phía Nhà nước; mức độ ưu tiên cho hỗ trợ liên kết giữa viện, trường với doanh nghiệp ở các chính quyền điịa phương chưa cao.

Thêm vào đó, cơ quan quản lý chưa phổ biến đầy đủ, kịp thời những nghị định quan trọng nhằm khuyến khích việc đầu tư vào KHCN, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp đến những đối tượng được hưởng ưu đãi hoặc cơ chế, chính sách chưa thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp hoặc chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư đủ lớn và việc xét duyệt còn phức tạp, rườm rà. Ngoài ra, khung pháp lý hiện nay cũng chưa đủ mạnh để cải thiện quan hệ giữa khoa học và sản xuất.

Do đó, giải pháp thúc đẩy gắn kết viện – trường đại học và doanh nghiệp lúc này là phải phát triển nguồn nhân lực và công nghệ cho doanh nghiệp; ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KHCN; phối hợp đầu tư công nghệ; tổ chức các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ và kích cầu công nghệ nội sinh. Nói một cách tổng thể hơn, nhà khoa học và doanh nghiệp phải trở thành “đôi bạn cùng tiến” để cùng nhau bước vào kỷ nguyên mới.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn