Gia tăng thời gian làm việc, nâng cao chất lượng nhân sự, mạnh dạn đầu tư công nghệ, phát huy và tận dụng những thế mạnh vốn có, tái cơ cấu lại doanh nghiệp để có thể chung sống với dịch và khai thác thị trường ngách để không bị động, bất thường… là những việc làm cần thiết của các cơ sở, doanh nghiệp quảng cáo hiện nay, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở vừa và nhỏ.
Theo chuyên gia truyền thông Đặng Đình Thành, doanh nghiệp làm truyền thông, quảng cáo, truyền hình cũng giống như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác. Do vậy, tinh thần, bản lĩnh của các doanh nhân lúc khó khăn này đóng vai trò vô cùng quan trọng để “chèo lái con thuyền” của mình vượt qua khó khăn thách thức.
Bên cạnh đó, “trong cái khó, ló cái khôn” rất có thể là cơ hội tuyệt vời cho những doanh nghiệp biết phát huy và tận dụng những thế mạnh vốn có của mình để “vươn ra biển lớn” và có những thành công rực rỡ sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Thành, ở thời điểm này và giai đoạn tiếp theo, hơn ai hết tất cả doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp truyền thông, quảng cáo, truyền hình nói riêng phải hết sức tập trung cao độ làm việc cật lực hơn 200% công suất và khả năng của mình để biến khó khăn, thách thức trở thành “hào khí kinh doanh”.
“Cần tập trung kêu gọi tất cả nhân sự tập trung cao độ và tinh thần đoàn kết để hàng ngày, hàng giờ tìm ra tất cả các giải pháp để ứng phó với khó khăn và tìm ra những điểm mạnh, giải pháp tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với thị trường sau đại dịch COVID-19”, ông Thành nói.
Đồng tình với quan điểm của ông Thành, ông Đinh Đức Lâm, giám đốc công ty quảng cáo ngoài trời Phương Lâm, ở Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, chính ở thời điểm này, các doanh nghiệp cần tập trung vào tái cơ cấu để sống chung với bối cảnh thị trường sau đại dịch. Đặc biệt là tái cơ cấu nhân sự, tái cơ cấu cách làm, tái cơ cấu tài chính nhằm mục tiêu cắt giảm tất cả các chi phí không cần thiết, tập trung dồn toàn lực tài chính để đầu tư cho việc thay đổi của doanh nghiệp.
“Muốn làm tốt điều đó mỗi doanh nhân cần phải hết sức khéo léo, khôn ngoan, tỉnh táo để nhân sự phải đồng tâm, hiệp lực tìm ra hàng loạt phương án mới phù hợp nhất với doanh nghiệp của mình”, ông Lâm nói.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp truyền thông, quảng cáo, truyền hình phải khéo léo vận dụng và tận dụng tất cả các nguồn hỗ trợ từ nhà nước để trở thành động lực, tinh thần để toàn doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn, có một tầm nhìn mới, con đường mới để “tự cứu lấy mình”.
Nêu phương án tìm hướng vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp quảng cáo, bà Nguyễn Thị Kim Chung, chủ cơ sở quảng cáo Hương Giang, quận Hà Đông, Hà Nội cho rằng, thị trường ngách là một thị trường rất quan trọng trong chiến lược Marketing và kinh doanh của doanh nghiệp. Càng khó khăn thì thị trường ngách càng phát huy tác dụng đặc biệt cho các cơ sở nhỏ như của bà.
“Do đó cần phải quan tâm, khai thác các thị trường ngách một cách hiệu quả nhất”, bà Chung nói.
Bà Chung cũng nêu phương án thay đổi là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh hay chuyển đổi số trong lúc COVID-19 luôn rình rập mọi ngõ ngách. Nếu các doanh nghiệp quảng cáo không ứng dụng các giải pháp công nghệ vào hoạt động kinh doanh để bình ổn mọi hoạt động trong tình huống xấu nhất, chắc chắn chúng ta luôn bị động với mọi biến đổi bất thường của COVID-19.
Do đó, doanh nghiệp buộc phải thực hiện hàng loạt giải pháp để sống chung với đại dịch COVID-19. Muốn làm được được việc này, trước tiên là phải thay đổi nhận thức ngay từ doanh nhân, đến các vị trí nhân sự nòng cốt. Phải tập trung thay đổi tư tưởng để toàn thể doanh nghiệp đồng thuận việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào việc sản xuất, kinh doanh theo xu thế của xã hội.
Để chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, mỗi doanh nghiệp cần phải thực hiện từng bước, từng việc và phải tuân thủ nguyên tắc “phải làm thần tốc, làm đồng bộ” tất cả các vị trí, bộ phận.
“Chúng ta cần chủ động xây dựng những quy trình, việc làm cụ thể đơn giản để toàn thể hệ thống làm quen dần từng việc. Không nên bỏ cả mớ tiền ra để đầu tư công nghệ ngay từ đầu sau đó thất bại sẽ làm cho doanh nghiệp chán nản, mất tinh thần, ý chí để rồi xem việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số là bài toán xa vời với doanh nghiệp”, bà Chung nói thêm.
Bình luận